Khi Năm Thánh 2025 đang ngày càng đến gần, đền thờ thánh Phê-rô cũng đang chuẩn bị cho sự kiện đức tin quan trọng này. Trong cuộc trò chuyện với Vatican News, Đức Hồng y Mauro Gambetti, giám quản đền thờ, đã trình bày chi tiết về các công việc chuẩn bị đang được tiến hành tại đền thờ và việc tổ chức lại các văn phòng hướng đến Năm Thánh 2025. Các kế hoạch bao gồm việc phân chia hành trình cho người đến cầu nguyện và lãnh nhận các bí tích với hành trình của du khách tham quan.
Thưa Đức Hồng y, vào ngày 11/2, Đức Thánh Cha đã mô tả Năm Thánh là một “món quà của ân sủng” được trải nghiệm qua “những cuộc hành hương, các Ơn Toàn xá, những chứng tá đức tin sống động.” Trong thư gửi Đức Tổng Giám mục Fisichella, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Tái Truyền giảng Tin Mừng, Đức Thánh Cha mời gọi cộng đồng Kitô hữu hãy sống Năm Thánh “với tất cả ý nghĩa mục vụ của nó.” Đức Hồng y cảm thấy mình tham gia theo cách nào?
Đền thờ thánh Phê-rô cũng cảm thấy được mời gọi đón nhận lời mời của Đức Giáo hoàng chuẩn bị cho Năm Thánh trong ba năm trước đó bằng cách tiếp tục duy trì và canh tân sứ mạng của mình. Đặc biệt, đền thờ đang chuẩn bị cho Năm Thánh 2025 theo dấu chỉ của thánh Tông đồ Phê-rô. Trong thư đầu tiên trong số hai thư gửi cho các tín hữu Tiểu Á, trước hết ngài mời gọi họ khám phá lại nền tảng thiêng liêng cho đức cậy: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giê-su Ki-tô đã từ cõi chết sống lại” (1Pr 1,3).
Do đó, đền thờ thánh Phê-rô mong muốn tiếp tục cung cấp lương thực thiêng liêng cho “những người hành hương hy vọng,” như cách gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô, một nơi để trải nghiệm ơn hòa giải bắt nguồn từ cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu và vang lên lời cầu nguyện hiệp nhất rằng Vương quốc công lý của Người và hòa bình có thể lan rộng khắp thế giới. Đồng thời, đền thờ cũng nhắm trở thành nơi gặp gỡ và suy tư về các chủ đề tình huynh đệ và môi trường, những điều đã được Đức Thánh Cha lựa chọn để giúp thế giới, một thế giới bị tổn hại do đại dịch và các cuộc chiến đang diễn ra, đi đến “sự tái sinh mà tất cả chúng ta đều cảm thấy cấp bách”.
Đức Hồng đang chuẩn bị thế nào cho Năm Thánh?
Việc chăm sóc mục vụ bình thường và ngoại thường của đền thờ đang được canh tân để “giữ cho ngọn đuốc hy vọng luôn cháy sáng.” Trước hết, chúng tôi đang xem xét chiều kích thiêng liêng để cho tín hữu có thể đắm mình trong cầu nguyện và thờ phượng; sau đó, từ chiều kích Giáo hội, khuyến khích những cuộc gặp gỡ với linh đạo thánh Phê-rô, tại mộ của ngài; cuối cùng, từ quan điểm văn hóa, cho phép mọi người chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật thiêng liêng trong đền thờ.
Hướng đến Năm Thánh sắp tới, đền thờ đang chuẩn bị đón hàng triệu khách hành hương đến từ khắp nơi trên thế giới. Một số sự kiện đang được đề xuất bắt đầu từ năm nay, được trình bày rõ ràng trong khoảng thời gian ba năm xoay quanh các chủ đề: gần gũi và chăm sóc (2022), hòa giải và thanh tẩy ký ức (2023), và “tình yêu chính trị” (2024); vào năm 2025, hành trình sẽ dẫn đến kinh nghiệm Năm Thánh về tình huynh đệ (phổ quát) của “những người hành hương hy vọng”. Các lĩnh vực chuyên đề được chọn cho giai đoạn chuẩn bị ba năm sẽ đi kèm với chương trình của Ủy ban Năm Thánh.
