Trong lá thư đề ngày 17/8/2023, Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh đã thông báo cho Đức cha Pablo Virgilio David, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, về việc Đức Thánh Cha chấp thuận thiết lập thừa tác vụ phó tế vĩnh viễn tại Giáo hội Philippines, theo các quy tắc và tài liệu của Giáo hội.
Yêu cầu thiết lập chức phó tế vĩnh viễn tại Philippines đã được Đức cha Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines trình lên Đức Thánh Cha vào ngày 25/7/2023.
Theo nguồn tin từ Hội đồng Giám mục Philippines, Đức Tổng giám mục Socrates Buenaventura Villegas của Lingayen-Dagupan sẽ giám sát việc đào tạo các phó tế vĩnh viễn người Philippines trong tương lai, với sự đồng ý của Bộ Giáo sĩ.
Được Công đồng Vatican II khôi phục vào năm 1965, dưới hình thức phó tế vĩnh viễn, chức phó tế không còn chỉ là một bước trước khi được thụ phong linh mục, mà là một thừa tác vụ lâu dài, cũng dành cho những người nam đã lập gia đình.
Phổ biến ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc.
Ở Châu Á, giáo phận Hồng Kông là giáo phận tiên phong có các phó tế vĩnh viễn, từ năm 1997, và hiện có khoảng 30 người.
Theo dữ liệu từ Niên giám Thống kê của Tòa Thánh, trên toàn châu Á chỉ có 281 phó tế vĩnh viễn trong số hơn 48 ngàn vị hiện đang phục vụ, chủ yếu ở Bắc Mỹ, Châu Âu và Úc.
Tham gia vào 3 chiều kích tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô
Cha Amado L. Picardal, một nhà truyền giáo dòng Chúa Cứu Thế và cũng là một nhà thần học, nhận định việc thiết lập chức phó tế vĩnh viễn ở Philippines là một sự phát triển đáng hoan nghênh và được chờ đợi từ lâu. Cha nhận định: “Giống như thừa tác vụ của các Giám mục và linh mục, thừa tác vụ của các phó tế là tham gia vào sứ mạng tư tế, ngôn sứ và vương giả của Chúa Kitô. Đó là thừa tác vụ phụng vụ, thừa tác vụ Lời Chúa, thừa tác vụ bác ái và điều hành”.
Theo cha Picardal, cần giải thích để hiểu và thực hiện ba khía cạnh của thừa tác vụ phó tế vĩnh viễn trong bối cảnh của Philippines. Cha nói: “Điều quan trọng là phải thực hiện thừa tác vụ này đầy đủ để bao gồm cả ba khía cạnh nhằm phục vụ cộng đồng Kitô hữu của các giáo xứ và các cộng đồng Giáo hội cơ bản, để biến tầm nhìn về một Giáo hội hiệp hành thành hiện thực”. (Asia News 13/09/2023)
Hồng Thủy – Vatican News