Học sinh đi học lại là hợp lý?
Bộ Y tế, vào ngày 8 tháng 2 đã gửi công văn đến Bộ Giáo dục-Đào tạo với nội dung là học sinh có thể đi học lại tại các địa phương không có dịch bệnh virus corona (Covid-19), sau khi đã tiêu độc, khử trùng lớp học, vệ sinh bàn ghế…Đồng thời hướng dẫn cho học sinh, phụ huynh và giáo viên cách thức phòng bệnh và ngăn ngừa lây nhiễm, không để lây lan trong trường học.
Đến ngày 12/2, truyền thông trong nước dẫn nguồn từ Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Khánh Hòa, Đồng Nai và thành phố Hồ Chí Minh thông báo học sinh đi học trở lại từ ngày 17/2.
Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh, Giám đốc Ban Đảm bảo chất lượng giáo dục, Phó Chủ tịch Đảm bảo chất lượng giáo dục, Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng vào tối hôm 12/2 lên tiếng với RFA rằng đợt cho học sinh nghỉ học ngay sau khi Việt Nam công bố dịch bệnh virus corona là điều cần thiết, tuy nhiên kéo dài thời gian nghỉ học không phải là một giải pháp. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nhấn mạnh:
“Thông tin phải đầy đủ và những khu vực nào thật sự có mầm móng dịch bệnh thì phải có kiểm soát tốt. Quan trọng là phải kiểm soát được, chứ không phải chỉ nghỉ học là xong. Quan trọng hơn là nhà trường phải chuẩn bị tốt trong khi cho học sinh đi học, chẳng hạn như chuyện giáo dục cho học sinh biết tự bảo vệ…là rất cần thiết.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa, từ Hà Nội cho rằng thông báo của Bộ Y tế là hợp lý, thế nhưng ở những nơi có dịch bệnh thì vẫn cần cho học sinh tiếp tục nghỉ:
“Căn cứ vào tình hình thực tế vừa rồi thì ổ dịch lớn nhất ở Việt Nam là tỉnh Vĩnh Phúc, sau đó là thành phố Hồ Chí Minh và một vài tỉnh nơi có nhiều người Trung Quốc xuất hiện như Đà Nẵng, Khánh Hòa…Những nơi này theo tôi thì nên tiếp tục cho học sinh nghỉ học. Còn như Hà Nội chưa có một trường hợp nào phát dịch và các tỉnh lân cận như Nam Hà, Ninh Bình, hay như ở Nam Trung Bộ và Tây Nguyên chưa có (dịch bệnh) mà nếu tiếp tục cho học sinh nghỉ tiếp ở các địa phương thì sẽ gặp khó trong chuyện kết thúc chương trình. Vì vậy những địa phương ấy cho học sinh đi học lại cũng là hợp lý.”
Lo lắng của phụ huynh
Trong cùng ngày một số địa phương ra thông báo cho học sinh đi học lại kể từ ngày 17/2, Đài RFA trao đổi với các phụ huynh và được họ cho biết rằng họ rất mong mỏi con cháu được nhanh chóng việc học hành sau đợt nghỉ quá dài ngày từ Tết Nguyên đán đến giờ. Thế nhưng, chúng tôi ghi nhận đa số phụ huynh đều tỏ ra lo lắng khi học sinh đến trường trở lại. Bà Ninh, một phụ huynh ở huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai cho biết:
“Trường mời phụ huynh vào thông báo là dự định sẽ cho các cháu đi học lại vào thứ Hai tuần sau. Nhưng diễn biến của bệnh dịch chưa giảm được nên chúng tôi rất lo lắng. Cho nên chúng tôi đề nghị với nhà trường rằng nếu có chỉ thị toàn quốc đi học lại hết thì chúng tôi mới yên tâm cho con đi học, còn như vậy thì chúng tôi không đồng ý. Đại diện tổ trưởng phụ huynh, chúng tôi họp có ý kiến như vậy. Trường nói rằng sẽ kiến nghị lên cấp trên; nếu được thì sẽ thông báo cho học sinh nghỉ tiếp theo toàn quốc, còn không thì cho các cháu đến trường nhưng sẽ có biện pháp phòng, chống và sẽ phát khẩu trang. Tuy nhiên, phụ huynh chúng tôi vẫn rất lo lắng và chưa muốn cho các cháu đi học.”
