Sáng thứ Hai 25/4, Đức Thánh Cha tiếp các tham dự viên tham gia Hội nghị “Liên đới Ba Ngôi Quốc tế”. Ngài khuyến khích các tu sĩ Dòng Ba Ngôi và những người có cùng chí hướng với Dòng, tiếp tục thực thi đoàn sủng của Dòng cho thế giới ngày nay vẫn còn rất nhiều nô lệ và tự do tôn giáo bị chà đạp.
Dòng Chúa Ba Ngôi do thánh Gioan Matha (1154-1213) thành lập cuối thế kỷ 12 và được Đức Giáo Hoàng Innocenzo III phê chuẩn năm 1198. Dòng hiện có khoảng 100 nhà với hơn 600 tu sĩ. Dòng dấn thân đem lại tự do cho những người bị áp bức, bị bắt làm nô lệ, các Kitô hữu bị bách hại.
Trong những ngày này, các thành viên của Dòng cùng với các tổ chức có cùng chí hướng và các Học việc và Giáo dân của Gia đình Ba Ngôi tổ chức Hội nghị, nhằm thảo luận và xác định mục tiêu trong tương lai các hoạt động mục vụ.
Lên tiếng trong buổi gặp gỡ, Đức Thánh Cha cám ơn các tham dự viên của Hội nghị và nói đoàn sủng bảo vệ tự do tôn giáo không theo cách lý thuyết, nhưng được thể hiện cụ thể trong việc chăm sóc những người bị bách hại và cầm tù vì đức tin.
Nhắc lại chứng tá của đấng sáng lập Dòng Chúa Ba Ngôi, Thánh Gioan Matha, Đức Thánh Cha nói: “Ngài được Chúa Kitô kêu gọi trao ban cuộc sống vì tự do của các nô lệ, cả các Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo. Thánh Gioan Matha không muốn làm điều này một mình, nhưng muốn có nhiều người dấn thân, vì vậy ngài đã sáng lập một Dòng tu, với một hình thức mới, một dòng hoạt động tông đồ trên thế giới”.
Đức Thánh Cha chỉ ra rằng, đoàn sủng của Dòng Chúa Ba Ngôi khởi nguồn từ sứ điệp trong bài giảng đầu tiên của Chúa Giêsu trong hội đường Nazareth. Chúa tuyên bố: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi […] để công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, […] trả lại tự do cho người bị áp bức” (Lc 4,18; x. Is 61, 1-2). Hoạt động này được tiếp nối trong sứ vụ của toàn Giáo hội, nhưng Dòng Ba Ngôi thi hành sứ vụ này theo đúng nghĩa của Lời Chúa, trả tự do cho người bị bắt làm nô lệ.
Ở điểm này, Đức Thánh Cha nhận xét rằng, ngày nay vẫn còn rất nhiều người, trong đó có cả trẻ em bị bắt làm nô lệ và phải sống trong những điều kiện vô nhân đạo. Và ở nhiều nơi, tự do tôn giáo bị chà đạp. Vì thế, ngài khuyến khích các tham dự viên của Hội nghị tiếp tục sứ vụ, và cộng tác với các tổ chức có cùng mục đích với mình. (CSR_1765_2022)
Ngọc Yến – Vatican News