Hôm 12/3/2022, trả lời phỏng vấn của ông Andrea Tornielli, Tổng Biên tập của Vatican News, Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã nói về sự leo thang của chiến tranh ở trung tâm châu Âu. Ngài nói rằng: “Chiến tranh là sự điên rồ, nó phải được dừng lại.”
Đức Hồng y Parolin nói: “Chúng ta đang bước lùi về quá khứ thay vì dám thực hiện các bước hướng tới một tương lai khác, một tương lai chung sống hòa bình. Thật không may, phải thừa nhận rằng chúng ta đã không thể xây dựng được, sau khi Bức tường Berlin sụp đổ”. “Có lẽ chúng ta phải có một trái tim bằng đá mới có thể thụ động và để cho sự tàn phá này tiếp tục, khi những dòng sông máu và nước mắt tiếp tục chảy.” Đức Hồng y nhắc lại rằng Tòa Thánh luôn sẵn sàng cho bất kỳ hình thức hòa giải nào.
Trước hết, thưa Đức Hồng y, ngài có thể tóm tắt quan điểm của Tòa Thánh về cuộc xung đột hiện nay không?
Lập trường của Tòa thánh là điều mà Đức Giáo hoàng đã lặp đi lặp lại nhiều lần, đó là: mạnh mẽ nói “không” với chiến tranh; chiến tranh là điên rồ, nó phải được dừng lại. Chúng tôi yêu cầu, kêu gọi lương tâm của tất cả mọi người để cuộc chiến chấm dứt ngay lập tức. Trước mắt chúng ta là những hình ảnh khủng khiếp đến từ Ucraina. Các nạn nhân là thường dân, phụ nữ, người già và trẻ em không nơi nương tựa, những người đã phải trả giá bằng mạng sống của mình cho sự điên cuồng của chiến tranh. Nỗi thống khổ ngày càng lớn khi chúng ta thấy những thành phố với những ngôi nhà bị phá hủy, không có điện, nhiệt độ xuống dưới 0 độ, thiếu lương thực và thuốc men, cũng như hàng triệu người tị nạn, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, chạy trốn khỏi bom đạn.
Trong vài ngày gần đây, tôi bắt gặp một nhóm người từ nhiều vùng khác nhau của Ucraina đến Ý: ánh mắt ngây dại, gương mặt không nụ cười, nỗi buồn vô hạn… Đâu là lỗi của những người mẹ trẻ đó và những đứa con của họ? Chúng ta chắc phải có một trái tim bằng đá mới có thể thụ động và để cho sự tàn phá này tiếp tục, khi những dòng sông máu và nước mắt tiếp tục chảy. Chiến tranh là một sự man rợ! Điều quan trọng là tại buổi đọc kinh Truyền Tin hôm Chúa Nhật 27/2, Đức Thánh Cha đã tham chiếu Điều 11 của Hiến pháp Ý trong đó nêu rõ: “Nước Ý từ chối chiến tranh, nó như một công cụ xúc phạm quyền tự do của các dân tộc khác và như một phương tiện giải quyết các tranh chấp quốc tế.” Những kẻ gây chiến dựa vào lý luận ma quỷ của vũ khí mà quên mất nhân loại: chúng ta có bao nhiêu ví dụ xác minh sự thật của những lời này! Chúng ta thường quên chúng, đôi khi vì chúng liên quan đến những cuộc chiến mà chúng ta coi là “xa vời”, nhưng trong thực tế, trong thế giới liên kết của chúng ta, chúng không bao giờ thực sự xa vời.
Tại sao Đức Giáo hoàng, trong một cử chỉ chưa từng có, lại đến thăm Đại sứ quán Nga một ngày sau khi cuộc tấn công của quân đội Mátxcơva ở Ucraina bắt đầu?
Bạn có lý khi gọi cử chỉ đó của Đức Thánh Cha Phanxicô là một điều chưa từng có. Đức Thánh Cha muốn bày tỏ với các nhà chức trách ở Mátxcơva tất cả mối quan tâm của ngài về sự leo thang của cuộc chiến vừa mới bắt đầu, và ngài đã quyết định thực hiện một bước cá nhân theo hướng này, đó là đi đến cơ quan ngoại giao của Liên bang Nga cạnh Tòa thánh.
Trong những ngày gần đây, Đức Hồng y đã có cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Nga Lavrov. Quý vị đã nói gì với nhau?
