Đại hội Truyền thông Công giáo Thế giới SIGNIS Seoul 2022

Hôm 15/8/2022, đại hội Thế giới SIGNIS năm 2022 đã được chính thức khai mạc tại đại học Sogang của dòng Tên ở thủ đô Seoul của Hàn Quốc và kéo dài đến ngày 18/8/2022, với khoảng 300 tham dự viên.

SIGNIS

SIGNIS là từ kết hợp của hai từ: SIGN (tiếng Anh: dấu hiệu), và IGNIS (tiếng Latinh: lửa). Đây là tên chính thức của Hiệp hội Truyền thông Công giáo Thế giới, một tổ chức phi lợi nhuận, một phong trào giáo dân Công giáo bao gồm các chuyên gia trong lĩnh vực truyền thông như báo chí, đài phát thanh, truyền hình, điện ảnh, video, giáo dục truyền thông, internet và công nghệ mới.

SIGNIS có đại diện từ hơn 100 quốc gia và được tổ chức theo các khu vực lục địa: châu Phi và các quần đảo Ấn Độ dương, Á châu, châu Phi và Trung Đông, châu Mỹ Latinh và vùng Caribê, Bắc Mỹ, Thái Bình dương. Tổ chức này được thành lập vào tháng 11 năm 2001 sau khi Tổ chức Công giáo Quốc tế về Điện ảnh và Nghe nhìn (OCIC) và Hiệp hội Công giáo Quốc tế về Phát thanh và Truyền hình (Unda) được hiệp nhất với nhau.

Đại hội SIGNIS Thế giới

Đại hội SIGNIS Thế giới được tổ chức 4 năm một lần, với sự tham dự của các thành viên của các Hiệp hội trên toàn cầu để bầu chủ tịch, phó chủ tịch và Tổng Thư ký. Đại hội cũng có các buổi hội thảo và học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm, với các bài thuyết trình của các chuyên gia thuộc các lĩnh vực khác nhau về truyền thông.

Từ năm 2001, Đại hội đã được tổ chức lần lượt tại các thành phố: Roma, Lyon, Chiang Mai, Beirut, Roma, Quebec và Seoul. Tại Đại hội Thế giới ở Quebec vào năm 2017, SIGNIS cũng đã chào đón các tổ chức cựu thành viên của Liên minh Báo chí Công giáo Quốc tế (UCIP). Tổ chức đã được Tòa thánh chính thức công nhận là Hiệp hội Quốc tế của các giáo dân.

SIGNIS có tư cách tham vấn tại UNESCO, Hội đồng Kinh tế và Xã hội của Liên Hiệp quốc tại Genève và New York, và tại Hội đồng Châu Âu.

Các tham dự viên Đại hội SIGNIS Seoul 2022

Các tham dự viên của đại hội SIGNIS Seoul 2022 đến từ khắp nơi trên thế giới. Khoảng 300 người hiện diện thuộc các phái đoàn đại diện cho 31 quốc gia, từ Châu Phi, Châu Mỹ, Châu Âu, Thái Bình Dương và Châu Á. Phái đoàn Ấn Độ đông nhất với 27 đại diện. Đại hội được tổ chức bởi Hội đồng Giám mục Hàn Quốc và tổng giáo phận Seoul.

170 tình nguyện viên trợ giúp cho sự kiện. Jihyeon Kim, 35 tuổi, là một trong số các tình nguyện viên, đã chia sẻ: “Tôi đã lấy một số ngày nghỉ để tham dự hội nghị này với tư cách là một tình nguyện viên. Tôi làm việc trong một cơ quan chính phủ. Tôi tò mò về cách mọi người cố gắng thay đổi thế giới truyền thông, bởi vì tôi đã có một số trải nghiệm tồi tệ. Tôi nghĩ rằng ngày nay các phương tiện truyền thông có một vai trò nổi bật trong việc thay đổi thế giới. Tôi không phải là nhà báo hay nhà sản xuất. Nhưng tôi muốn trở thành độc giả hay một khán giả tốt và chọn những bài báo hay một cách có ý thức. Đó là lý do tại sao tôi quyết định giúp đỡ.”

Tham dự đại hội cũng có những người trẻ tuổi, những chuyên gia mới nổi trong các lĩnh vực truyền thông khác nhau, những người sẽ cống hiến sức sống cho Diễn đàn Thanh niên Quốc tế trong khuôn khổ Đại hội: một hội thảo do họ hướng dẫn đề cập đến các chủ đề, từ việc lắng nghe “để phát triển lòng nhân đạo, đồng cảm và hòa bình”, đến những người trẻ tuổi như những nghệ nhân của văn hóa gặp gỡ trong một xã hội “truyền thông”…

Chủ đề của Đại hội SIGNIS Seoul 2022

Chủ đề của Đại hội Thế giới SIGNIS năm 2022 tại Seoul, Hàn Quốc, là “Hoà bình trong Thế giới Kỹ thuật số”. Là mảnh đất của các vị tử đạo, quốc gia duy nhất trên thế giới đang bị phân chia và rất cần hoà bình, cũng như là cường quốc số một thế giới về công nghệ thông tin, Hàn Quốc đang gửi một sứ điệp hoà bình cho các tín hữu Công giáo trên toàn thế giới.

Đại hội gồm 3 phần: Phần thứ nhất có chủ đề: “Siêu kết nối nhưng vẫn đơn độc”; phần thứ hai là “Tin giả và sự mất tin tưởng”; và cuối cùng là “Bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.”

Thánh lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời

Vào ngày 15 tháng 8, lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời, Hàn Quốc cũng mừng Ngày giải phóng khỏi Nhật Bản. Ngày đó, vào cuối Chiến tranh thế giới thứ hai, đánh dấu việc bán đảo Triều Tiên bắt đầu bị phân chia làm hai, dọc theo vĩ tuyến 38. Những người tham gia SIGNIS đã hành hương đến nơi này, đến Đài quan sát Thống nhất Namsan, nơi sông Hàn và sông Imjin gặp nhau. Từ tòa tháp, họ hướng nhìn về phía Triều Tiên, và trong cái nhìn này, họ cảm nhận được nỗi đau của một đất nước bị chia cắt và cảm nhận được điều gì đó về cuộc sống của người dân Triều Tiên. Tại các cuộc triển lãm ảnh – ví dụ như triển lãm “Các gia đình bị chia cắt” sau khi tạo ra đường phân giới, họ tiếp tục nâng cao nhận thức trong việc tìm kiếm hòa bình.

Thánh lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời đã được cử hành tại Nhà thờ Sám hối và Chuộc tội, nơi được xây dựng với mục đích truyền bá lời cầu nguyện và hòa giải giữa hai miền nam – bắc và sự thống nhất của hai miền, khai mạc Đại hội SIGNIS năm 2022, tập trung vào chủ đề “Hòa bình trong thế giới kỹ thuật số. Bức tranh khảm ở bàn thờ chính, với hình ảnh Chúa Giêsu loan báo hòa bình – bằng các ký tự Hàn Quốc – và các vị thánh Đại Hàn ở các mặt, được thực hiện bởi các nghệ sĩ Triều Tiên và Hàn quốc.

Hồng Thủy – Vatican News