Dùng phép thử không phải để xác minh sự khôn ngoan của Đức Giêsu, mà có ý gài bẫy Người, vị thông luật đưa ra bài toán khó, chưa có lời giải thích mang tính thuyết phục. Điều răn nào là phổ quát mà đứng đầu; là nguyên tắc căn bản và bao trùm cho mọi khoản trong Lề Luật?
Mười Điều Răn là giao ước ký kết giữa Thiên Chúa và dân Do thái qua trung gian ông Môsê; là nền tảng để giải thích chi tiết và cụ thể bao hàm mọi khía cạnh của đời sống, để người dân thực thi giao ước với Thiên Chúa, gọi là lề luật.
Giữa một “rừng” luật, được coi là sự biểu lộ thánh ý Thiên Chúa, Đức Giêsu đã mau chóng chỉ ra giới răn trọng nhất trích sách Đệ nhị luật (6,4-5), là lòng yêu mến Thiên Chúa, mà bất cứ người Do thái đạo đức nào cũng ghi nhớ và thực hành. Nhưng điều mới mẻ là Đức Giêsu đặt điều răn thứ hai, trích sách Lêvi (19,18), nói về lòng yêu thương anh em mình, “cũng giống”, nghĩa là đáng được quan tâm tuân giữ như đối với điều răn thứ nhất. Hai điều răn này diễn tả trọn vẹn thánh ý Thiên Chúa trong Kinh Thánh, hàm chứa và quy tụ mọi điều răn khác.
Như thế, yêu mến người thân cận, theo Đức Giêsu, là phải dành cho họ một tình yêu như dành cho Thiên Chúa. Cung kính mến yêu Thiên Chúa thế nào, người ta cũng phải trân trọng tha nhân trong sự yêu mến thể ấy.
Nếu Đạo là con đường phải đi, thì Đạo yêu thương là sự diễn tả một hành trình tình yêu. Khởi từ tình yêu để đến với Thiên Chúa là Tình yêu (x.1Ga 4,8.16).
Tình yêu ấy không phải là tình yêu phát xuất từ con người, với cái yêu, cái ghét của tính xác thịt chi phối, nhưng là tình yêu do chính Thiên Chúa ban tặng, hòa quyện với tình yêu mỏng dòn của con người, để trở nên tình yêu như Thiên Chúa muốn để đáp trả Thiên Chúa và tặng ban cho tha nhân.
Tình yêu Thiên Chúa ban cho nhân loại chính là Đức Giêsu, trong tư cách là Người Con Thiên Chúa (Ga 3,16); Đức Giêsu trong tư cách là con người, đã hòa quyện Tình yêu Thiên Chúa trong tình yêu nhân loại của Người, đã công bố nơi chính bản thân Người về sự hội tụ diệu kỳ của Thứ Đạo Tình yêu “cũng giống”, không phải là một cách “na ná”, nhưng thực sự trở nên “một” nơi Người để đáp lại Tình yêu Thiên Chúa và để yêu thương con người (x.1Ga 4,7-11)
Vì vậy, Đức Giêsu có lý khi phán quyết: “Tất cả luật Môsê và các sách ngôn sứ đều tùy thuộc vào hai điều răn ấy.”
Nếu thánh Anphong bảo: “Tất cả sự thánh thiện của chúng ta hệ tại bởi lòng yêu mến Thiên Chúa”, mà đã yêu mến Thiên Chúa, tất phải yêu thương anh em mình, thì Thánh Vincent de Paul còn đặt vấn đề: “Tôi yêu mến Chúa chưa đủ, nếu tha nhân của tôi chưa yêu mến Ngài”, để soi xét việc thực thi giới răn yêu thương dưới khía cạnh khác. Nếu tha nhân sống bên cạnh tôi chưa thực sự biết Chúa và yêu mến Chúa, đấy cũng bởi lỗi của tôi. Lòng yêu mến Chúa của tôi chưa đủ mạnh và sáng, để thu hút người ta tìm đến với tình yêu Chúa.
Thánh Phaolô, người đã dìm mình vào trong Đạo Tình yêu ấy kết luận: “Yêu thương là chu toàn lề luật” (Rm 13,10).
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT