Cách đây hơn 3 năm rưỡi, khi Đức Thánh Cha đến thăm Abu Dhabi, hồi tháng 2 năm 2019, vị chủ chăn của Giáo Hội địa phương đón tiếp ngài cũng là Đức cha Paul Hinder, và nay, khi ngài đến Bahrain, cũng Đức Cha Hinder đón tiếp vị chủ chăn của Giáo Hội hoàn vũ. Chắc chắn Đức Cha là người có uy tín nhất để trình bày về Giáo Hội địa phương và chuyến tông du sắp tới của Đức Thánh Cha.
Thân thế Đức Cha Hinder
Đức Cha Paul Hinder năm nay 80 tuổi (1942), người Thụy Sĩ Đức, thuộc dòng Capuchino. Ngài nguyên là giáo sư đào tạo các tu sinh của dòng và từng làm Bề trên giám tỉnh tại Thụy Sĩ trước khi làm Tổng cố vấn của dòng ở Roma.
Cuối năm 2003, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục phụ tá đại diện tông tòa Arabia, một vùng bao gồm các Tiểu vương quốc Arập, gọi là Emirates, Oman, Yemen, Qatar, Bahrain và Arập Sauđi. Đa số các tín hữu Công Giáo tại các nước này là công nhân nước ngoài, đông nhất là Ấn độ và Philippines.
Hai năm sau đó, 2005, Đức Cha Hinder kế nhiệm Đức Cha Bernardo Gremoli về hưu. Và năm 2011, khi Tòa Thánh chia hạt này thành hai, Đức Cha Hinder được cử coi sóc Hạt Đại diện tông tòa nam Arabia, gồm các nước Oman, Yemen và Emirates. Đức Cha đặt trụ sở tại Abu Dhabi, thủ đô của Emirates. Địa phận này là một vùng rộng gần 1 triệu cây số vuông, với 39 triệu dân cư, trong đó có 1 triệu tín hữu Công Giáo, nhưng chỉ có 15 giáo xứ với 13 linh mục giáo phận và 49 linh mục dòng, 3 tu huynh và 64 nữ tu.
Sau khi Đức Cha Camillo Ballin, dòng thánh Comboni, qua đời (12-4-2020) thọ 75 tuổi, Đức Cha Hinder được Tòa Thánh bổ nhiệm kiêm nhiệm Giám quản Tông tòa Bắc Arabia gồm các nước Arập Sauđi, Qatar, Kuwait và Bahrain.
Từ ngày 1/5 năm nay Đức Cha Hinder được Đức Thánh Cha nhận đơn từ chức vì lý do tuổi tác, cử người kế nhiệm là Đức Cha Paolo Martinelli, 63 tuổi, cũng thuộc dòng Capuchino, nguyên là Giám Mục Phụ tá Tổng giáo phận Milano, bắc Ý và từng làm giáo sư thần học linh đạo tại Giáo Hoàng đại học Antonianum của dòng Phanxicô ở Roma, cho đến năm 2014.
Nhận định của Đức Cha Hinder
Trong cuộc phỏng vấn dành cho hãng tin Asia News truyền đi hôm 5/10 vừa qua, Đức Cha Hinder nhận định rằng cuộc tông du sắp tới của Đức Thánh Cha tại Bahrain nằm trong khuôn khổ chương trình của ngài: sau khi thăm Abu Dhabi, Maroc, Iraq, và Kazakhstan mới đây, nay đến tiểu quốc này. Điều này chứng tỏ trong tâm trí của Đức Thánh Cha có một “chiến lược” tích cực “xích lại gần các trào lưu khác nhau trong Hồi giáo”, một cố gắng nối lại hoặc mở ra cuộc đối thoại mới với thế giới rộng lớn của Hồi giáo.
“Việc chọn Bahrain để viếng thăm, giữa các nước khác trong vùng, cũng là một tín hiệu mạnh mẽ gửi đến thế giới Hồi giáo Shiite, vốn là tôn giáo của đại đa số dân Bahrain, tuy rằng quyền bính tại đây nằm gọn trong tay hoàng gia theo Hồi giáo Sunnit.”
Đức Cha Hinder cũng cho biết cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha tại Bahrain do Nhà vua gợi ý và mong muốn từ lâu. Vua Hamad Bin Isa al Khalifa đã chính thức mời Đức Thánh Cha và thư mời đã được Sheik Khalid bin Ahmed bin Mohammed Al Khalifa, Cố Vấn của Vua Hamad về các vấn đề ngoại giao, trao cho Đức Thánh Cha nhân dịp ông được ngài tiếp kiến tại Vatican ngày 25/11 năm ngoái. Trong thư, Nhà Vua bày tỏ lòng ngưỡng mộ đối với vai trò nổi bật của Đức Giáo Hoàng Vatican trong việc thiết lập và thăng tiến đối thoại liên tôn và sự cảm thông giữa các nền văn hóa và văn minh, cũng như phổ biến các giá trị tình huynh đệ nhân loại và sự chung sống của tất cả mọi người.
