Đức Bà như Hòm Bia Thiên Chúa

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

(Suy niệm lễ vọng Đức Mẹ Lên Trời – BĐ 1: 1 Sb 15,3-4.15-16; 16,1-2; BĐ 2: 1 Cr 15, 54b-57; TM: Lc 1,27-28)

I. NỀN TẢNG CĂN BẢN CỦA VIỆC TUYÊN TÍN

Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời được Đức Thánh Cha Piô XII tuyên tín vào Lễ Các Thánh ngày mồng 1 tháng 11 năm 1950, tại Quảng Trường Thánh Phêrô, Rôma. Nội dung tín điều như sau:

“Do uy quyền của Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, của hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô, và với thẩm quyền của Ta, Ta phán quyết, tuyên ngôn, và định tín là tín điều đã được mạc khải rằng: Đức Maria, Mẹ Vô Nhiễm của Thiên Chúa trọn đời đồng trinh, sau cuộc sống trần gian này, đã được phúc vinh quang Thiên đàng cả hồn và xác. Nếu ai cả dám tự tình chối bỏ hay nghi ngờ điều Ta đã định tín, thì họ phải biết rằng họ hoàn toàn phản bội đức tin Công giáo của Thiên Chúa”.

Tín điều Đức Maria hồn xác lên trời như một đóa hoa bung nở từ một niềm tin đã có ngay từ thời Giáo hội sơ khai, được trình bày theo dòng thời gian 20 thế kỷ trong Phụng vụ, trong giáo huấn của các Giáo phụ và suy tư của các nhà thần học.

Bởi đâu Đức Maria được diễm phúc ấy? Thưa bởi vì nó là kết quả của các đặc ân khác mà Thiên Chúa đã thương ban cho Đức Maria. Các đặc ân đó là: Mẹ Thiên Chúa; Đấng vô nhiễm nguyên tội; và trọn đời đồng trinh. Những xác tín này có nền tảng Kinh Thánh, truyền thống Phụng vụ, suy tư của các giáo phụ và đã được định tín.

ĐTC Piô XII còn xác định: “Thân xác con người bị chết và bị tan rã ra tro đất là do hậu quả tội Nguyên tổ. Mà Đức Maria không hề mắc tội Nguyên tổ, cũng chẳng hề có tội riêng. Cho nên đương nhiên và rất hợp lý là Mẹ được hồn xác về trời.” Ngoài ra, Mẹ Maria luôn luôn kết hợp với Con mình, không giây phút nào Mẹ – Con xa nhau, ngay cả khi Chúa chịu chết trên thập giá Mẹ cũng đồng hành (Ga 19,25-27). Vậy thì không lý gì khi Mẹ cùng Con chiến đấu lại không được cùng Con chiến thắng, khi từ giã cõi trần lại chẳng được Người Con Chí Ái rước ngay lên trời để tiếp tục đồng hành với Người mà hướng dẫn Nhiệm Thể Người là Giáo Hội đang còn lữ hành trên dương gian.

II. PHÚC CHO KẺ LẮNG NGHE VÀ TUÂN GIỮ LỜI THIÊN CHÚA

Các bài đọc trong phụng vụ lễ vọng Đức Maria hồn xác lên trời cho chúng ta xác tín nền tảng về đặc ân hồn xác lên trời của Đức Maria theo Kinh Thánh.

Trước tiên, chúng ta lắng nghe bài đọc I trong sách Sử biên niên (1 Sb 15,3-4.15-16; 16,1-2). Chúng ta thấy sách Sử biên niên mô tả một cuộc rước rất long trọng để “kiệu Hòm Bia Thiên Chúa” đặt vào lều Đavít. Cuộc rước này do chính Vua Đavít tổ chức. Trong đó, các tư tế dòng họ Lêvi, các con cháu của họ khiêng hòm bia, các ca viên được sắp xếp để ca tụng Đức Chúa với đủ các loại nhạc khí, “đàn sắt, đàn cầm, não bạt mà tấu khúc hoan ca.” (1 Sb 15,16). Sau cùng thì dâng lễ toàn thiêu và lễ kỳ an trước nhan Đức Chúa. Hòm Bia để chứa đựng hai phiên đá giao ước mà Đức Chúa qua ông Môsê đã ban cho dân của Người trên núi Sinai. Trong niềm tin của dân Israel, sự hiện diện của Hòm Bia là sự hiện diện của chính Thiên Chúa ở với dân của Người. Đức Chúa đã “cắm lều” ở giữa dân của Người.

