Đập phá nhà cửa của người dân là “chuyện bình thường”?

#GNsP (15.01.2019) – Liên quan đến hành vi hung bạo, tàn phá, cướp bóc nhà cửa của người dân Vườn Rau Lộc Hưng ngay giáp Tết, dư luận phẫn nộ và lên án phát biểu của người đứng đầu đảng cộng sản của Thành Hồ, Nguyễn Thiện Nhân với ý cho rằng, đây là việc “bình thường”.

Đúng là từ sau năm 1975 cho đến nay, rất nhiều cơ sở của các Tôn giáo, đất của người dân đã bị nhà cầm quyền tùy tiện mượn, trưng dụng, “cướp”, cưỡng chế, thu hồi đất trái pháp luật với các dự án trên giấy tờ là “công trình công cộng” để có thể cướp không hoặc chỉ phải đền bù cho người dân với giá rẻ mạt. Sau khi đã chiếm đoạt, với lý do các công trình đang tồn tại đã xuống cấp, kinh doanh, phục vụ kém hiêu quả…; hoặc duyệt “thay đổi”, “bổ sung”… đối với các dự án mới, chỉ sau một thời gian ngắn, nhà cầm quyền bán cho các doanh nghiệp với giá cao hơn gấp nhiều lần so với giá mà họ bồi thường cho dân. Khó có thể thống kê có bao nhiêu cơ sở, nhà cửa, đất đai của các tổ chức Tôn giáo, tổ chức dân sự và người dân bị chiếm đoạt từ sau 1975 đến nay bị biến thành cơ sở kinh doanh của doanh nghiệp hoặc trở thành nhà riêng của các quan. Tất cả vẫn chỉ là “bình thường”, huống gì 200 căn nhà của bà con Vườn Rau Lộc Hưng!

Trình tự thủ tục thu hồi đất

Theo các báo lề đảng đưa tin, nhà cầm quyền quận Tân Bình cưỡng chế, thu hồi gần 5 hecta đất của bà con Vườn Rau Lộc Hưng, ngụ tại phường 6, đường Chấn Hưng, quận Tân Bình là để xây dựng cái gọi là “xây mới cụm trường học đạt chuẩn quốc gia”. Bà con sẽ được bồi thường hơn 7 triệu/1 m2 và hỗ trợ 3 tháng hoa màu từ 4-6 triệu/1 tháng.

Cho đến thời điểm hôm nay, ngày 13.01.2019, bà con Vườn Rau không biết nhà cầm quyền cưỡng chế và thu hồi đất của họ nhằm mục đích gì, trong khi báo chí lại rêu rao rằng “chỉ cưỡng chế công trình trái pháp luật không thu hồi đất”? Bà con cũng không biết đến cái dự án gọi là “xây mới cụm trường học đạt chuẩn quốc gia” mà truyền thông lề đảng rêu rao, họ chỉ biết đến dự án này khi nhà cầm quyền cắm cột mốc treo bảng dự án trên đất của bà con đã bị san bằng vào ngày 12.01.2019.

Theo Luật pháp do chính nhà cầm quyền đưa ra, Điều 43 Luật Đất Đai quy định, trước khi thu hồi đất nhà cầm quyền phải lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 42 Luật Đất Đai; tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất thông qua hình thức công khai thông tin về nội dung, trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tổ chức hội nghị, lấy ý kiến trực tiếp của người dân; Thời gian lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là 30 ngày kể từ ngày cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định tổ chức lấy ý kiến.

Sau khi dự án được thông qua với sự đồng tình của người dân, nhà cầm quyền muốn thu hồi đất của người dân phải bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được quy định tại Nghị Định 47/2014/NĐ-CP: thông báo thu hồi đất, tổ chức lấy ý kiến của nhân dân và lập biên bản, lập và niêm yết phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư… Thế nhưng, như đã thông tin, bà con Vườn Rau xác định không nhận được bất kỳ văn bản “thông báo thu hồi đất” nào, cũng không được hỏi “ý kiến” trước khi lực lượng hơn 1500 người có chức năng quận Tân Bình đem xe xúc, xe ủi đến áp đảo, khống chế người dân, đập phá tan tành các ngôi nhà của bà con nông dân vào hai ngày 04 và 08.01.2019 gây ra nỗi đau thương và kinh hoàng ám ảnh cho bà con Vườn Rau.

Quy định về bồi thường, giải tỏa

Các báo chí nhà nước cho rằng, đất Vườn Rau là đất nông nghiệp “không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai thì chỉ được bồi thường đối với diện tích đất trong hạn mức giao đất nông nghiệp. Đối với phần diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức giao đất nông nghiệp thì không được bồi thường về đất nhưng được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Điều 25 của Nghị định 47/2014/NĐ-CP.

