Sáng thứ Bảy 4/6 /2022, Đức Thánh Cha đã tiếp Liên minh Federsanità của Ý. Ngài mời gọi họ tiếp tục phục vụ các bệnh nhân và toàn xã hội với sự gần gũi, cách tổng thể và vì công ích. Đặc biệt, ngài kêu gọi không cắt giảm các nguồn lực y tế xã hội.
Liên minh Federsanità tập hợp các Cơ quan Y tế địa phương, Bệnh viện và Viện Điều trị và Chăm sóc Khoa học, cùng với các đại diện của Hiệp hội các quận của Ý.
Đức Thánh Cha nhận định rằng, “Với sự dấn thân của mình, quý vị đóng góp vào việc duy trì mối quan hệ giữa trung tâm và ngoại vi, giữa nhỏ và lớn, kết nối các mối quan hệ và thúc đẩy các con đường liên kết y tế xã hội và trợ giúp xã hội.” Từ căn tính này của Liên đoàn, Đức Thánh Cha đề ra ba phương thuốc để giúp họ bước theo con đường được vạch ra.
Gần gũi
Trước hết là gần gũi, để chống lại sự tự quy chiếu. Đức Thánh Cha nói rằng nếu trước hết chúng ta có thể nhìn thấy những người mà chúng ta gặp trong bệnh viện, viện dưỡng lão, phòng khám ngoại trú là anh chị em, thì mọi thứ đều thay đổi: “công việc” không còn là một vấn đề bàn giấy nhưng trở thành một cuộc gặp gỡ, đồng hành, sự chia sẻ. Ngài nói thêm: “Gần gũi cũng có nghĩa là phá vỡ khoảng cách, đảm bảo rằng không có bệnh nhân ‘hạng A’ và ‘hạng B’, sử dụng năng lượng và nguồn lực để không ai bị loại khỏi sự trợ giúp xã hội và sức khỏe.”
Toàn diện
Phương thuốc thứ hai là tính tổng thể. Theo Đức Thánh Cha, cần suy nghĩ về ý niệm sức khoẻ theo cái nhìn toàn diện, bao hàm tất cả các chiều kích của con người. Điều trị một bệnh nhân có nghĩa là không chỉ xem xét một bệnh lý nhất định, mà cả tình trạng tâm lý, xã hội, văn hóa và tinh thần của họ. Thái độ của Chúa Giêsu, chữa lành thể xác và phục hồi phẩm giá, là kiểu mẫu cho chúng ta.
Theo Đức Thánh Cha, tầm nhìn tổng thể về chữa trị giúp chống ‘văn hóa vứt bỏ’, loại trừ những người, vì nhiều lý do, không đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định. “Trong một xã hội có nhiều nguy cơ xem người bệnh là gánh nặng, là tốn kém, thì cần phải đặt ở trung tâm những gì là vô giá, không thể mua bán, đó là phẩm giá của con người. Các bệnh lý có thể đánh dấu cơ thể, làm rối loạn tư tưởng, mất đi sức mạnh, nhưng chúng không bao giờ có thể hủy bỏ giá trị sống của con người.”
Công ích
Cuối cùng là công ích, chống lại việc tìm kiếm lợi ích của nhóm. Đức Thánh Cha cảnh giác rằng “Trong lĩnh vực y tế cũng vậy, sự cám dỗ để tạo ra các lợi thế kinh tế hoặc chính trị của một số nhóm người có thể gây thiệt hại cho đa số dân chúng.” “Chúng ta cần làm việc để mọi người đều được tiếp cận với dịch vụ chăm sóc, để hệ thống y tế được hỗ trợ và thúc đẩy, và để hệ thống tiếp tục được miễn phí. Cắt giảm các nguồn lực cho y tế là một sự xúc phạm đối với nhân loại.” (CSR_2367_2022)