Nay cơ hội cho cuộc viếng thăm của Đức Giáo Hoàng là Diễn Đàn Liên tôn quốc tế sẽ diễn ra tại thủ đô Manama, trong hai ngày mùng 3 và 4/11 tới đây với sự tham dự của 200 vị lãnh đạo tôn giáo và các học giả lớn về tôn giáo, đặc biệt là Đại Imam Ahmed Al Tayyeb của Đền thờ Hồi giáo Al Azhar ở Cairo, Ai Cập, được coi là thẩm quyền cao nhất của 900 triệu tín hữu Hồi giáo Sunnit. Chủ đề của Diễn đàn là “Đông và Tây Phương cho sự chung sống của nhân loại”.
Trong số các đề tài được đề cập đến trong 2 ngày diễn đàn, có đề tài sự sống chung và tình huynh đệ nhân loại, đối thoại trong sự thăng tiến sống chung, vai trò của các vị lãnh đạo tôn giáo trong việc đáp ứng các thách đố hiện nay và đối thoại Liên tôn cho hòa bình thế giới.
Đối với Cộng đoàn Công Giáo địa phương
Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô cũng được coi là một nghĩa cử mạnh mẽ của ngài đối với các tín hữu Công Giáo ở Bahrain cũng như tại Hạt đại diện tông tòa Bắc Arabia, để nói rằng họ không bị lãng quên, tâm tình mà nhiều khi họ có cảm tưởng như vậy.
Việc viếng thăm Bahrain, đất nước chỉ rộng 765 cây số vuông, bằng 1 phần 3560 của nước Kazakhstan với 2 triệu 724 ngàn cây số vuông, là một dấu chỉ mạnh mẽ và thật đẹp của vị chủ chăn Giáo Hội đối với các tín hữu Công Giáo địa phương.
Hai hạt đại diện Tông Tòa
Đức Cha Hinder từng là chủ chăn của hai miền Đại diện Tông tòa bắc và nam Arabia. Ngài cho biết địa phận miền bắc bán đảo này phức tạp hơn về mục vụ so với miền nam vì không có một thực tại trung tâm như Emirates. Quốc gia này gồm 9 giáo xứ, như một trục tập trung các hoạt động mục vụ. Trong khi đó, Hạt đại diện bắc Arabia thì khác: nước Qatar chỉ có 1 giáo xứ, cũng vậy tại Bahrain, trong khi tại Kuwat có 4 giáo xứ, nhưng chỉ có 2 nhà thờ. Rồi Arập Sauđi, một quốc gia cấm mọi hoạt động của các tôn giáo khác với Hồi giáo. Tại giáo phận tông tòa này, cả Giám Mục cũng khó ở gần một cộng đoàn các nước có những đặc tính khác nhau”.
Về phần cha Xavier Marian D’Souza, cha sở nhà thờ Thánh Tâm ở thủ đô Manama của Bahrain, cha gọi cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô là một biến cố chỉ xảy ra một lần trong đời đối với các tín hữu Công Giáo ở tiểu vương quốc này và toàn thể hạt đại diện Tông tòa bắc Arabia, “một thực tại mà chúng tôi không bao giờ tưởng tượng được và mơ ước. Tôi không tìm ra lời nói để mô tả những tâm tình mà cộng đoàn chúng tôi đang sống từ khi có tin chính thức Đức Thánh Cha sẽ đến thăm chúng tôi. Các tín hữu trong nước và các nước khác thuộc Hạt đại diện này đang nóng lòng chờ đợi đón tiếp Đức Thánh Cha, người chắc chắn sẽ giúp củng cố đức tin của họ”.
Cha Marian D’Souza từ 5 năm nay coi sóc giáo xứ Thánh Tâm, cũng là nhà thờ đầu tiên tại vùng Vịnh, được khánh thành hồi năm 1939. Cả nước Bahrain có 3 thánh đường Công Giáo, trong đó là Nhà Thờ chính tòa Đức Bà Arabia lớn nhất trong Vùng Vịnh và mới được khánh thành hồi tháng 12 năm ngoái trên khu đất ở Awali do nhà Vua tặng cho Giáo Hội Công Giáo 8 năm trước đó.
Chương trình viếng thăm
Trong chương trình được Phòng Báo chí Tòa Thánh công bố hôm 6/10 vừa qua, cao điểm trong cuộc viếng thăm của ĐTC là sự tham dự của ngài tại buổi buổi bế mạc Diễn Đàn Bahrain ở khu vực hoàng cung lúc 10 giờ sáng ngày 4/11 và cuộc gặp gỡ ban chiều của với Đại Imam Al Tayyeb của Đền thờ Al-Azhar, và cuộc gặp gỡ sau đó các thành viên Hội đồng Trưởng Lão Hồi giáo tại Đền Thờ Hồi giáo Hoàng Cung Sakhir. Cuối ngày, ngài sẽ chủ sự gặp gỡ đại kết và cầu nguyện cho hòa bình tại Nhà Thờ Chính Tòa Đức Bà Arabia.
Đối với các tín hữu Công giáo, biến cố chính là Thánh lễ lúc 8 giờ rưỡi sáng ngày 5/11, Đức Thánh Cha cử hành tại Sân vận động Quốc gia Bahrain và gặp gỡ giới trẻ tại Trường Thánh Tâm ban chiều cùng ngày.
Hoạt động cuối cùng của Đức Thánh Cha là cuộc gặp gỡ và cầu nguyện sáng Chúa Nhật 6/11 với các Giám mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh và các nhân viên mục vụ tại Nhà Thờ Thánh Tâm, trước khi trở về Roma.
G. Trần Đức Anh, O.P.