Ngày 6/11/2022, trong cuộc họp báo trên chuyến bay từ Bahrain về Roma, Đức Thánh Cha cảnh giác các tín hữu Công giáo Đức về việc đánh mất ý nghĩa tôn giáo của dân tộc, mất ý nghĩa Công giáo khi sa vào các cuộc tranh luận. Ngài khuyến khích họ chú ý đến nguồn gốc đức tin của những người Công giáo bình dân, của những người ông bà của họ.
Nhà báo Ludwig Ring-Eifel của Trung tâm Thông tin Công giáo nhận xét rằng ở Bahrain có một Giáo hội nhỏ, một đoàn chiên nhỏ, một Giáo hội nghèo, với nhiều hạn chế, vv., nhưng là một Giáo hội sống động, tràn đầy hy vọng, đang phát triển. Ngược lại, ở Đức, chúng con có một Giáo hội lớn, với những truyền thống tuyệt vời; giàu có với thần học, tiền bạc và mọi thứ, nhưng mất đi ba trăm ngàn tín hữu mỗi năm, người thì ra đi, người thì đang rơi vào khủng hoảng sâu sắc. Nước Đức vĩ đại có thể học hỏi điều gì từ đàn chiên nhỏ ở Bahrain?
Một Giáo hội Công giáo
Trước hết Đức Thánh Cha nói với người Công giáo Đức rằng ngài muốn có một Giáo hội Công giáo, chứ không phải là một Giáo hội Tin Lành. Ngài nhận xét rằng đôi khi chúng ta đánh mất ý nghĩa về Giáo hội như là Dân trung thành và thánh thiện của Thiên Chúa. Chúng ta sa vào những cuộc thảo luận về luân lý, những cuộc thảo luận có kết quả thần học nhưng không phải là cốt lõi của thần học.
Dân Thánh của Thiên Chúa có nghĩa là gì? Đức Thánh Cha nói: “Hãy đến đó và tìm kiếm những gì Dân Chúa cảm nhận được, tính tôn giáo đơn giản mà các bạn tìm thấy ở ông bà. Tôi không nói đi lùi lại, không; nhưng hãy đi về cội nguồn cảm hứng, về cội nguồn.”
Nguồn gốc của tôn giáo là Chúa Giêsu Kitô
Đức Thánh Cha nhận xét: Khi chúng ta còn non yếu, chúng ta hứa hẹn nhiều điều. Nhưng khi trở nên vững mạnh, chúng ta sa vào những cuộc tranh luận. Nhưng chúng ta quên rằng nguồn gốc của tôn giáo chính là cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu hằng sống và từ Người chúng ta có được lòng can đảm của các tông đồ để đi đến những vùng ngoại biên, cả về luân lý, để giúp đỡ người dân.
Lời chia sẻ chân thành và cũng là lời cảnh giác của Đức Thánh Cha: “Nếu không có cuộc gặp gỡ với Chúa Giêsu Kitô, sẽ có một thứ luân lý giả dạng Kitô giáo.”
Hồng Thủy – Vatican News