Đồng thời, nhờ động lực mới liên kết với việc linh hoạt phụng vụ và chăm sóc mục vụ của Kinh sĩ đoàn và Giáo xứ đền thờ thánh Phê-rô, các cử hành phụng vụ và thực hành bí tích đang được tổ chức lại. Một số sáng kiến đang được cổ võ để thúc đẩy lòng đạo đức bình dân và chiều kích chiêm niệm của cầu nguyện. Ví dụ, việc lập kế hoạch và hiện thực hóa những khoảnh khắc suy tư và cầu nguyện dưới hình thức một cuộc rước kiệu kính Thánh Phê-rô và Đức Mẹ, thực hành việc đạo đức ngắm Đàng Thánh giá, Chầu Thánh Thể, tường thuật cuộc đời của Chúa Giê-su và việc khai sinh của Giáo hội, bao gồm cả chứng tá của thánh tông đồ Phê-rô.
Các du khách sẽ được tiếp đón thế nào, thưa Đức Hồng y?
Nhiều công việc thầm lặng đang được thực hiện để xác định rõ ràng hơn nữa vai trò của đền thờ thánh Phê-rô trong việc phục vụ các khách viếng thăm. Mục đích là cho phép tất cả mọi người trải nghiệm một cuộc hành hương, một biểu tượng và sự ẩn dụ của cuộc sống, đồng thời là một dịp để hợp nhất các tín hữu cũng như những người ngoại đạo. Một kế hoạch mới đang được nghiên cứu về cách đồng hành cùng du khách trong việc khám phá các kho báu được tìm thấy tại đền thờ thánh Phê-rô và ý nghĩa của chúng, trong khi việc tổ chức lại việc đón tiếp du khách đang được tiến hành.
Bước đầu tiên sẽ là phân biệt, thông qua lối vào có hướng dẫn, hành trình của các tín hữu muốn lãnh nhận các bí tích hoặc trải nghiệm một hành động đức tin và lòng sùng kính bên trong đền thờ, tách biệt với sự hiện diện của du khách, những người sẽ được giới thiệu và đồng hành trong chuyến viếng thăm của họ để khuyến khích họ trải nghiệm vẻ đẹp và cảm hứng của các tác phẩm nghệ thuật. Đồng thời, Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô, văn phòng đền thờ, trong tinh thần sứ vụ của mình, đang làm việc để hỗ trợ quá trình này và cung cấp cho các tín hữu và du khách một nơi thân thiện hơn, an toàn, dễ tiếp cận và thân thiện với môi trường.
Đức Hồng y có thể đưa ra một vài ví dụ không?
Tôi sẽ trả lời bằng một vài từ ngữ chính yếu.
– Việc đón tiếp. Một trang web mới đang được thiết kế sẽ có vai trò là một cổng thông tin trực tuyến để vào đền thờ, để tìm hiểu thêm về đền thờ, và lập kế hoạch cho các chuyến viếng thăm và tham gia vào các hoạt động của nó; Statio peregrinorum – trạm hành hương – đã được thiết kế lại, một văn phòng dành riêng để chào đón những khách hành hương đến mộ thánh Tông đồ sau khi đã đi bộ hoặc đi xe đạp một quãng đường dài; một hình thức quảng bá các cuộc hành hương mới đang được lên kế hoạch để ưu tiên những người không có đủ tài chính để thực hiện chuyến đi.
– Sự an toàn. Việc lập kế hoạch đã bắt đầu cho việc khảo sát địa chấn của khu phức hợp di tích, để theo dõi chuyển động của cấu trúc và giám sát vật liệu đá và vữa bao phủ, nhắm cải thiện địa chấn và công tác bảo dưỡng có hệ thống; bản đồ của các tuyến đường nhắm tổ chức tốt hơn các nhóm du khách vào đền thờ đang được vạch ra cùng với các cải tiến đối với hệ thống giám sát video.
– Khả năng tiếp cận. Các hành trình theo chủ đề mới về nghệ thuật và đức tin đang được chuẩn bị, điều này cũng sẽ cho phép các chuyến thăm đến những địa điểm nằm ở các tầng trên của đền thờ, những nơi mà trước đây họ không thể thăm viếng; việc cải tạo sân thượng và gác mái đang được tiến hành, cũng như xem xét lại khu vực nghỉ ngơi giải khát để khuyến khích du khách trải nghiệm lịch sử, vẻ đẹp và chiều kích thiêng liêng; công việc đang được lên kế hoạch để cải thiện các phương tiện đi lên và xuống sân thượng.
