Ngày 11/12, tại phiên họp trực tuyến lần thứ hai của tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), mục đích chuẩn bị cho Hội nghị lần thứ XV của tổ chức này, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič, Quan sát viên Thường trực của Tòa Thánh tại các Tổ chức Liên Hiệp Quốc ở Genève đã có bài tham luận, kêu gọi một nền kinh tế có lợi cho tất cả mọi người.
“Thịnh vượng cho tất cả” là khẩu hiệu Hội nghị của tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, dự kiến diễn ra từ ngày 25 đến 30/4/2021 tại Barbados. Trong bài tham luận, Đức Tổng Giám mục Ivan Jurkovič nhắc lại khẩu hiệu này và nói: “Đại dịch Covid-19 và những hậu quả của nó làm nổi bật những thiếu sót nghiêm trọng của toàn cầu hóa và tác động lâu dài mà chúng sẽ gây ra, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Vì lý do này, Hội nghị lần thứ XV của tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển sẽ là cơ hội đầu tiên để thiết lập Chương trình nghị sự 2030 về phát triển bền vững trên một sự bình thường toàn cầu mới, hậu đại dịch”.
“Không chỉ vậy, sự cần thiết của cuộc họp năm 2021 nhằm cung cấp một cơ hội duy nhất để phối hợp các nỗ lực trên toàn thế giới, vì một tương lai tốt đẹp hơn, chuyển đổi cách tiếp cận toàn cầu đối với thương mại và phát triển nhằm vạch ra một con đường bền vững cho tất cả mọi người”, Đức Tổng Giám mục Jurkovič nhấn mạnh và nói tiếp: “Đối với quá nhiều người, việc quay lại làm ăn như trước đây không còn được nữa; do đó hội nghị Barbados đánh dấu sự khởi đầu của một thập kỷ phát triển mới và mang tính quyết định”.
Đức Tổng Giám mục giải thích: “Mặt khác, mục tiêu mà vì đó tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển tồn tại rất đơn giản, nhưng phải cố gắng làm sao để cho nền kinh tế toàn cầu trở thành một hệ thống có lợi cho tất cả mọi người. Thật không may, do đại dịch Covid-19, hơn bao giờ hết mục tiêu này dường như xa vời, nhưng chính vì lý do này mà chúng ta phải cam kết cho một cách tiếp cận mang tính xây dựng hơn để có thể đem lại sự thịnh vượng cho tất cả mọi người”.
Từ đây, Đại diện Tòa Thánh đưa ra một cảnh báo khác liên quan đến thực tế là hậu quả của cuộc khủng hoảng hiện nay vượt xa lĩnh vực tài chính, mở rộng sang lĩnh vực kinh tế, xã hội và văn hóa. Vì vậy, cộng đồng quốc tế không thể cho phép tài chính tiếp tục là nguồn gây bất ổn toàn cầu và phải cam kết thực hiện các biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tiếp theo.
“Đây không phải là lúc để thờ ơ, bởi vì cả thế giới đang đau khổ”, Đức Tổng Giám mục kết luận và nói rằng chính vì thế phái đoàn Tòa Thánh tham gia phiên họp này nhằm cung cấp một đóng góp cụ thể cho hội nghị lần thứ XV của tổ chức Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển.
Ngọc Yến – Vatican News