Tuy nhiên, gần 5 hecta đất Vườn Rau thuộc quyền quản lý và sở hữu của bà con từ những năm 1954 do Giáo hội Công Giáo cấp, được bà con sử dụng đất ổn định và liên tục cho đến hôm nay gần 65 năm. Sau năm 1975, bà con Vườn Rau đã “thống kê”, “đăng ký”, “đo đạc” ruộng đất với các cơ quan có thẩm quyền trong “công tác quản lý ruộng đất” của nhà nước, đã làm nghĩa vụ thuế, có các biên lai “thu thuế” nên có đầy đủ cơ sở xác lập “quyền sử dụng” đất. việc không cấp quyền sử dụng đất cho bà con chỉ là do ý đồ cướp đất của nhà cầm quyền, không phải vì bà con “không có…” hay “không đủ điều kiện…”.

Theo quy định, nhà cầm quyền khi thu hồi đất phải bồi thường cho “hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư” hoặc bồi thường bằng tiền theo đề nghị của người có đất bị thu hồi và phù hợp với thực tế ở địa phương” được quy định tại Điều 6 Nghị Định 47/2014/NĐ-CP:

“Điều 6. Bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở
Việc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở quy định tại Điều 79 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:

1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ở, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất tại Việt Nam khi Nhà nước thu hồi đất ở mà có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì việc bồi thường về đất được thực hiện như sau:

a) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân không còn đất ở, nhà ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng đất ở hoặc nhà ở tái định cư;

b) Trường hợp thu hồi hết đất ở hoặc phần diện tích đất ở còn lại sau thu hồi không đủ điều kiện để ở theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà hộ gia đình, cá nhân còn đất ở, nhà ở khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được bồi thường bằng tiền. Đối với địa phương có điều kiện về quỹ đất ở thì được xem xét để bồi thường bằng đất ở.

2. Trường hợp trong hộ gia đình quy định tại Khoản 1 Điều này mà trong hộ có nhiều thế hệ, nhiều cặp vợ chồng cùng chung sống trên một thửa đất ở thu hồi nếu đủ điều kiện để tách thành từng hộ gia đình riêng theo quy định của pháp luật về cư trú hoặc có nhiều hộ gia đình có chung quyền sử dụng một (01) thửa đất ở thu hồi thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quỹ đất ở, nhà ở tái định cư và tình thực tế tại địa phương quyết định mức đất ở, nhà ở tái định cư cho từng hộ gia đình.

3. Hộ gia đình, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này mà không có nhu cầu bồi thường bằng đất ở hoặc bằng nhà ở tái định cư thi được Nhà nước bồi thường bằng tiền.

4. Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất gắn liền với nhà ở thuộc trường hợp phải di chuyển chỗ ở nhưng không đủ điều kiện được bồi thường về đất ở, nếu không có chỗ ở nào khác trong địa bàn xã, phường, thị trấn nơi có đất ở thu hồi thì được Nhà nước bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở hoặc giao đất ở có thu tiền sử dụng đất. Giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở; giá đất ở tính tiền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định.

5. Trường hợp trong thửa đất ở thu hồi còn diện tích đất nông nghiệp không được công nhận là đất ở thì hộ gia đình, cá nhân có đất thu hồi được chuyển mục đích sử dụng đất đối với phần diện tích đất đó sang đất ở trong hạn mức giao đất ở tại địa phương, nếu hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu và việc chuyển mục đích sang đất ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Hộ gia đình, cá nhân khi chuyển mục đích sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật về thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước.”

Đấy là quy định pháp luật buộc nhà cầm quyền phải tuân theo. Tuy nhiên, bà con khu đất Vườn Rau Lộc Hưng đều thể hiện quyết tâm mong muốn được công nhận QSD đất của mình để xây dựng cuộc sống đã ổn định trên 65 năm. Có hợp lý khi bà con đang sinh sống ở khu trung tâm Thành phố lại bị xác định là “đất nông nghiệp”? Và với dã tâm cướp đất nông nghiệp, nhà cầm quyền sẽ “áp giá” bồi thường cho bà con với giá rẻ mạt 7 triệu/1m2 đất – mức giá bồi thường quá thấp, không đủ mua một căn nhà nhỏ vùng ngoại ô cho một gia đình có ba thành viên sinh sống. Và chỉ sau thời gian ngắn, nếu muốn, bà con sẽ phải mua lại mảnh đất, căn nhà của chính mình với giá trên trời, như bao công trình, dự án “bình thường” khác? Lẽ vậy, giải pháp bà con lựa chọn vẫn chỉ là đấu tranh giữ đất của mình cho dù phải kéo dài thời kỳ “màn trời chiếu đất”! Vì bà con biết tương lai của mình có ổn định hay không vẫn sẽ là mảnh đất đang sinh sống từ 65 năm qua.

Pv. GNsP

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.