Thái Hà (01.07.2016) – Vậy là sau gần 3 tháng (04/4-30/6), nguyên nhân xảy ra đại họa môi trường tại các tỉnh Miền Trung làm cá chết hàng loạt cũng đã có câu trả lời. Chủ tịch tập đoàn Formosa Hà Tĩnh, ông Trần Nguyên Thành cùng 6 đại diện công ty đã cúi đầu “”nhận trách nhiệm và thành thật xin lỗi nhân dân Việt Nam” cũng như lời hứa bồi thường thiện hại với khoản tiền 500 triệu USD (chiều 30/6/2016).
Tập đoàn Formosa Hà Tĩnh nhận trách nhiệm nguyên nhân gây ra thảm họa, phần nào giúp nhà cầm quyền Việt Nam giảm bớt được áp lực trước làn sóng phản đối từ người dân vì đã để xảy ra thảm họa và sự chậm chễ công bố nguyên nhân.
Tuy vậy, việc Formosa Hà Tĩnh chịu trách nhiệm về việc gây ra thảm họa ô nhiễm biển dẫn đến cá chết hàng loạt cùng với số tiền bồi thường 500 triệu USD, không làm cho người dân tin vào cách xử lý vấn đề của nhà cầm quyền Việt Nam là minh bạch và từ bỏ việc đấu tranh, lên tiếng cho vụ việc này.
Người dân, nhất là qua các mạng xã hội nêu lên nhiều thắc mắc và đưa ra những câu hỏi quan trọng liên quan đến vụ việc sau khi công bố Formosa Hà Tĩnh là thủ phạm:
– Liệu số tiền đền bù thiệt hại 500 triệu USD từ Formosa cho những gì đã xảy ra đối với môi trường biển, công ăn việc làm của ngư dân, ngành du lịch và những tác động khác có quá rẻ mạt?
– Formosa Hà Tĩnh đã thải ra biển những độc tố nào và những tác động từ độc tố đó đối với môi trường biển, đối với sức khỏe của con người và liệu hải sản từ biển có còn là thực phẩm an toàn?
– Tập đoàn Formosa có bị xử lý theo bộ luật hình sự như Điều 235 Bộ luật hình sự (số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015) liên quan đến tội làm ô nhiễm môi trường gây ra hậu quả nặng hay không? Lời kêu gọi tha thứ ‘đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh kẻ chạy lại’ của người phát ngôn Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng có phù hợp trong vụ việc này và có công bằng trước pháp luật?
– Nhà cầm quyền trả lời như thế nào về việc khủng bố, bắt bớ, đánh đập, đe dọa khi người dân xuống đường thúc đẩy, yêu cầu nhanh chóng tìm ra nguyên nhân thảm họa? Công của người dân buộc Formosa phải nhận lỗi hay công của Đảng?
– Phải xử lý những người đã cấp phép cho tập đoàn Formosa – một tập đoàn nhiều tai tiếng liên quan đến ô nhiễm môi trường đến 70 năm tại Hà Tĩnh? Những người mập mờ bao che cho Formosa như ông Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, có thể do “thủy triều đỏ” (27/4), hay những vị quan chức kêu gọi người dân ‘ăn cá biển’, “tắm biển” vì vẫn an toàn cho sức khỏe phải xử lý như thế nào?
– Formosa Hà Tĩnh sẽ khắc phục như thế nào, quá trình xả thải sẽ điều chỉnh như thế nào để có thể đảm bảo xả thải mà không gây ra ô nhiễm môi trường biển lần nữa, nhất là thời hạn của Fomosa hoạt động tại Hà Tĩnh có thời hạn đến 70 năm?
Những câu hỏi, khúc mắc vừa nêu lên mới là cốt lõi của vấn đề và cần trả lời rốt ráo mới mong khắc phục rốt ráo đại họa ô nhiễm xảy ra trong những tháng vừa qua.
Có thể vì đó mà người dân kêu gọi những hành động mạnh mẽ hơn, như việc phải đóng cửa nhà máy Formosa tại Hà Tĩnh để có thể xử lí triệt để, lâu dài thảm họa ô nhiễm. Cần xử lý hình sự những người có liên quan, cụ thể là lãnh đạo tập đoàn Formosa Hà Tĩnh. Chính phủ phải xin lỗi người dân vì sự chậm trễ, thờ ơ với thảm họa, nhất là việc bắt bớ người dân đã xuống đường bày tỏ quan điểm cách ôn hòa về vấn đề này.
Dầu vậy, thiết nghĩ, những câu hỏi được đặt ra phía trên sẽ không thể có câu trả lởi rốt ráo khi vụ việc liên quan đến lợi ích của các quan chức. Nhưng chắc chắn không phải câu hỏi đặt ra để “gửi trời xanh, gửi người sau, người trước” như trong bài thơ của cô giáo Trần Thị Lam trong bài thơ Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh.
Câu hỏi được đặt ra để người dân chúng ta ý thức và hiểu rõ hơn thực trạng xã hội hiện nay mà vụ việc thảm họa ô nhiễm môi trường đã gợi lên cho chúng ta và nhờ đó mà ta có những hành động cụ thể góp phần thay đổi hiện trạng xã hội được tốt hơn.
Hướng Việt