Đức Hồng y Jean-Claude Hollerich, Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Giám mục của Liên minh Châu Âu (COMECE), nói rằng dự luật của Đan Mạch yêu cầu dịch tất cả bài giảng ra tiếng Đan Mạch là sự đe dọa đối với tự do tôn giáo.
Trong tuyên bố hôm 22/1, Đức Hồng y Hollerich đã phản đối dự luật yêu cầu tất cả các bài phát biểu trong bối cảnh phụng vụ phải được trình bày bằng tiếng Đan Mạch hoặc có thể truy cập được bằng ngôn ngữ này. Theo Đức Hồng y, “trên thực tế, dự luật có hiệu lực là sẽ gây trở ngại không đáng có đối với quyền cơ bản về tự do tôn giáo.”
Ảnh hưởng đối với Giáo hội Công giáo
Giáo hội Công giáo ở Đan Mạch cũng bày tỏ quan ngại về dự luật, được cho là nhắm trước hết đến các cộng đồng Hồi giáo ở nước này, nơi các bài giảng thường được giảng bằng tiếng Ả rập.
Tín hữu Công giáo chiếm 1,3% trong tổng số 5,8 triệu dân Đan Mạch. Gần 1/3 người Công giáo sinh ở nước ngoài. Các Thánh lễ ở thủ đô Copenhagen, vùng xung quanh thủ đô, được cử hành bằng các ngôn ngữ Ba Lan, Anh, Ucraina, Croat, Can-đê, Pháp, Tây Ban Nha, Ý và cả Việt Nam.
Giáo hội Công giáo cho rằng, ngoài việc xâm phạm quyền tự do tôn giáo, yêu cầu dịch thuật sẽ đặt ra gánh nặng tài chính không đáng có.
Quốc hội Đan Mạch dự kiến sẽ tranh luận về dự thảo luật, được gọi là “Luật thuyết pháp bằng các ngôn ngữ khác ngoài tiếng Đan Mạch”, vào tháng 2.
Hạn chế tự do tôn giáo
Đức Hồng y Hollerich, tổng giám mục Luxembourg, nói rằng “dự luật là một phần của xu hướng ngày càng tăng giữa các nước thành viên châu Âu và thậm chí ở cấp độ Tòa án châu Âu” về việc hạn chế tự do tôn giáo. Ngài nói: “Mối quan tâm của COMECE về tình trạng tự do tôn giáo nói chung ở châu Âu đã được thể hiện khi phản ứng với các biện pháp quốc gia cực kỳ cứng rắn áp đặt lên các Giáo hội và cộng đồng tôn giáo liên quan đến các nghi lễ tôn giáo, trong bối cảnh Covid-19.”
Đức Hồng y nói tiếp: “Mặc dù chúng tôi hiểu rằng mục tiêu của đề xuất là ngăn chặn cực đoan hóa và chống lại sự kích động thù địch và khủng bố, nhưng cần tránh bất kỳ tác động tiêu cực hoặc phân biệt đối xử nào đối với các Giáo hội và khiến cộng đồng tôn giáo có ác cảm và xa lạ với những hành động như vậy, bằng cách hành động theo tinh thần hòa bình và hội nhập.” (CNA 22/01/2021)
Hồng Thủy – Vatican News