Đặc tính “Hằng Cứu Giúp” của Đức Mẹ

Thái Hà (06.7.2015) – Đức Maria có một vị trí đặc biệt trong lòng Giáo Hội. Mẹ được Giáo Hội tuyên dương với nhiều tước hiệu khác nhau, đặc biệt là tước hiệu “Mẹ Hằng Cứu Giúp”. Tước hiệu này nói lên niềm tin của Giáo Hội vào lòng yêu thương chăm sóc của Đức Maria đối với loài người; đồng thời cũng nói lên lòng yêu mến, tin tưởng phó thác của con cái Giáo Hội vào Mẹ . Khi tuyên dương Đức Mẹ với tước hiệu “Mẹ Hằng Cứu Giúp”, Giáo Hội tin rằng, Mẹ Maria luôn luôn cầu bầu, cứu giúp cho loài người trước tòa Chúa. Đây không phải là kết quả từ những tình cảm hời hợt chóng qua nhưng là một niềm tin, niềm xác tín được đặt trên nền tảng Kinh Thánh và nhất là dựa trên những suy tư thần học về tín điều Mẹ Thiên Chúa để rồi Giáo Hội xác tín đặc tính Hằng Cứu Giúp của Đức Maria và kêu gọi mọi người hãy tin tưởng chạy đến với Mẹ.

11329890_117977661871857_8794891910497340547_n

Trước hết, trong Kinh Thánh Cựu Ước[1], có một số sấm ngôn người ta hiểu về Đức Mẹ theo nghĩa đen hoặc theo nghĩa văn tự, đó là: St 3:5; Is 7:4; Mk 5:2-3

Ba đoạn Kinh Thánh trên nói về “người đàn bà” (St 3:5), “người thiếu nữ” (Is 7:4), “người sản phụ sinh con” (Mk 5:2-3) và những hình ảnh này được hiểu là nói trước về Đức Maria. Đặc biệt hình ảnh: “người đàn bà”, “người thiếu nữ” hay “người sản phụ sinh con” đều xuất hiện trong lúc con người phạm tội hay Dân Chúa Chọn rơi vào những tình thế nguy hiểm, bị quân thù vây hãm: “Người đàn bà” trong St 3:15 xuất hiện sau khi con người sa ngã phạm tội; “người thiếu nữ” trong Is 7:14 xuất hiện khi thành Gisêrusalem bị vây hãm và vua Achas muốn cầu cứu binh đội Assyrie vào năm -736; và “người sản phụ sinh con” trong Mk 5:2-3 xuất hiện vào thời điểm quân Assyrie quay lại Giêrusalem năm -701 không phải để trợ giúp mà để tàn phá. Hình ảnh “người đàn bà”, “người thiếu nữ”, “người sản phụ sinh con” chính là hình ảnh tiên báo về Đức Maria.

Nếu như những gương mặt người nữ trong St 3:15; Is 7: 14 và Mk 5: 2-3 đã xuất hiện vào lúc loài người hay Dân Chúa Chọn đang gặp cảnh nguy khốn thì cũng là hình ảnh ám chỉ rằng, chính Đức Maria cũng sẽ luôn luôn có mặt mỗi khi con cái loài người gặp cảnh nguy khốn.

Ngoài ba đoạn Kinh Thánh trên, trong Cựu Ước còn một số đoạn có thể hiểu theo nghĩa tiên trưng cho ta thấy đặc tính Hằng Cứu Giúp của Đức Maria, cụ thể là: hình ảnh bà Giuđitha trong sách Giuđitha và bà hoàng hậu Esther trong sách Esther. Sách Guđitha đã kể lại việc Thiên Chúa dùng tay một người nữ tên là Giuđitha để đánh tan quân xâm lược hùng mạnh nhất có thể tưởng tượng được trong thiên hạ, và để cứu dân Người. Đối với hoàng hậu Esther, dân Chúa đã nhờ sự can thiệp của bà với vua Axueru để khỏi phải tiêu diệt. Nếu như với việc hiểu Kinh Thánh theo nghĩa tiên trưng để thấy hình ảnh của Đức Maria qua hình ảnh của bà Giuđitha và hoàng hậu Esther thì rõ rang ta thấy được vai trò Hằng Cứu Giúp của Đức Mẹ. Mỗi lần con cái của mình rơi vào chốn nguy hiểm thì Mẹ lại ra  tay để cứu giúp, Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho con cái của Mẹ thoát khỏi mọi hiểm nguy.

Những đoạn Kinh Thánh Cựu Ước cho ta thấy đặc tính Hằng Cứu Giúp của Đức Maria qua các nghĩa mặt chữ hay nghĩa tiên trưng thì trong các trang sách Tân Ước, ta thấy một cách hiển nhiên hơn đặc tính này của Mẹ.

Đoạn Kinh Thánh kể về tiệc cưới tại Cana miền Galilê (Ga 2,1-12) luôn gợi cho người đọc vai trò đặc biệt của Đức Maria. Mẹ Maria quan tâm đến từng vấn đề thiết yếu nhất của gia chủ để rồi khi họ gặp khó khăn, Mẹ kêu với Con của mình can thiệp. Hay hình ảnh Đức Maria ngồi giữa các Tông Đồ cầu nguyện trong ngày Lễ Ngũ Tuần (Cv 1,12-14) lại không phải là hình ảnh cứu giúp của Đức Maria sao? Đoạn văn không mô tả việc Mẹ Maria đã cứu giúp các Tông Đồ điều gì, nhưng sâu xa ra, chính khi ngồi giữa các Tông Đồ để cùng cầu nguyện với các ông, Mẹ Maria đang thể hiện tình yêu thương che chở các ông sau những ngày các ông gặp hoang mang do biến cố Khổ Nạn và Phục Sinh của Thầy mình.

