Roma. Tại buổi họp báo, tân Chủ tịch HĐGM Ý, Đức Hồng y Matteo Zuppi, giải thích báo cáo của Giáo hội Ý về các hoạt động bảo vệ an toàn và về các trường hợp lạm dụng được báo cáo và đưa ra đường hướng của Giáo hội Ý liên quan đến việc này.
“Không có sự che đậy, không có sự cản trở từ các Giám mục. Chúng tôi sẽ chịu đòn mà chúng tôi phải nhận, đây cũng là trách nhiệm của chúng tôi. Chúng tôi nợ các nạn nhân; nỗi đau của họ là ưu tiên. Chúng tôi cũng nợ Giáo hội Thánh thiện”. Việc công bố báo cáo quốc gia của HĐGM Ý (CEI) về các trường hợp lạm dụng trong Giáo hội Ý đã chiếm một nửa thời gian buổi họp báo kéo dài hai giờ của Đức Hồng y Matteo Maria Zuppi. Đây là cuộc họp báo đầu tiên được tổ chức bởi TGM Bologna kể từ khi được ĐTC bổ nhiệm làm chủ tịch HĐGM Ý.
Có nhiều câu hỏi được đặt ra, nhưng trên tất cả ĐHY Zuppi tập trung hơn vào việc giải quyết vấn đề lạm dụng. Đó là ‘câu hỏi lớn’ được đặt ra trong những tháng gần đây bởi một số hiệp hội, những người đã yêu cầu ĐHY Zuppi trả lời các nạn nhân ở Ý bằng việc thành lập một ủy ban độc lập để làm sáng tỏ các trường hợp lạm dụng trẻ vị thành niên.
Một báo cáo quốc gia
Sẽ có một cuộc điều tra. 223 Giám mục Ý tại Hội nghị thường niên của HĐGM đã vạch ra năm kế hoạch hành động “để hiệu quả hơn trong việc ngăn chặn hiện tượng lạm dụng,” theo thông cáo cuối cùng của các Giám mục.
Ngoài việc củng cố các Trung tâm Lắng nghe, sẽ bao phủ 70% các Giáo phận Ý, các kế hoạch hành động cũng cung cấp một báo cáo quốc gia đầu tiên về các trường hợp lạm dụng đã được báo cáo hoặc tố cáo với mạng lưới giáo phận hoặc liên giáo phận trong hai năm qua, và ra mắt bản phân tích dữ liệu được duy trì bởi Bộ Giáo lý Đức tin về các tội ác giả định hoặc đã được xác minh của các giáo sĩ ở Ý trong giai đoạn từ 2000-2021.
Báo cáo quốc gia sẽ được thực hiện với “sự đóng góp của các trung tâm độc lập” của các Viện đại học về tội phạm học và nạn nhân. Báo cáo dự kiến sẽ được xuất bản vào ngày 18 tháng 11, ngày được chính HĐGM Ý chọn để nhớ đến các nạn nhân của lạm dụng, như một sự kính trọng đối với những người mà “nỗi đau” là điểm tham chiếu căn bản trong cuộc đời của họ.
“Con đường Ý”
Cách tiếp cận của Ý đối với việc lạm dụng khác với cách tiếp cận được các Giáo hội tại Đức, Pháp, Bồ Đào Nha và gần đây là Tây Ban Nha áp dụng: Đó là một “con đường Ý” rõ ràng như Đức Hồng Y Zuppi mô tả. Ngài nhấn mạnh, một cách chắc chắn và nhiều lần, rằng quyết định của các Giám mục Ý không nhằm mục đích làm qua loa, hay che giấu hoặc trốn tránh hậu quả của cuộc khủng hoảng lạm dụng.
Ngược lại, ĐHY nhấn mạnh rằng các Giám mục mong rằng báo cáo là “một điều nghiêm túc, thực tế,” do đó không có chỗ cho tranh cãi. Đức Hồng Y Zuppi nói, “Chúng tôi không muốn tranh luận, chúng tôi không muốn đi chệch hướng. Báo cáo không đóng vai trò như một liều thuốc an thần, mà để làm mọi việc một cách nghiêm túc”.
Lắng nghe
Về vấn đề lạm dụng, cũng như những thách thức mà Giáo hội Ý đang phải đối mặt, tân Chủ tịch HĐGM Ý đã chỉ ra rằng con đường phía trước là thông qua việc “lắng nghe”. Như ĐHY đã nói trong tuyên bố đầu tiên của mình sau khi được bổ nhiệm: “đó là việc lắng nghe và điều này sẽ đau đớn.”
Ngài nhắc lại ý tưởng về việc Giáo hội trở thành “một Giáo hội biết lắng nghe, như một người đồng hành, và có thái độ của một người mẹ muốn bắt đầu bước đi cùng con mình”. “Đại dịch Covid và chiến tranh đã tiết lộ rằng ‘tất cả là anh em’ – ĐHY nói thêm – Chúng ta phải trưởng thành trong nhận thức này, và Giáo hội phải tìm ra câu trả lời cho đau khổ và cho những câu hỏi về ý nghĩa”.