Đức Hồng y Miguel Angel Ayuso Guixot kêu gọi các lãnh đạo các tôn giáo đáp lại lời kêu gọi của ĐTC trong thông điệp Tất cả anh em trong việc thăng tiến tình huynh đệ và tình bằng hữu xã hội. Ngài cũng hy vọng rằng những nhà lãnh đạo tôn giáo có thể thúc đẩy, hỗ trợ và khuyến khích các cộng đồng và mọi người trên khắp thế giới chỉ tìm kiếm công ích và phẩm giá của mỗi con người.
Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về đối thoại liên tôn phát biểu ngày khai mạc Diễn đàn liên tôn thường niên của nhóm G20 lần thứ 7, được tổ chức dưới hình thức online từ ngày 13-17/10. Diễn đàn này diễn ra trước thềm cuộc họp G20 của các nhà lãnh đạo chính trị ở Ả Rập Xê-út, để thảo luận về cách thế các truyền thống tôn giáo có thể hợp tác, cùng với các chính phủ, để chống lại những thách đố của Covid-19, của sự bất bình đẳng và biến đổi khí hậu.
Các lãnh đạo tôn giáo phải là nguồn lan truyền hy vọng
Ngỏ lời với 500 lãnh đạo các truyền thống tôn giáo lớn trên thế giới và các nhân vật thuộc thế giới chính trị và văn hóa, Đức Hồng y Ayuso đưa ra lời mời gọi: “Thế giới đang trải qua một thời điểm vô cùng đen tối đòi hỏi những câu trả lời và giải pháp thỏa đáng cho các vấn đề của cuộc sống hiện sinh của chúng ta. Gia đình nhân loại cần có một tinh thần hiệp nhất và tình bạn chân chính để đưa ra câu trả lời cho những vấn đề chung của chúng ta. Chúng ta, đặc biệt là những nhà lãnh đạo tôn giáo, phải là nguồn lan truyền hy vọng.”
Làm chứng về “hiệp nhất, liên đới và huynh đệ”
Đức Hồng y Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh nhận định rằng trách nhiệm của các lãnh đạo tôn giáo là làm chứng về “hiệp nhất, liên đới và huynh đệ, cho xã hội mà chúng ta đang sống.” Ngài nói thêm: “Điều mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề xuất cho tất cả chúng ta trong thông điệp mới Tất cả anh em là điều cần thiết nếu chúng ta thực sự muốn tìm ra một ‘liệu pháp’ thích hợp để chấm dứt cuộc khủng hoảng thế giới này và ngăn chặn cuộc khủng hoảng khác trong tương lai.”
Cám dỗ giới hạn tình huynh đệ
Đức Hồng y cũng nói về “cám dỗ chỉ giới hạn tình huynh đệ đối với những người có cùng ý tưởng hoặc bối cảnh văn hóa”, cũng như sự thờ ơ và tham lam thường thấy trong các mối quan hệ giữa con người với nhau. Ngài kêu gọi các vị lãnh đạo tôn giáo thực hiện một ơn gọi cụ thể: xây dựng “một xã hội dân sự bao gồm tất cả mọi người và từ chối văn hóa vứt bỏ”. Từ đó, ngài mời gọi cùng nhau trở thành “sứ giả đích thực của sự hiệp nhất, liên đới và huynh đệ”. (SIR 13/10/2020)
Hồng Thủy – Vatican News