Sáng Chúa Nhật 20.05.2018, nhân Đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh, nguyên Giám mục Kontum cùng một số linh mục DCCT đã viếng thăm Giáo xứ Thủ Thiêm và cử hành thánh lễ.
Kể từ đầu tháng 5/2018 “khi lãnh đạo UBND TP yêu cầu các đơn vị liên quan có phương án di dời những cơ sở tôn giáo trong khu đô thị này (Nhà thờ Thủ Thiêm, Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm) cũng như thu hồi đất của Trường tiểu học Thủ Thiêm để bàn giao cho nhà đầu tư thi công tuyến đường ven sông” (x. tuổi trẻ online 01/05/2018), thì vùng đất Thủ Thiêm trở nên “nóng” trở lại. Hàng loạt những bài báo, dưới sự hướng dẫn của đảng, đã đồng loạt tố cáo những vi phạm trong công việc quy hoạch khu đô thị mới này. Hàng ngàn hộ dân oan đã từng sống nơi đây, đã có dịp bày tỏ nỗi oan khuất hơn chục năm của mình trong việc giải tỏa, giá cả đền bù, nơi tái định cư. Trên các phương tiện truyền thông đầy tràn những đau khổ, nước mắt và sự căm giận của người dân Thủ Thiêm. Tuy nhiên cách đây hơn 1 tuần, không còn thấy xuất hiện một bài báo nào nhắc đến vấn đề dân oan Thủ Thiêm nữa. Phải chăng bàn như thế đã đủ hay đã nhận được lệnh nào đó không cho nhắc đến nữa? Với người Công Giáo, họ dành tình cảm của mình cho 2 cơ sở tôn giáo còn lại trên mảnh đất Thủ Thiêm cách sâu lắng, linh thiêng và bền chặt hơn. Nhiều đoàn thể và cá nhân đã đến hiệp thông, cầu nguyện, dâng lễ và chia sẻ một cách rất thiết thực.
Sáng nay 20/5, Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh vừa từ Mỹ trở về sau chuyến đi nghỉ 1 tháng, đã vội vã đến viếng thăm Giáo xứ Thủ Thiêm. Trước khi diễn ra thánh lễ, Đức Cha Micae và cha Gioan Baotixita Lê Đăng Niêm, chánh xứ Thủ Thiêm, đã có buổi trò chuyện khá thân mật và vui tươi. Cả hai vị đều đã bước qua tuổi 80, nhưng trí nhớ vẫn còn rất sắc sảo. Cha G.B Niêm kể về lịch sử Nhà Thờ từ lúc được trở thành Giáo xứ vào năm 1859. Tuy nhiên trước khi trở thành Giáo xứ, đã có một ngôi nhà nguyện mái lá với sự hiện diện của các nữ tu Dòng Mến Thánh Giá ở đây, để dạy Giáo lý và nhân bản cho các thanh niên thiếu nữ trong vùng.
Cha G.B Niêm chia sẻ về vấn đề quy hoạch trong tương quan với Đại lễ Chúa Thánh Thần như sau: vùng đất này đã được Chúa Thánh Thần quy hoạch rồi ngay từ thế kỷ 18 khi đẩy hai Nữ Tu Dòng Mến Thánh Giá đầu tiên đến đây trong cơn bách hại đạo để lập nên Họ Đạo và Nhà Dòng cho đến ngày nay…. Vì thế đại gia nào đụng vào cưỡng chiếm ắt sẽ tàn mạc và con cháu cũng sẽ tàn mạc. Cha còn cho biết thêm: Người Pháp mãi đến năm 1862 mới đánh chiếm 3 Tỉnh Miền Nam và sau đó mới chiếm Lục Tỉnh. Nên Nhà thờ và Nhà Dòng ở đây không liên quan gì đến “Tây” cả. Đất này là hoàn toàn của “Ta” hết! Mà “Ta” thì lại đi bắt bớ “Ta.”
Sau khoảng 30 phút trò chuyện thân tình, thánh lễ được bắt đầu với sự Chủ sự của Đức Cha Micae Hoàng Đức Oanh. Cha G.B Niêm mặc dù sức khỏe yếu cũng ngồi trên xe lăn đồng tế trong thánh lễ. Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Micae mời gọi cộng đoàn hãy cầu nguyện đặc biệt cho mảnh đất Thủ Thiêm. Xin Thần Chân Lý đến và ở cùng Giáo hội trong thời điểm đầy khó khăn thử thách này.
Mở đầu bài giảng, Đức Cha nói rằng: Khi Thánh Thần ngự đến thì người môn đệ Chúa Kitô không còn sợ hãi nữa. Họ không còn đóng kín cửa, giam mình trong căn phòng nữa nhưng can đảm ra đi làm chứng về Tình Yêu, Sự Thật và Thiên Chúa Hằng Hữu.