Tôi lặp lại lời kêu gọi của Đức Giáo hoàng về việc ngừng bắn ngay lập tức. Tôi yêu cầu chấm dứt cuộc chiến và tìm một giải pháp đàm phán cho cuộc xung đột. Tôi nhấn mạnh về sự tôn trọng đối với dân thường và hành lang nhân đạo. Tôi cũng nhắc lại, như Đức Giáo hoàng đã làm vào Chúa Nhật tuần trước tại buổi đọc kinh Truyền Tin, Tòa Thánh hoàn toàn sẵn sàng cho bất kỳ hình thức trung gian nào có thể có lợi cho hòa bình ở Ucraina.
Bất chấp những lời kêu gọi ngừng sử dụng vũ khí, chúng ta đang phải đối mặt với sự leo thang không có dấu hiệu giảm bớt. Tại sao vậy, thưa Đức Hồng y?
Chiến tranh giống như một căn bệnh ung thư phát triển, lan rộng và tự ăn thịt mình. Đó là một cuộc mạo hiểm không có hồi kết, như những lời tiên tri của Thánh Gioan Phaolô II. Tiếc rằng chúng ta phải nhìn nhận: chúng ta đã rơi vào một dòng xoáy có thể gây ra những hậu quả khôn lường và bất hạnh cho tất cả mọi người. Khi xung đột đang diễn ra, khi số lượng nạn nhân không có khả năng tự vệ ngày càng tăng, thì việc quay lại luôn rất khó khăn. Cho dù nó không phải là không thể, khi có ý chí thực sự thì cũng khó mà theo đuổi đàm phán bằng mọi nỗ lực, khó đi theo mọi con đường có thể để hướng tới một giải pháp, khó kiên trì thực hiện các sáng kiến hòa bình. Chúng ta không được nhượng bộ logic của bạo lực và hận thù. Chúng ta cũng không được nhượng bộ logic của chiến tranh và đầu hàng nó, và dập tắt bất kỳ tia hy vọng nào. Tất cả chúng ta phải cùng nhau kêu lên Thiên Chúa và nhân loại để ngăn chặn vũ khí và khôi phục hòa bình, như Đức Giáo hoàng đang làm.
Thế giới đã thay đổi hoàn toàn chỉ trong vài ngày: giờ đây người ta nói nhiều đến việc tái vũ trang, về chi tiêu quân sự mới, về việc cần quay trở lại các nhà máy nhiệt điện than, bóp ngẹt quá trình chuyển đổi sinh thái…
Vâng, chỉ trong vài ngày, thế giới, thế giới của chúng ta, vốn đã bị đại dịch tàn phá nặng nề, dường như đã thay đổi. Chúng ta nhớ lại những lời can đảm mà Đức Thánh Cha đã nói ở Hiroshima vào tháng 11/2019. Ngài nói: “Tôi khiêm tốn mong muốn trở thành tiếng nói của những người mà tiếng nói của họ không được lắng nghe và những người quan tâm lo lắng nhìn vào những căng thẳng đang gia tăng trong thời đại của chúng ta, vào những bất bình đẳng và bất công không thể chấp nhận được đang đe dọa sự chung sống của con người, vào sự bất lực nghiêm trọng trong việc chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta, vào việc sử dụng vũ khí liên tục và đột biến, như thể những thứ này có thể đảm bảo một tương lai hòa bình”. Ngài nói thêm: “Với niềm tin tưởng, tôi muốn nhắc lại rằng việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh, ngày nay hơn bao giờ hết, là một tội ác, không chỉ chống lại con người và phẩm giá của họ, mà còn chống lại bất kỳ khả năng nào về một tương lai trong ngôi nhà chung của chúng ta. Việc sử dụng năng lượng nguyên tử cho mục đích chiến tranh là trái đạo đức, cũng như việc sở hữu vũ khí nguyên tử là trái đạo đức.”
Ngày nay chúng ta thấy rằng trước những gì đang xảy ra ở Ucraina, nhiều người đang nói về việc tái vũ trang: những khoản tiền mới và khổng lồ đang được phân bổ cho vũ khí, logic của chiến tranh dường như thắng thế, khoảng cách giữa các quốc gia ngày càng tăng. Thật không may, chúng ta dường như đã quên những bài học của lịch sử, của lịch sử gần đây của chúng ta. Tôi vẫn trích dẫn tiếng nói của Thánh Gioan Phaolô II khi ngài cầu xin đừng gây chiến tranh với Iraq: chúng ta thấy các điều kiện của đất nước đó cho đến tận ngày nay, gần hai mươi năm sau cuộc xung đột đó. Chúng ta có nhiều bằng chứng trước mắt chúng ta về sự tàn phá và bất ổn mà chiến tranh gây nên.
Thưa Đức Hồng y, có hành trình nào mà chúng ta có thể đi ngoài con đường loại bỏ người khác?
