Nhân kỷ niệm 90 năm Chúa Giê-su Thương xót hiện ra lần đầu với thánh nữ Faustina Kowalska, Đức Thánh Cha đã viết thư cho Đức cha Piotr Libera của giáo phận Plock ở Ba Lan và cộng đoàn giáo phận, và nói rằng chúng ta được kêu gọi truyền ngọn lửa “tình yêu thương xót” của Chúa Giê-su.
Thánh Faustina đã ghi lại trong nhật ký của mình cuộc hiện ra ở Plock. Chị nói rằng Chúa Giêsu mặc áo trắng hiện ra với chị, với hai tia sáng xuất phát từ ngực ngài, một tia đỏ và một tia sáng nhạt. Chị kể rằng Chúa Kitô đã yêu cầu chị tạo một bức ảnh của Người với dòng chữ “Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa.”
Phổ biến ảnh Lòng Chúa Thương xót
Đức Thánh Cha nhắc lại những lời thánh Faustina được nghe vào ngày 22 tháng 2 năm 1931: “Hãy vẽ một bức tranh theo mẫu con thấy, với chú thích: Lạy Chúa Giê-su, con tín thác vào Chúa. Ta mong muốn hình ảnh này được tôn kính trước tiên trong nhà nguyện của con và sau đó là trên toàn thế giới.”
Hình ảnh Lòng Chúa Thương xót đầu tiên được họa sĩ Eugeniusz Kazimirowski vẽ. Sau khi thánh Faustina qua đời, các họa sĩ khác đã vẽ các bức ảnh theo lời chị miêu tả. Bức ảnh Lòng Chúa Thương xót đã phổ biến khắp thế giới.
Cầu xin ơn thương xót
Trong thư Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu “cầu xin ơn thương xót”, để cho lòng thương xót của Chúa Ki-tô “bao trùm và thấm nhập chúng ta,” để có “can đảm trở về với Chúa Giêsu, gặp gỡ tình yêu và lòng thương xót của Người trong các Bí tích,” và để “cảm nhận sự gần gũi và dịu dàng của Người,” để chúng ta “có thể có thêm khả năng thương xót, nhẫn nại, tha thứ và yêu thương.”
Truyền ngọn lửa tình yêu thương xót của Chúa Giê-su
Đức Thánh Cha lưu ý rằng thánh Gioan Phaolô II, “Tông đồ của Lòng Chúa Thương xót”, đã muốn sứ điệp tình yêu thương xót của Thiên Chúa đến với mọi người trên thế giới. Ngài trích dẫn lời thánh Gioan Phaolô II trong cuộc viếng thăm Łagiewniki năm 2002: “Ngọn lửa của lòng thương xót này cần được truyền lại cho thế giới. Trong lòng nhân từ của Thiên Chúa, thế giới sẽ tìm thấy hòa bình và nhân loại sẽ tìm thấy hạnh phúc!” Và chính ngài khẳng định: “Đây là một thách đố đặc biệt đối với giáo phận Plock, được ghi dấu bởi sự mặc khải này”, đối với mỗi người.
Thư của Đức Thánh Cha kết thúc với lời mời gọi: “Hãy truyền ngọn lửa tình yêu thương xót của Chúa Giê-su. Hãy trở nên dấu hiệu về sự hiện diện của Người giữa anh chị em.” (CSR_1322_2020)
Hồng Thủy – Vatican News
https://www.vaticannews.va/vi/pope/news/2021-02/dtc-phanxico-90-nam-chua-giesu-thuong-xot-thanh-faustina.html