Cô Ba, một phụ huynh có hai con trai đang học tiểu học và trung học cơ sở ở quận Tân Bình, TP.HCM chia sẻ rằng bản thân cô cùng với nhiều phụ huynh khác đang rất lo ngại khi các cháu trở lại trường và họ cho rằng một giải pháp trong thời điểm bệnh dịch diễn biến phức tạp, qua trường hợp mới nhất có một bệnh nhi ở Vĩnh Phúc lây nhiễm trực tiếp từ người sang người, thì học trực tuyến là an toàn hơn hết. Cô Ba nói:
“Tôi thấy cho nghỉ rồi học online hay gửi bài ôn tập cho học sinh thì sẽ tốt hơn, chứ tới trường thì cũng lo sợ.”
Trước sự lo lắng và kiến nghị của phụ huynh về giải pháp học trực tuyến, Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cho rằng hiện tại ở Việt Nam chưa thể thực hiện ngay được phương pháp này.
“Ý tưởng là không sai, nhưng tôi nghĩ là bị đột ngột như vậy thì các trường cũng không có chuẩn bị. Tức là cho tự học, học ở nhà thì cha mẹ có thực sự giúp được không? Thứ hai nữa là giao bài cho học sinh học trong thời gian như thế nào thì tôi thấy cũng cần có một sự chuẩn bị. Tôi nghĩ ở Việt Nam hiện nay trong trường chưa có dạy cho các em biết tự học nhiều, chủ yếu là nghe thầy giảng và về làm theo đúng những gì thầy yêu cầu. Bây giờ nếu học trực tuyến thì những bài giảng đã có sẵn chưa?”
Chuyên gia y tế nói gì?
Bác sĩ Lê Văn Dũng, từng làm việc tại Y tế Dự phòng, ngay sau khi Việt Nam công bố dịch bệnh virus corona đã khẳng định với RFA công tác vệ sinh phòng, chống lây nhiễm virus corona tại các nơi công cộng và trường học là hết sức quan trọng. Tuy nhiên, ông cho rằng trong tình hình dịch bệnh Covid-19 hiện tại thì không nên mở trường học.
Vào tối ngày 12/2, Bác sĩ Lê Văn Dũng giải thích quan điểm của ông với RFA:
“Tổ chức Y tế Thế giới ban bố tình trạng toàn cầu. Trung Quốc thì vẫn theo chiều hướng tăng lên từng ngày, vẫn chưa thấy đỉnh của dịch bệnh. Số lượng chết, số mới mắc bệnh, số bị nhiễm, số lượng nguy kịch vẫn tăng lên đều và tăng theo tỷ lệ lũy tiến dần, không có chiều hướng giảm. Trong khi đó, Việt Nam là ổ dịch lớn thứ hai trên thế giới rồi.”
Bác sĩ Lê Văn Dũng nhắc đến trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi bị nhiễm virus corona ở Vĩnh Phúc là một minh chứng cho tình trạng bệnh dịch diễn biến càng phức tạp và phải chờ cho đến khi đỉnh của dịch bệnh được chính thức thông báo đã xảy ra và mức độ lây nhiễm có tỷ lệ giảm đáng kể thì khi đó mới cân nhắc đến việc mở cửa trường học đón học sinh trở lại. Bác sĩ Lê Văn Dũng phân tích thêm:
“Đi học một lớp học từ sáng đến trưa rồi từ trưa đến chiều với mấy chục học sinh ở trong lớp, trong một cái phòng kín như thế. Nếu một học sinh bị thì chỉ trong một ngày cả lớp bị. Cho nên phải nhìn thấy mức độ nguy hiểm như thế để bảo vệ sức khỏe con cái mình, chứ còn chuyện học ở Việt Nam có tận 3 tháng hè và kể cả có nghỉ đến 6 tháng thì đến năm học sau phải học thêm 1,2 tháng nữa thì chẳng có vấn đề gì. Việc đấy xử lý được.”
Trả lời câu hỏi của RFA liên quan thông tin có 7 ca được điều trị khỏi bệnh trong số 15 trường hợp nhiễm virus corona ở Việt Nam có phải là kết quả lạc quan hay không, Bác sĩ Lê Văn Dũng khẳng định rằng “không nói lên được điều gì gọi là khả quan”. Bác sĩ Lê Văn Dũng tiếp lời:
“Bởi vì bệnh này là virus, không có vaccine, không có thuốc điều trị đặc hiệu thì chữa trị kiểu gì? Đó là nằm trong quy trình diễn biến tự nhiên. Tức là tỷ lê tử vong chẳng hạn là 20% thì trong số 10 người nhiễm bệnh có 2 người tử vong và 8 người tự khỏi bệnh vì người ta tự miễn dịch do sức đề kháng của người ta tốt.”
Bác sĩ Lê Văn Dũng và một vài chuyên gia y tế Đài Á Châu Tự Do tiếp xúc được đều cho rằng Chính phủ Việt Nam phải rất thận trọng trước quyết định cho học sinh đi học trở lại trong lúc này.
nguồn: rfa.org