Học thuyết Xã hội của Giáo hội luôn công nhận tính hợp pháp của cuộc kháng chiến vũ trang khi đối mặt với sự xâm lược. Tuy nhiên, tôi tin rằng đối mặt với những gì đang xảy ra, điều cần thiết là phải tự hỏi: liệu chúng ta có đang làm mọi cách để đạt được thỏa thuận ngừng bắn không? Kháng chiến vũ trang có phải là con đường duy nhất để tiến lên phía trước không? Tôi hiểu rằng những lời này, trước việc giết hại phụ nữ và trẻ em, trước việc hàng triệu người phải di tản, trước việc một đất nước đang bị hủy diệt, nghe có vẻ không tưởng. Nhưng hòa bình không phải là điều không tưởng, có rất nhiều sinh mạng con người đang gặp nguy hiểm cần được cứu ngay lập tức! Đây là lý do tại sao cần có các sáng kiến chính trị-ngoại giao trên diện rộng để đạt được một lệnh ngừng bắn và bắt đầu các cuộc đàm phán để tìm ra một giải pháp bất bạo động. Tòa Thánh sẵn sàng làm mọi thứ có thể về vấn đề này.
Đức Giáo hoàng đã nói rõ ràng rằng cuộc chiến ở Ucraina là một cuộc chiến và không phải là “một hoạt động quân sự”. Thưa Đức Hồng y, tại sao vậy?
Lời đó rất quan trọng, và việc định nghĩa những gì đang xảy ra ở Ucraina như một hoạt động quân sự là không nhận ra thực tế của sự kiện. Chúng ta đang đứng trước một cuộc chiến tranh, mà không may là cuộc chiến cướp đi sinh mạng của nhiều dân thường, như tất cả các cuộc chiến tranh.
Theo ý kiến của Đức Hồng y, Châu Âu và phương Tây nói chung đã làm mọi thứ cần thiết để ngăn chặn sự leo thang chiến tranh này chưa?
Tôi không thích đưa ra bất kỳ suy đoán nào kiểu này. Câu hỏi này chắc chắn là đưa ra điều thú vị để suy nghĩ. Chúng ta nhớ tình hình xung đột hiện có ở Donbass, việc thực hiện không đầy đủ các thỏa thuận Minsk và những gì đã xảy ra với Crimea. Nhưng chúng ta đừng khóc vì sữa bị đổ! Tốt hơn, cần có một quyết tâm mới để đảm bảo rằng những khủng hoảng này được giải quyết với sự giúp đỡ của tất cả mọi người.
Thưa Đức Hồng y, chính trị có vai trò gì? Và vai trò của ngoại giao lúc này là gì?
Khi tôi nói cần có các sáng kiến chính trị và ngoại giao, tôi đang đề cập chính xác đến nhu cầu về chính trị và ngoại giao này. Chúng ta đang lùi vào dĩ vãng thay vì dám bước từng bước để hướng tới một tương lai khác, một tương lai chung sống hòa bình. Thật không may, phải thừa nhận rằng sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, chúng ta đã không thể xây dựng một hệ thống chung sống mới giữa các quốc gia, điều vượt ra ngoài liên minh quân sự hay sự thuận lợi về kinh tế. Cuộc chiến hiện tại ở Ucraina càng làm cho sự thất bại này trở nên rõ ràng. Nhưng tôi cũng muốn nói rằng không bao giờ là quá muộn, không bao giờ là quá muộn để làm hòa, không bao giờ là quá muộn để quay trở lại con đường của mình và tìm ra một thỏa thuận.
Còn vai trò của các Giáo hội là gì, thưa Đức Hồng y?
Trước những mối đe dọa đang rình rập, vai trò của các Kitô hữu trước tiên và trên hết là phải hoán cải. Hôm qua – tôi đã được cho biết – trước sự hiện diện của Đức Hồng Y Krajewski, đặc sứ của Đức Giáo Hoàng tại Ucraina, một buổi cầu nguyện đại kết đã được tổ chức trong đó trước hết cầu xin Chúa tha thứ cho tâm lòng cứng cỏi của chúng ta, cho tội lỗi của chúng ta đã nuôi nấng tội ác trên thế giới. Và sau đó để cầu nguyện xin Chúa ban hòa bình, để soi sáng tâm trí của những người gây chiến tranh và để giải thoát những đau khổ của những người vô tội. Các Giáo hội đang đưa ra một bằng chứng tuyệt vời về tình liên đới trong việc giúp đỡ những người tị nạn. Tôi tin rằng điều cũng rất quan trọng là họ kiên quyết yêu cầu chấm dứt giao tranh: không thể biện minh cho chiến tranh, hận thù và bạo lực.
Andrea Tornielli