Ăn và cung cấp thức ăn cho tha nhân là điều Chúa mời gọi chúng ta khi lãnh nhận Thánh Thể: đón nhận Người và chia sẻ Người với tha nhân.
Lúc 12 giờ trưa Chúa Nhật 19/6/2022, như thường lệ, Đức Thánh Cha đã chủ sự buổi đọc kinh Truyền Tin với khoảng 20 ngàn tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô.
Trước khi đọc kinh Đức Thánh Cha đã suy tư về bài Tin Mừng Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô. Trong phép lạ hoá bánh ra nhiều, Chúa Giêsu đã cho dân chúng ăn và được no thoả. Chúng ta có thể cảm nghiệm điều này trong Bí tích Thánh Thể: Chúa quan tâm yêu thương, không chỉ nuôi dưỡng chúng ta mà còn cho chúng ta được no thoả bởi sự hiện diện của Người. Ăn và cho tha nhân ăn là điều Chúa mời gọi chúng ta khi lãnh nhận Thánh Thể: đón nhận Người và chia sẻ Người với tha nhân.
Huấn dụ của Đức Thánh Cha
Ăn và được no thoả
Anh chị em thân mến, chào anh chị em và chúc Chúa Nhật tốt lành!
Hôm nay, ở Ý và các nước khác cử hành lễ trọng Mình và Máu Thánh Chúa Kitô. Được thiết lập trong Bữa Tiệc Ly, Bí tích Thánh Thể giống như điểm đến của một hành trình mà dọc theo đó Chúa Giêsu đã báo trước về Bí tích qua một số dấu chỉ, trên hết là việc hoá bánh ra nhiều, được thuật lại trong Tin Mừng Phụng vụ hôm nay (xem Lc 9,11b-17). Chúa Giêsu quan tâm đến đám đông đi theo Người để lắng nghe lời Người và để được giải thoát khỏi nhiều điều ác hại. Người cầm lấy năm cái bánh và hai con cá, dâng lời chúc tụng, bẻ ra, các môn đệ phân phát và “tất cả đều ăn no” (Lc 9,17). Trong Bí tích Thánh Thể, mọi người có thể cảm nghiệm được sự quan tâm yêu thương và cụ thể này của Chúa. Ai nhận lãnh Mình và Máu Chúa Kitô với đức tin thì không chỉ ăn, mà còn được no thoả. Ăn và được no thoả: đây là hai nhu cầu cơ bản, được thỏa mãn trong Bí tích Thánh Thể.
Chúa quan tâm đến hành trình trần thế của chúng ta
Thánh Luca viết, “Mọi người đã ăn”. Khi chiều tà, các môn đệ khuyên Chúa Giêsu nên giải tán đám đông để họ có thể đi kiếm thức ăn. Nhưng vị Tôn sư cũng muốn cung cấp điều này: Người muốn cho những ai đã nghe lời Người được ăn gì đó. Tuy nhiên, phép lạ hóa bánh và cá không diễn ra một cách ngoạn mục, mà hầu như bí mật, như trong tiệc cưới Cana: số bánh gia tăng khi truyền từ tay này sang tay khác. Và trong khi ăn, đám đông nhận ra rằng Chúa Giêsu lo liệu mọi thứ. Đây chính là Chúa hiện diện trong Bí tích Thánh Thể: Người kêu gọi chúng ta trở thành công dân của Nước Trời, nhưng đồng thời Người quan tâm đến cuộc hành trình mà chúng ta phải trải qua ở đây, trên trái đất này. Nếu tôi có ít thực phẩm trong túi, Chúa biết điều đó và chính Người sẽ lo liệu.
Chúng ta cần ăn và cho người khác ăn
Đôi khi có nguy cơ giới hạn Thánh Thể trong một chiều kích mơ hồ, xa cách, có thể là sáng rực và thơm ngát hương, nhưng khác xa với những khó khăn của đời thường. Trên thực tế, Chúa lưu tâm đến mọi nhu cầu của chúng ta, bắt đầu từ những nhu cầu cơ bản nhất. Và Người muốn làm gương cho các môn đệ khi nói: “Anh em hãy cho họ ăn” (câu 13), cho đám dân đã nghe Người giảng dạy cả ngày. Chúng ta có thể đánh giá việc tôn thờ Thánh Thể của chúng ta khi chúng ta chăm sóc tha nhân, như Chúa Giêsu đã làm. Xung quanh chúng ta có người đói tìm kiếm thức ăn, nhưng cả sự đồng hành; đói sự an ủi, tình bạn, sự hài hước và sự quan tâm, đói được loan báo Tin Mừng. Chúng ta tìm thấy điều này trong Bánh Thánh Thể: sự quan tâm của Chúa Kitô đối với nhu cầu của chúng ta và lời mời gọi làm điều tương tự cho những người xung quanh chúng ta. Chúng ta cần ăn và cho người khác ăn.