– Tính bền vững. Một quá trình đang được khởi xướng nhằm đưa đền thờ thánh Phê-rô đến mức độ bền vững về môi trường và năng lượng tối đa, để đến Năm Thánh 2025, đền thờ và quần thể các tòa nhà liên quan đến nó sẽ đạt mức khí thải là zero. Ngoài ra, thông tin và các công cụ hỗ trợ sẽ được phát triển cho du khách và khách hành hương qua việc phổ biến các “Thực hành tốt nhất”; cuối cùng, các cách thức tổ chức và quản lý hậu cần bền vững sẽ được thúc đẩy, trong cuộc đối thoại với các ban quản trị.
Thưa Đức Hồng y, tình hình tài chính của Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô thế nào?
Ban điều hành hiện tại của Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô thừa hưởng một thực tế ổn định và được duy trì tốt nhờ công việc của ban điều hành trước đây, đặc biệt là những người dưới sự hướng dẫn của Đức Hồng y Angelo Comastri. Bất chấp những thách đố do đại dịch gây ra đang gây thêm căng thẳng đáng kể cho cơ cấu và con người, ban điều hành mới đã kế thừa một thể chế với cơ sở vững chắc để có thể thực hiện các kế hoạch cho tương lai và đối mặt với những thách đố mới phía trước. Điều này đã cho phép Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô tập trung vào việc cải thiện hoạt động của mình trong một số lĩnh vực quan trọng hiện nay.
Số đông khách hành hương sẽ được quản lý thế nào, thưa Đức Hồng y?
Để đạt được các mục tiêu và tiếp tục đổi mới, thích ứng với những thay đổi mà lịch sử đòi hỏi, theo Đức Hồng y giám quản đền thờ thánh Phê-rô, chúng ta cần dựa trên các yếu tố của “cuộc cách mạng kỹ thuật số”, khai thác tiềm năng mà công nghệ mang lại và hướng nó vào dịch vụ quản lý và tiếp nhận. Vì lý do này, một văn phòng đặc biệt dành cho công nghệ thông tin đã được thành lập.
Tương tự, rất hữu ích khi lập kế hoạch cho việc “đào tạo liên tục” các nhân viên mục vụ, các thừa tác viên, các hướng dẫn viên đi cùng các nhóm, nhân viên, và công nhân nói riêng, để thúc đẩy sự phát triển toàn diện về con người và cải thiện sứ vụ, dịch vụ và việc thực hiện các công việc và sứ mạng. Đây là lý do tại sao việc đào tạo nội bộ cũng bao gồm việc chuẩn bị cho các linh hoạt viên phụng vụ, một số khóa học chuyên môn cho hướng dẫn viên, và một trường Nghệ thuật và Thủ công.
Vào cuối năm 2021, Đức Thánh Cha đã thành lập Quỹ “Fratelli Tutti”. Xin Đức Hồng y chia sẻ thêm về tổ chức này…
Quỹ Fratelli tutti mới được thành lập cũng sẽ giúp Cơ quan bảo trì và quản trị Đền thờ Thánh Phêrô chuẩn bị cho Năm Thánh trong các lĩnh vực đào tạo và đối thoại về văn hóa, dân tộc và tôn giáo. Các dự án này và các dự án khác yêu cầu tái cấu trúc về mặt quản trị, chiến lược và tổ chức, điều đòi hỏi đầu tư vào con người – thông qua việc nâng cao tính chuyên nghiệp nội bộ, một phần được phân bổ lại và sắp xếp lại – sự tham gia của các chuyên gia có kinh nghiệm và chuyên môn đã được chứng minh trong quản lý các lĩnh vực chính, và một số đầu tư vào cơ sở hạ tầng và trang thiết bị.
Tất cả những điều này dường như có thể đạt được, cũng nhờ vào sự hiệp lực với các văn phòng khác của Vatican, các Bộ và tổ chức liên kết với Tòa Thánh, và nhờ sự đóng góp quý báu của các doanh nhân và chuyên gia trong các công ty lợi nhuận và phi lợi nhuận, và sự đóng góp của Chính phủ Ý cho Năm Thánh 2025. Tất cả đều nhận ra nơi đền thờ thánh Phê-rô, biểu tượng của Ki-tô giáo, và nơi Đức Thánh Cha, “ngôi sao” có khả năng di chuyển và hướng những ước muốn sâu xa nhất của nhân loại tới mục tiêu hy vọng được đặt tại trung tâm của Năm Thánh.
Vatican News