Dân oan Giáo Xứ Cồn Dầu (Hoà Xuân, Cẩm Lệ, Đà Nẵng) đã bị chính quyền Tp. Đà Nẵng cưỡng chế để cướp đất, cướp nhà và tài sản của người dân nên đã xoá xổ một làng Công giáo Cồn Dầu đã có hơn 135 năm.
Nay những người này đã vô gia cư, kéo theo những cụ già và những cháu nhỏ bơ vơ không chốn dung thân, đã được cha linh mục Nguyễn Thanh Sơn cho tá túc trong khuân viên nhà thờ Cồn Dầu .
Chính thức ngày 28/11/2019 là ngày bị chính quyền Tp. Đà Nẵng ủi sập không còn ngôi nhà nào trong làng Công giáo này nữa, trong đó có ngôi nhà của ba mẹ linh mục Nguyễn Can Trường .
Thật đớn đau cho những người già trẻ và các cháu không có chỗ trú ẩn để cắp sách đến trường.
Tôi được biết là các cháu này sẽ nghỉ học và đồng hành ra Hà Nội để tìm cho được công lý.
Trước đây cố Bí thư Tp. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đã nói, đây là một thành phố đáng sống và nghĩa tình. Thành phố thực hiện nghiêm chỉ thị 5 không (Không hộ đói; Không mù chữ; Không lang thang xin ăn; Không ma tuý; Không giết người cướp của), 3 có (có nhà ở; có việc làm và có lối sống văn minh đô thị) để Thành phố vươn ra tầm thế giới văn minh đáng sống và đáng để tới như thủ tướng đã nói, nhưng sự thật thì quá phủ phàng và dối trá.
Một Thành phố non trẻ đáng sống văn minh sao các cán bộ lại không có đến nỗi một phương án giải toả hợp lòng dân để đưa Thành phố vươn tầm cả nước để ổn định tình hình kinh tế chính trị cho Thành phố mà phải để cho dân oan lê thê trên đường phố Đà Nẵng và lại còn đàn áp người dân.
Vậy đất nước này, thành phố Đà Nẵng này có phải điểm đến và đáng sống như quý vị đã phán không? hay là dân không giàu nước sẽ không mạnh.
Nguồn: facebook Lan Huynh
Xin đọc bài về vụ việc Cồn Dầu (Bài với tư liệu cũ)
Vụ việc tại Giáo xứ Cồn Dầu xảy ra cách đây hơn 10 năm trời. Vào năm 2008, quyết định của Tp. Đà Nẵng di dời, giải toả cả một khu vực rộng lớn, trong đó có khoảng 400 hộ dân thuộc Giáo xứ Cồn Dầu để cho chủ đầu tư là Sun Grup thực hiện dự án ‘Khu đô thị sinh thái ven sông Hoà Xuân’
Do giá đền bù quá rẻ mạt và đây lại là mảnh đất mà cha ông họ đã định cư hàng trăm năm nên người dân không đồng ý.
Tập đoàn Sun Group đã câu kết với nhà cầm quyền, họ làm mọi cách buộc người dân phải di dời khỏi nơi định cư. Nhà cầm quyền gây khó dễ, đe doạ và đỉnh điểm là biến cố một cụ bà trong Giáo xứ qua đời nhưng không được chôn cất trong đất thánh của Giáo xứ. Nhà cầm quyền đã khủng bố những người trong đội mai táng, bị gọi lên đồn công an, bị đánh đập, kết tội trong phiên toà xử 6 giáo dân với tội danh ‘chống người thi hành công ’vụ.
Phần lớn trong số những giáo dân bị khủng bố, đe doạ, họ và gia đình đã bỏ lại nhà cửa chạy sang Thái Lan (đến nay một số đã qua nước thứ )ba, một số khác chấp nhận giá đền bù rẻ mạt đến nơi định cư mới. Tất cả khoảng 300 gia đình tại Giáo xứ Cồn Dầu đã di tản, chỉ còn khoảng 100 gia đình kiên trì bám trụ lại.
Điều đáng nói, khu vực đất của 300 hộ dân sau khi di dời, tập đoàn Sun Group đã làm ‘khu đô thị sinh thái’ bằng cách san nền, phân lô bán cho tư nhân. Vậy là người dân nơi khác đến sinh sống nơi đây. Các ngôi nhà đẹp hơn mỗi ngày mọc lên thay thế ngôi nhà của bà con giáo dân Cồn Dầu. Đây là hình thức lấy đất của dân, đền bù rẻ mạt, (đất ruộng từ 50 ngàn/m2, đất thổ cư 400-500 ngàn đồng/m2), để rồi khi san nền, từng lô đất khoảng 100 m2 bán với giá hơn 3 tỷ đồng.
Một trăm gia đình còn trụ lại trên mảnh đất tiếp tục bị đe doạ, khủng bố với nhiều hình thức khác nhau, có khi họ bị cắt điện sinh hoạt, các con đường dẫn tới nhà thờ bị bịt lại, phải đi lối vòng…vào năm 2018 hơn 10 gia đình bị cưỡng chế giải toả. Ngày 15/05/2019 theo thông báo của Tp. Đà Nẵng hơn 20 gia đình khác bị cưỡng chế giải toả (Đà Nẵng đã có công văn dừng lại việc cưỡng chế hôm 14/05/2019).
Khoảng 13 lần, bà con trong số 100 gia đình đã ra Hà Nội khiếu kiện. Họ đã nhận được lời hứa giải quyết việc vụ việc để họ được ở lại trên mảnh đất cha ông đã gầy dựng và được sống gần ngôi nhà thờ thân thương bấy lâu nay. Trung Ương hứa là vậy, tuy nhiên, chính quyền Tp. Đà Nẵng vẫn dùng nhiều cách khác nhau để ép những gia đình này phải di dời.
Hơn một tuần lễ qua, khoảng 25 người dân Cồn Dầu có mặt tại Hà Nội, từ những cụ già hơn 80 tuổi đến các cháu hơn 10 tuổi kiên trì xuống đường, cầm những băng rôn kêu cứu, khiều kiện. Không biết tiếng kêu cứu của những con người này có được lắng nghe và mong ước của họ là được sống trên mảnh đất của tổ tiên đối với họ có được đảm bảo?
Truyền Thông Thái Hà