Nếu như mặc khải Kinh Thánh đã cho thấy rõ đặc tính Hằng Cứu Giúp của Mẹ Maria, thì những suy tư thần học về tín điều Mẹ Thiên Chúa càng củng cố niềm xác tín đó hơn nữa.

Đức Maria đã sinh ra Chúa Giêsu, Đấng vừa là người thật vừa là Thiên Chúa thật. Do đó, Đức Maria trở thành Mẹ của Ngôi Hai Thiên Chúa, Mẹ của vì Thiên Chúa Làm Người. Hệ quả của niềm xác tín này là: Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa thì Mẹ cũng là Mẹ của cả loài người. Vì chính Đức Giêsu là Trưởng Tử, là Anh Cả giữa đàn em đông đúc. (Rm 8,29)

Đức Maria là Mẹ nhân loại không theo nghĩa xác thịt nhưng theo nghĩa thiêng liêng. Chính Công Đồng Vaticano II đã xác tín rằng: “Đức Maria đã cộng tác cách rất đặc biệt vào công trình của Đấng Cứu Thế, nhờ lòng vâng phục, nhờ đức tin, đức cậy, và đức ái nồng nhiệt, để tái lập sự sống siêu nhiên cho các linh hồn. Bởi vậy, trên bình diện ân sủng, Ngài thật là Mẹ chúng ta”[2]. Thật vậy, khi Đức Maria đáp lời xin vâng với Sứ Thần Gapriel thì Mẹ đã cộng tác với Thiên Chúa để giải thoát nhân loại. Hơn nữa, trên đồi Canvario, Mẹ đã hiến dâng sự sống Con Chí Thánh cho Chúa Cha để cứu chuộc con người. Do đó, Thánh Augustino đã quả quyết rằng: “Từ đó, Mẹ đã thực sự trở nên Mẹ thiêng liêng của hết các chi thể Chúa Cứu Thế, và Mẹ đã yêu thương cộng tác vào sự sản sinh các tín hữu vào Giáo Hội”[3]. Hơn nữa, chính ngay dưới chân thập giá, loài người đã trở thành con của Mẹ qua lời chăng chối của Đức Giêsu mà thánh Gioan là đại diện: “Đây là con của Bà” “Đây là Mẹ Anh” (Ga19,16-27)

Người mẹ nào lại chẳng yêu thương con, nhất là người mẹ ấy lại là Đức Maria. Đức Maria đã yêu thương, chăm sóc Đức Giêsu như thế nào thì Mẹ cũng yêu thương chăm sóc, nuôi nấng con cái loài người như vậy. Có thể nói rằng, Mẹ Maria yêu thương con cái loài người còn hơn chính Người Con Duy Nhất của Mẹ là Đức Giêsu; bằng chứng là Mẹ đã sẵn sàng hiến dâng Người Con ấy cho Thiên Chúa Cha để nhờ Ngài mà loài người được sống. Vì vậy, thánh Bônaventura đã viết rằng: “Ở thế gian không bao giờ có thụ tạo nào nồng nàn yêu ta bằng người Mẹ đã ban cho ta Con Duy Nhất mình, đã hiến dâng Con mình vì chúng ta, Người Con mà Mẹ thiết tha yêu mến vô cùng hơn chính mình Mẹ”[4]. Đó là bằng chứng sâu xa nhất nơi tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp của Mẹ Maria.

Tóm lại, việc tuyên dương Mẹ Maria với tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp không phải là do tình cảm chóng qua của các tín hữu trong Giáo Hội, nhưng đó là một đặc tính của Mẹ Maria được đặt trên nền tảng Kinh Thánh và những suy tư thần học, nhất là từ tín điều Mẹ Thiên Chúa.

Đối với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế, tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp còn có một ý nghĩa quan trọng hơn nữa. Ngày 26 tháng 4 năm 1866, Đức Giáo Hoàng Pio IX đã trao cho Dòng bức ảnh thời danh hay làm phép lạ Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp với lời nhắn nhủ: “Hãy làm cho cả thế giới yêu mến Đức Mẹ”. Ngày nay, biết bao con người đã chạy đến với Mẹ Maria dưới tước hiệu Mẹ Hằng Cứu Giúp và họ đã thực sự cảm nhận được tình thương yêu của Mẹ. Tại Việt Nam, những trung tâm hành hương kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Đền Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp tại Hà Nội, Huế, Sài Gòn hằng tuần có biết bao người lương cũng như giáo đã chạy đến với Mẹ. Do đó, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế hơn ai hết là những người cần cảm nhận được tình thương Hằng Cứu Giúp của Đức Mẹ và cổ võ lòng sùng kính này dựa trên nền tảng Thánh Kinh và những suy tư thần học, nhất là từ tín điều Mẹ Thiên Chúa.

[1] Dùng bản dịch của Nhóm Phiên Dịch CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ

[2] Lumen Gentium, chương 8, số 61

[3] THÁNH ANPHONG, Vinh Quang Đức Maria, tr46, dịch giả Phạm Duy Lễ, nxb Tôn Giáo, năm 2006

[4] THÁNH ANPHONG, Vinh Quang Đức Maria, tr60

Hướng Việt