Diễn tiến của các cuộc biểu tình phản đối cái chết của anh George Floyd

Các cuộc biểu tình phản đối liên quan đến cái chết của anh George Floyd là một loạt các cuộc biểu tình ôn hoà và bạo loạn đang diễn ra chống lại sự tàn bạo của cảnh sát bắt đầu với các cuộc biểu tình địa phương ở khu vực đô thị của tại 2 thành phố Minneapolis, và Saint Paul, tiểu bang Minnesota trước khi lan rộng khắp nước Mỹ và sau đó trên toàn thế giới.

Các cuộc biểu tình đã bắt đầu tại thành phố Minneapolis vào ngày 26 tháng Năm năm 2020, sau vụ giết George Floyd, trong đó cảnh sát viên Derek Chauvin đã quỳ trên cổ nạn nhân trong 8 phút 46 giây sau khi đã ghì chặt người đàn ông bị còng tay xuống đất trong vụ bắt giữ nạn nhân trước đó một ngày.

Các cuộc biểu tình nhanh chóng lan rộng khắp Hoa Kỳ và cả ở nhiều nước khác để ủng hộ công lý cho Floyd, và phản đối sự tàn bạo của cảnh sát. Ít nhất 12 thành phố lớn đã tuyên bố lệnh giới nghiêm vào tối thứ Bảy, ngày 30 tháng Năm và kể từ ngày 2 tháng Sáu, các thống đốc ở 24 tiểu bang và Washington, D.C, đã phải kêu gọi Lực lượng Vệ binh Quốc gia can thiệp, với hơn 17, 000 binh sĩ được trưng dụng. Từ khi bắt đầu cuộc biểu tình đến ngày 3 tháng 6, ít nhất 11, 000 người đã bị bắt giữ.

Lịch sử tàn bạo của cảnh sát ở Hoa Kỳ

Sự tàn nhẫn và bạo lực của cảnh sát xảy ra hầu như ở mọi nơi trên thế giới. Tại Mỹ, sự tàn nhẫn và bạo lực của cảnh sát là hiển nhiên trong vụ sát hại anh George Floyd. Tuy nhiên, như Đức Tổng Giám Mục Jóse Gomez của Tổng Giám Mục Los Angeles và là chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ nhận xét: “Sự tàn nhẫn và bạo lực mà anh ta phải chịu không phản ảnh đa số những người nam nữ tốt lành trong lực lượng thực thi pháp luật, là những người thực hiện nhiệm vụ của mình trong danh dự. Chúng ta biết điều đó.”

Hơn thế nữa, sự tàn nhẫn và bạo lực của cảnh sát tại Hoa Kỳ chỉ là vấn đề cá nhân không phải là chủ trương của chính quyền. Đó là sự khác biệt cơ bản với nhiều quốc gia khác. Tại Trung Quốc, chẳng hạn, sự tàn nhẫn và bạo lực của cảnh sát được thể chế hóa thành một ngành kỹ nghệ cướp bóc và buôn bán nội tạng của các tù nhân.

Tuy nhiên, trong một quốc gia dân chủ và tự do như Hoa Kỳ, các trường hợp sử dụng bạo lực quá mức cần thiết của cảnh sát trong lúc thực thi pháp luật từ lâu đã hình thành nên các phong trào dân quyền nhằm gióng lên tiếng nói trước các vụ việc liên quan đến việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết. Ở các nước cộng sản không có các phong trào bảo vệ người dân, chứ không phải là không có sự tàn nhẫn và bạo lực của cả một hệ thống khổng lồ công an và mật vụ nhằm áp đặt “chuyên chế vô sản”.

Các cuộc bạo loạn Watts năm 1965 là một phản ứng đối với sự tàn bạo của cảnh sát của các phong trào dân quyền. Các cuộc đối đầu với cảnh sát trong cuộc bạo loạn năm 1965 đã dẫn đến cái chết của 34 người, hầu hết là người Mỹ gốc Phi. Các cuộc bạo loạn ở Los Angeles năm 1992 là một phản ứng trước sự tha bổng các viên chức cảnh sát chịu trách nhiệm về việc sử dụng bạo lực quá mức đối với anh Rodney King.

Trong thời gian gần đây, những biến cố tương tự đã bao gồm vụ nổ súng năm 2014 giết chết Michael Brown ở Ferguson, Missouri; cái chết của Freddie Gray ở Baltimore năm 2015; và cái chết năm 2014 của Eric Garner tại thành phố New York, là người, giống như George Floyd, đã nói “Tôi không thể thở nổi” trong những giây phút cuối cùng của mình. Một vài vụ được công bố trên toàn quốc đã xảy ra ở Minnesota, bao gồm vụ bắn Jamar Clark năm 2015 ở Minneapolis, vụ bắn Philando Castile năm 2016 ở thành phố Saint Paul bên cạnh và vụ bắn Justine Dhua năm 2017. Vào tháng 3 năm 2020, vụ cảnh sát bắn chết Breonna Taylor ở Kentucky tại căn hộ của chính cô cũng được công bố rộng rãi.

Tác động của đại dịch COVID-19

Các biện pháp chống lại sự bùng phát đại dịch COVID-19, bao gồm việc đóng cửa các doanh nghiệp không thiết yếu và thực hiện lệnh cô lập tại nhà, đã tác động đáng kể đến kinh tế và xã hội đối với nhiều người Mỹ. Hàng triệu người mất việc làm và dễ bị tổn thương hơn về kinh tế. Ông Keith Ellison, Bộ trưởng Tư Pháp tiểu bang Minnesota, cho biết theo quan điểm của ông “người dân đã bị giam giữ trong hai tháng, và vì thế bây giờ họ đang ở trong một tâm trạng khác và một không gian khác. Họ bồn chồn. Một số người đã thất nghiệp, một số người không có tiền thuê nhà và họ tức giận, họ thất vọng.”

Những yếu tố này chắc chắn đã góp phần gây nên tình trạng kinh hoàng hiện nay.

 

Đặng Tự Do

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.