Nói về mảnh đất Nhà Thờ Thủ Thiêm đang nằm trong tầm ngắm giải tỏa của nhà cầm quyền, Đức cha Micae nói rằng: Chúng ta là Kitô hữu, chúng ta tranh đấu không phải để giữ lại cho bằng được mảnh đất nhưng để nói với thế gian rằng, công lý, sự thật vẫn còn hiện diện trên quê hương đất nước của chúng ta. Không một thể chế nào có thể tồn tại mãi, duy chỉ có Thiên Chúa Hằng Hữu mới tồn tại mãi mà thôi. Chỉ có Thiên Chúa mới là Chủ Tể của lịch sử này, chứ không phải một một cơ chế, một đảng phái nào cả. Chúng ta làm chứng về Thiên Chúa Hằng Hữu của chúng ta thì chúng ta phải can đảm lên tiếng cho sự thật. Thiên Chúa là Nguồn Mạch của Sự Thật vì thế những gì xây dựng trên giả dối, lừa đảo cần phải loại bỏ đi.
Trong Đại Lễ hôm nay, lớp Bao Đồng của Giáo xứ cũng bế mạc và các em sẽ tuyên xưng sự dấn thân của mình trong đời sống xã hội với tư cách là con cái Chúa. Đức Cha Micae đã nhắn nhủ các em lớp Bao Đồng như sau: Cha muốn các con phải kiên trì học hỏi, nhưng học không phải chỉ để kiếm tiền, mưu sinh, thành đạt trong xã hội nhưng quan trọng hơn là giúp cho mình đừng bị ai lừa dối và cũng đừng đi lừa dối ai. Học để giúp cho người khác đừng để họ bị lừa dối. Các con đã thấy những dân oan trên mảnh đất Thủ Thiêm này đã bị lừa dối ra sao, phỉnh gạt như thế nào rồi đó. Các con hãy học và mang Lời Chúa là Chân Lý và Sự Thật đến cho những người khác.
Trở lại vấn đề lịch sử của Nhà thờ Thủ Thiêm, Đức Cha Micae nói với cộng đoàn như sau: Nhiều người Công Giáo kể cả Linh mục đã mặc cảm mình bị Pháp đô hộ, nên đã lập ra cái ban gọi là “Công Giáo và Dân Tộc”, để nói rằng tôi muốn đồng hành cùng dân tộc tôi, không bị lệ thuộc vào ngoại bang nào hết. Nhưng hiểu như vậy là hoàn toàn sai! Công giáo tại Việt Nam không phải do Pháp mang đến. Công Giáo đã có mặt trên đất nước Việt Nam này từ thế kỷ 16, đến thế kỷ 18, Pháp mới đến đô hộ Việt Nam.
Năm nay kỷ niệm 30 năm, các thánh thánh tử đạo Việt Nam được tuyên phong Hiển Thánh. Chúng ta phải nhớ đến lịch sử đau thương nhưng hùng hồn của cha ông chúng ta. Vì sống theo những giá trị của Tin Mừng mà cha ông ta đã đổ máu mình ra để làm chứng cho đức tin. Chúng ta biết, vào thời đó, chúng ta chịu ảnh hưởng của tư tưởng Nho giáo “Trọng Nam Khinh Nữ”, “Nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô”, với ý nghĩa là “một con trai thì là có, nhưng mười con gái vẫn là không có. Vua chúa thì hàng ngàn thê thiếp, quan lại thì năm thê bảy thiếp. Ngược lại người Công Giáo lại xem Nam – Nữ bình quyền. Tôn trọng sự sống con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Hôn nhân một vợ một chồng và bất khả phân ly. Những giá trị ấy đã làm cho vua quan căm nghét và muốn loại bỏ tôn giáo của chúng ta. Nhưng khi bách hại người Công Giáo, thì vua quan lại lấy những cớ khác. Và việc bách hại đạo cũng như những giả dối vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay. Nhưng người Công Giáo được Thánh Thần Chúa ở cùng, không thể sống khác được, không được thỏa hiệp với thế gian.
Kết thúc bài giảng, Đức Cha Micae mời gọi cộng đoàn tín hữu hãy sống sứ mạng Kitô hữu của mình như các Tông đồ xưa là: ra đi làm chứng về Thầy Giêsu cho đến tận cùng bờ cõi trái đất. Người Kitô hữu không được phép khép kín, ở lại trong sự an toàn của mình, nhưng luôn lên đường đến các vùng ngoại vi để rao giảng về Chúa cho lương dân, để sống các giá trị Tin Mừng trong thế giới và xã hội đầy dẫy những bất công, gian dối hôm nay.
GNsP