Được no thoả nhờ sự hiện diện của Chúa
Tuy nhiên, ngoài việc ăn, chúng ta không được quên việc được no thoả. Đám đông no thoả với thức ăn dồi dào, cũng như vui mừng và ngạc nhiên khi nhận được nó từ Chúa Giêsu! Chúng ta chắc chắn cần phải nuôi sống bản thân, nhưng cũng phải no thoả, nghĩa là, biết rằng sự nuôi dưỡng được ban cho chúng ta xuất phát từ tình yêu thương. Trong Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta tìm thấy sự hiện diện của Người, sự sống của Người được ban cho mỗi người chúng ta. Chúa không chỉ giúp chúng ta tiến bước, mà còn ban cho chúng ta chính Người: Người trở thành người bạn đồng hành cùng chúng ta, Người bước vào cuộc sống của chúng ta, thăm viếng chúng ta khi chúng ta đơn độc, ban lại cho chúng ta ý nghĩa và sự nhiệt thành. Điều này làm chúng ta no thoả, khi Chúa ban ý nghĩa cho cuộc sống, cho sự tăm tối nghi ngờ của chúng ta, nhưng Người nhìn thấy ý nghĩa và điều này làm chúng ta no thoả, ý nghĩa mà Chúa ban cho chúng ta, điều này cho chúng ta “nhiều hơn” điều mà tất cả chúng ta đang tìm kiếm: sự hiện diện của Chúa! Bởi vì trong sự hiện diện ấm áp của Người, cuộc sống của chúng ta thay đổi. Không có Chúa, mọi thứ sẽ thực sự u ám. Thờ lạy Mình và Máu Chúa Kitô, chúng ta hãy hết lòng cầu xin Người: “Lạy Chúa, xin ban cho con lương thực hằng ngày để tiến bước, và xin Chúa cho con được no thỏa bởi sự hiện diện của Ngài!”.
Xin Đức Trinh Nữ Maria dạy chúng ta biết tôn thờ Chúa Giêsu sống động trong Bí tích Thánh Thể và chia sẻ Người với các anh chị em của chúng ta.
27 tân chân phước tử đạo dòng Đaminh – biến cuộc sống thành của lễ tình yêu
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nhắc lại rằng thứ Bảy 18/6, tại Sevilla, Tây Ban Nha, Đức Hồng y Tổng trưởng Bộ Phong Thánh đã tuyên phong chân phước cho 27 vị tử đạo người Tây ban Nha thuộc dòng Đaminh. Tất cả đều bị giết vì sự thù hận đức tin trong cuộc bách hại tôn giáo xảy ra ở Tây Ban Nha trong bối cảnh cuộc nội chiến của thế kỷ trước. Đức Thánh Cha nói: “Chứng tá của họ về lòng trung thành với Chúa Kitô và sự tha thứ cho những kẻ giết họ chỉ cho chúng ta con đường nên thánh và khuyến khích chúng ta biến cuộc sống trở thành của lễ tình yêu cho Thiên Chúa và cho anh em của chúng ta.
Đừng quên người dân Myanmar
Sau đó Đức Thánh Cha nhớ đến người dân Myanmar đang chờ viện trợ nhân đạo và phải rời bỏ nhà cửa để trốn bạo lực. Ngài hiệp lời với các giám mục nước này “kêu gọi cộng đồng quốc tế đừng quên người dân Myanmar, để nhân phẩm và quyền sống của họ được tôn trọng, cũng như các nơi thờ phượng, bệnh viện và trường học.”
Đại hội gia đình thế giới lần thứ X
Đức Thánh Cha cũng nhắc rằng ngày 22/6 tới đây Đại hội gia đình thế giới lần thứ X sẽ khai mạc tại Roma cũng như tại các giáo phận trên thế giới. Ngài cảm ơn các giám mục, linh mục quản xứ và những người làm công tác mục vụ gia đình, những người đã triệu tập các gia đình tham gia những giây phút suy tư, cử hành và lễ hội. Ngài đặc biệt cám ơn các đôi vợ chồng và các gia đình, những người sẽ làm chứng cho tình yêu gia đình như một ơn gọi và con đường nên thánh.
Hôm nay tôi có thể làm gì cho dân tộc Ucraina?
Và Đức Thánh Cha không quên dân tộc Ucraina đang đau khổ vì chiến tranh. Ngài muốn mọi người tự hỏi: “hôm nay tôi có thể làm gì cho dân tộc Ucraina? Tôi có muốn làm không? Tôi có cố gắng hiểu không? Hôm nay tôi làm gì cho người dân Ucraina? Mỗi người hãy trả lời với lòng mình.”
Hồng Thủy – Vatican News