Trong một thông điệp gởi đến các thành viên tham dự Đại hội quốc tế các nhà độc chất pháp y lần thứ 60, được tổ chức tại Rôma từ ngày 27 đến 31 tháng 8 năm 2023, Đức Phanxicô cảnh giác trước sự thành công của “các loại thuốc kích thích thần kinh mới” trong giới trẻ, ngài xin các nhà khoa học “cúi xuống để vực dậy và làm sống lại những người đã rơi vào cảnh nô lệ ma túy này”.
Trong một thông điệp dài, ngài lấy làm tiếc về sự gia tăng hiện nay của việc tiêu thụ ma túy và thuốc tâm thần, nhất là ở thanh thiếu niên và giới trẻ, đặc biệt việc mua bán dễ dàng qua “các thị trường kỹ thuật số của web đen”. Ngài giải thích: “Việc tìm đến các chất này là do tình trạng bất ổn của một số thanh niên, thôi thúc họ đi tìm những trải nghiệm mới, do họ có nhu cầu muốn bắt kịp cái mới, mong muốn khám phá những điều chưa biết hoặc cố gắng đẩy lui nỗi sợ khi cảm thấy mình bị bỏ rơi, xem đây là cách để giao lưu với bạn bè.”
“Niềm hy vọng viển vông của một người choáng váng muốn xoa dịu sự mệt mỏi của cuộc sống”
Đức Phanxicô đặc biệt quan tâm đến sự xuất hiện các chất kích thích thần kinh mới, những loại ma túy tổng hợp được làm từ những loại ma túy cổ điển rất khó phát hiện và hiện đang bành trướng. Ngài cũng lên án việc phổ biến rộng rãi các chất kích thích trong giới thể thao, một dấu hiệu của “loại văn hóa hiệu quả và năng suất, không cho phép ngần ngại và thất bại”.
Theo ngài, “nhu cầu có vẻ như phải luôn đáp ứng với những mong đợi thể hiện với thế giới bên ngoài qua hình ảnh mạnh mẽ và thành công của mình, và đó là trở ngại không thể vượt qua khi con người cần phải phát triển toàn diện”. Đối diện với những lo lắng của thế giới này khơi ra, ma túy mang đến “niềm hy vọng viển vông về một loại thuốc gây choáng váng có thể làm giảm bớt mệt mỏi của cuộc sống”.
Ngài khẳng định: “Đằng sau mỗi cơn nghiện ẩn chứa những trải nghiệm cụ thể, những câu chuyện về nỗi cô đơn, bất bình đẳng, bị loại trừ” và khi đối diện với chúng, chúng ta không được thờ ơ, Đức Phanxicô mời gọi chúng ta “cúi xuống để nâng đỡ và làm sống lại những người rơi vào cảnh nô lệ ma túy”.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch