Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp định giữa Tòa Thánh và Peru, tại Lima, vào ngày 19/7/1980, Đức Tổng Giám mục Paul Richard Gallagher, Ngoại trưởng Tòa Thánh đã có bài phát biểu tái khẳng định mục đích, đường lối và hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh: Tòa Thánh được kêu gọi hành động để tạo điều kiện cho sự chung sống giữa các quốc gia khác nhau, để thúc đẩy tình huynh đệ giữa các dân tộc, nơi thuật ngữ tình huynh đệ đồng nghĩa với sự cộng tác hiệu quả, hợp tác thực sự, hòa hợp và có trật tự, với tình liên đới được thiết lập vì lợi ích của tập thể và của cá nhân.
Một nền ngoại giao ủng hộ hòa bình dựa trên công lý
Trước hết, Đức Tổng Giám mục đề cập đến bài phát biểu của Đức Thánh Cha liên quan đến lĩnh vực ngoại giao trong chuyến tông du đến Hàn Quốc năm 2014. Đức Thánh Cha đã định nghĩa: “Ngoại giao là một nghệ thuật của những điều có thể, dựa trên niềm tin chắc chắn và kiên trì rằng hòa bình có thể đạt được qua đối thoại và lắng nghe cẩn thận và thận trọng, thay vì đả kích, chỉ trích vô ích và thể hiện sức mạnh của các bên”.
Ngoại trưởng Tòa Thánh nói tiếp: “Và theo cái nhìn của Kitô giáo, hòa bình là một ‘hồng ân quý giá của Thiên Chúa’ và ‘trách nhiệm của mỗi người và của xã hội là phải tìm kiếm hòa bình một cách tận tình và tích cực’. Và nếu hòa bình là hồng ân nhưng không của Đấng Sáng Tạo, thì con người phải có trách nhiệm đối với hồng ân này. Như những người nam và những người nữ sống cuộc hành hương trên mặt đất này, chúng ta cũng có trách nhiệm xây dựng hòa bình. Điều này có nghĩa là nếu chỉ khao khát hòa bình và có ý hướng hòa bình thôi thì chưa đủ. Cần phải có hành động cụ thể và nhất quán, hành động có mục tiêu và trên hết cần ý thức rằng mọi người, trong thế giới lớn hay nhỏ hàng ngày của mình, đều là những ‘người xây dựng hòa bình’ (Mt 5, 6), ngay cả trong những công việc, bổn phận và chức năng khác nhau”.
Hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh không bằng lòng với việc quan sát các sự kiện hoặc đánh giá ý nghĩa của chúng, cũng như không thể chỉ là một tiếng nói phê phán của lương tâm, thường “đơn độc”. Tòa Thánh được kêu gọi hành động để tạo điều kiện cho sự chung sống giữa các quốc gia khác nhau, để thúc đẩy tình huynh đệ giữa các dân tộc, nơi thuật ngữ tình huynh đệ đồng nghĩa với sự cộng tác hiệu quả, hợp tác thực sự, hòa hợp và có trật tự, với tình liên đới được thiết lập vì lợi ích của tập thể và của cá nhân.
Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu Tòa Thánh hành động trên trường quốc tế không phải để đảm bảo an ninh chung, với khó khăn hơn bao giờ hết trong giai đoạn bất ổn dai dẳng và xung đột rõ rệt này, nhưng để hỗ trợ một ý tưởng hòa bình là thành quả của quan hệ công bằng, nghĩa là tôn trọng các nguyên tắc quốc tế, bảo vệ các quyền cơ bản của con người, bắt đầu từ những người thấp nhất, dễ bị tổn thương nhất.
Hòa bình như Thánh Phaolô VI đã nói trong Hiến Chế Mục Vụ-Gaudium et Spes, không chỉ phát sinh từ “việc không có chiến tranh do sự cân bằng lực lượng bấp bênh”. Một quan điểm mà trong thời điểm đó đã vượt qua một niềm tin truyền thống về các quan hệ quốc tế, được thiết lập gần như một điều tất nhiên về sự luân phiên giữa hòa bình và chiến tranh.
Do đó, rõ ràng, chức năng ngoại giao của Giáo hội là một công cụ hiệp thông liên kết Đức Giáo hoàng với các Giám mục và với các Giáo hội địa phương, cũng là con đường đặc biệt mà qua đó Đức Giáo Hoàng có thể tiếp cận một cách cụ thể các “vùng ngoại vi” tinh thần và vật chất của nhân loại.
Đức Tổng Giám mục chỉ rõ và nói thêm: “Như thế, việc khuyến khích cái gọi là ‘văn hóa đối thoại và gặp gỡ’ như Đức Thánh Cha Phanxicô định nghĩa, là một trong những điểm căn bản hoạt động ngoại giao của Tòa Thánh trong suốt lịch sử gần đây. Mặt khác, việc thúc đẩy hòa bình phải là trọng tâm của mọi hoạt động ngoại giao đích thực”.
Ngoại trưởng Tòa Thánh nhắc lại rằng mạng lưới ngoại giao của Tòa Thánh có quan hệ song phương với 183 Quốc gia. Tòa thánh cũng duy trì các mối quan hệ đa phương ổn định với nhiều tổ chức liên chính phủ khác, có thẩm quyền trong các lĩnh vực khác nhau, trong đó cơ cấu quản trị quốc tế được thể hiện rõ ràng, như Liên minh châu Âu.
Ngăn chặn xung đột, nhưng cũng hoạt động trong giai đoạn sau chiến tranh
Theo Đức Tổng Giám mục Gallagher, “ý tưởng về hòa bình của Tòa Thánh không chỉ dừng lại ở điều mà các quốc gia thể hiện trong luật quốc tế hiện nay. Hoạt động vì hòa bình không chỉ có nghĩa là thiết lập một hệ thống an ninh quốc tế và tôn trọng các nghĩa vụ. Cũng cần phải ngăn chặn những nguyên nhân có thể làm bùng phát xung đột chiến tranh, cũng như loại bỏ những hoàn cảnh văn hóa, xã hội, sắc tộc và tôn giáo có thể khơi lại những cuộc chiến đẫm máu vừa kết thúc. Vì điều này, Đức Thánh Cha yêu cầu chúng tôi hành động ủng hộ sự hòa giải giữa các Bên: các quốc gia, các tổ chức không phải là các quốc gia, các nhóm nổi dậy hoặc các nhóm chiến binh khác. Hiển nhiên, vấn đề không chỉ liên quan đến trách nhiệm của cá nhân hay tập thể, mà còn liên quan đến hệ thống các quy tắc quản trị thế giới nói chung.”
Theo nghĩa này, luật quốc tế “phải tiếp tục trang bị cho mình các thể chế pháp lý và công cụ quản lý có khả năng quản lý các xung đột đã kết thúc hoặc các tình huống mà các nỗ lực ngoại giao buộc các loại vũ khí phải im lặng”.
Về vấn đề này, Tòa Thánh muốn trở thành một động lực cho các thành viên khác của Cộng đồng quốc tế, để họ tìm được một hình thức tốt cho họ về một quyền sau chiến tranh, được cải tiến và thay đổi đối với truyền thống, vốn chỉ giới hạn trong việc thiết lập mối quan hệ giữa những người chiến thắng và những người thua. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rất rõ ràng: “Khi tôi nghe từ ‘chiến thắng’ hoặc ‘thất bại’ tôi cảm thấy một nỗi đau lớn, một nỗi buồn lớn trong tâm hồn. Đây là những từ không đúng; từ đúng nhất là ‘hòa bình’. Đây là từ đúng nhất.”
Ngoại trưởng Tòa Thánh dành một điểm quan trọng trong bài tham luận nói về giai đoạn hậu chiến: “Nhiệm vụ sau xung đột không chỉ giới hạn ở việc sắp xếp lại các vùng lãnh thổ, công nhận các chủ quyền mới hoặc đã thay đổi, hoặc thậm chí đảm bảo sự cân bằng mới đạt được bằng lực lượng vũ trang. Đúng hơn, nó phải chỉ rõ chiều kích hòa bình của nhân loại, loại bỏ mọi lý do có thể làm tổn hại đến điều kiện sống của những người đã trải qua những điều khủng khiếp của chiến tranh và giờ đây đang chờ đợi và hy vọng, theo công lý, cho một tương lai khác. Được diễn đạt sang ngôn ngữ ngoại giao, điều này có nghĩa là ưu tiên sức mạnh của luật pháp hơn việc áp đặt vũ khí, đảm bảo công lý ngay cả trước tính hợp pháp”.
Phá vỡ các cơ chế dửng dưng
Sau đó, Đức Tổng Giám mục Gallagher tố cáo “thái độ dửng dưng lan tràn” không chỉ liên quan đến những nơi xảy ra xung đột và chiến tranh, có lẽ là xa xôi về mặt địa lý: Ngày nay, nó cũng đặt câu hỏi cho tất cả chúng ta, dù muốn hay không, tiếp cận với cuộc sống hàng ngày của chúng ta bởi một làn sóng tin tức và thông tin liên tục, kết nối chúng ta với phần còn lại của thế giới và cho chúng ta thấy những đám đông của những người đau khổ, vô gia cư, nạn nhân của chiến tranh buộc phải di cư, những người nản lòng, những người bị mất việc làm và những người dễ bị tổn thương nhất”.
Đức Tổng Giám mục cho biết ngài tin rằng, hơn bao giờ hết, ngày nay cần phải “phá vỡ các cơ chế của sự dửng dưng, phá vỡ lớp vỏ bảo vệ tính ích kỷ của chúng ta. Như thế hòa bình có thể trở thành những kinh nghiệm cụ thể trong cuộc sống”.
Tóm lại, ngày nay, hơn bao giờ hết, nhu cầu cấp thiết về một con đường mới cho hòa bình, nó không thể được cấu trúc như một bài tập đơn giản, mà phải tiến hành một “chương trình nghị sự quốc tế” mang lại vị trí trung tâm cho con người và cho những người cụ thể đang hành động, đang đau khổ, có thể bày tỏ để đạt đến hòa bình. Mục tiêu này cũng đòi hỏi một hành trình nội tâm. Không dựa trên các yêu sách chính trị, nhưng là sự hoán cải của con tim, ngay cả trước các cơ cấu, và đặt chúng trước một tầm nhìn mới về thế giới, cam kết đưa ra những lựa chọn cụ thể đặt trọng tâm vào sự tồn tại thực sự của con người, hơn là vào cấu trúc lý thuyết của tư tưởng.
Dấn dân cho một sự hoán cải thực sự
Ngoại trưởng Tòa Thánh nhấn mạnh, con đường chính được Đức Thánh Cha Phanxicô chỉ ra, đó là cuộc chiến chống lại nghèo đói cả vật chất lẫn tinh thần, xây dựng hòa bình, trở thành những người xây dựng những cây cầu qua đối thoại. “Chúng cũng là ba điểm quy chiếu cho thấy một hành trình cá nhân, xã hội và toàn cầu mà Đức Thánh Cha đã mời gọi tất cả mọi người, từ những ngày đầu tiên ngài phục vụ với tư cách là Giám mục Roma”, Đức Tổng giám mục Gallagher nhắc lại và nói thêm rằng ngày nay Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục kêu gọi như thế, thậm chí còn hơn thế nữa. “Nó đòi hỏi chúng ta phải có rất nhiều can đảm và bỏ lại sau lưng chúng ta những điều thủ đắc cách dễ dàng, dấn thân vì một sự hoán cải đích thực của con tim, của các ưu tiên, lối sống, để mở lòng khi gặp gỡ người khác, ngay cả khi dường như chúng ta chưa biết họ đủ, hay những người từ các thế giới văn hóa và tôn giáo quá khác biệt hoặc nói những ngôn ngữ còn khác biệt hơn.
Ngoại trưởng Tòa Thánh kết luận: “Về nền tảng, ngoại giao của Tòa Thánh là một ngoại giao bước đi trên đường: một chặng đường dài, phức tạp và đầy khó khăn nhưng khả thể với sự giúp đỡ của Chúa, để thắng vượt sự dửng dưng của thời đại chúng ta và xây dựng một tương lai hoà bình cho toàn thể nhân loại”.
Ngọc Yến – Vatican News