Trong kinh cầu Đức Bà mà chúng ta thường đọc có câu: “Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa”. Vâng, Đức Trinh nữ Maria được ví như Hòm Bia Thiên Chúa, vì Mẹ “chứa đựng” Con Thiên Chúa trong cung lòng của Mẹ. Vinh hạnh tuyệt vời ấy là ân sủng, quà tặng mà Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Vì thế mà Mẹ vẫn mãi ca khen: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng, vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới ; từ nay, hết mọi đời, sẽ khen tôi diễm phúc.” (Lc 1,46-48)

Trở về bài Tin Mừng (Lc 11,27-28), tuy ngắn và lời nói của Chúa Giêsu mới nghe gây cảm giác Ngài không mấy quan tâm đến gia đình, nhất là Mẹ của Ngài. “Đức Giêsu đang giảng dạy, thì giữa đám đông có một người phụ nữ lên tiếng thưa với Người: “Phúc thay người mẹ đã cưu mang và cho Thầy bú mớm !” Nhưng Người đáp lại: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.”

Đức Giêsu không nhắc đến Mẹ Maria trong câu trả lời nhưng thực ra lại là câu trả lời trọn vẹn. Chúa Giêsu nói đến “mối phúc thứ chín”: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.” Và chúng ta có thể đặt ra một câu hỏi: Ở trên trần gian này, có ai đã lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa hơn Mẹ Maria? Thật vậy, cả cuộc đời của Mẹ là một lời “xin vâng” đầy đủ, trọn vẹn từ Nazareth đến đồi Calvê. Mẹ lúc nào cũng thưa “vâng” với chương trình cứu độ của Thiên Chúa, như một nữ tỳ ngoan ngùy và trung tín cho đến hơi thở cuối cùng. Mẹ xứng đáng lãnh nhận triều thiên mà Thiên Chúa tặng ban, xứng đáng lãnh nhận ơn trọng đại là được về trời cả hồn lẫn xác, bởi vì không phút giây nào Mẹ rời xa Chúa, trong tâm trí và linh hồn. Như lời của Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14,3)

Đức Maria là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ của Chúa Giêsu còn cao trọng hơn các môn đệ biết bao. Không có lý do nào mà Chúa Giêsu lại không muốn Mẹ ở với mình với trọn vẹn xác hồn. Đức Maria đã hiến dâng cung lòng và toàn thể con người của mình để trở thành cung điện cho Con Thiên Chúa ngự xuống; thì Thiên Chúa cũng tặng ban cung điện Nước Trời để Mẹ trở thành nữ vương bên Con Chí Ái – Đấng Phục Sinh vinh hiển. Đó cũng là mối phúc mà Chúa Giêsu đã nói đến, mối phúc mà một đời Mẹ đã thực hiện là lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa.

Cũng như lời của thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay: “Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi ? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.” (1 Cr 15,55-57). Đức Maria đã được hưởng trước ơn cứu độ tuôn tràn của Đức Kitô Phục Sinh. Ơn cao trọng ấy bắt nguồn từ mầu nhiệm Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, vô nhiễm nguyên tội, trọn đời đồng trinh và cuối cùng là khải hoàn Thiên Quốc trọn vẹn xác hồn.

III. CẦU NGUYỆN

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa và là Mẹ của chúng con. Chúng con ước ao có được một “cung lòng” xứng đáng cho Con Thiên Chúa ngự trị. Nhưng những cơn cám dỗ của ba thù thế gian làm tâm hồn chúng con lem luốc; tội lỗi làm chúng con bất xứng. Mỗi người chúng con là đền thờ của Chúa nhưng chẳng khi nào được trang hoàng bằng đời sống “biết lắng nghe và thực thi lời Thiên Chúa”. Mẹ lên trời cả hồn lẫn xác không phải là để xa cách, nhưng là để gần gũi là trợ giúp chúng con hữu hiệu hơn. Nguyện xin Mẹ chuyển cầu ơn Chúa cho chúng con biết sống như Mẹ, một đời “xin vâng”, để mai ngày chúng con được sum họp cùng Mẹ trên Nước Thiên Đàng. Amen.

Lm. Anphongsô Trần Ngọc Hướng, DCCT

(Cheo Reo 14/08/2023)

* Bài suy niệm có sử dụng một số bài suy tư thần học, suy niệm đăng trên web HĐGM Việt Nam, Gp. Phú Cường.