Đức Thánh Cha trả lời phỏng vấn trên chuyến bay từ Canada về Roma

Tối thứ Sáu 29/7/2022, Đức Thánh Cha đã từ giã miền Iqaluit của Canada để trở về Roma sau chuyến viếng thăm kéo dài 6 ngày tại Canada. Như thường lệ, trên chuyến bay, Đức Thánh Cha đã trả lời một số câu hỏi của các ký giả tháp tùng trên chuyến bay.

Sau đây là một số câu hỏi được đặt ra và các câu trả lời của Đức Thánh Cha.

** Câu hỏi của Brittany HOBSON (THE CANADIAN PRESS)

Thưa Đức Thánh Cha, ngài thường nói rằng cần phải nói một cách rõ ràng, trung thực và mạnh dạn. Ngài biết rằng Ủy ban Sự thật và Hòa giải của Canada đã mô tả hệ thống trường học nội trú là ‘tội ác diệt chủng văn hóa’, và sau đó nó được sửa đổi thành tội ác diệt chủng. Những người nghe thấy lời xin lỗi của ngài trong tuần trước đã bày tỏ sự thất vọng của họ vì từ diệt chủng không được sử dụng. Ngài có sử dụng thuật ngữ đó để nói rằng các thành viên của Giáo hội đã tham gia vào tội ác diệt chủng không?

– Đúng thật là tôi không sử dụng từ này bởi vì nó không xuất hiện trong đầu tôi, nhưng tôi đã mô tả cuộc diệt chủng và cầu xin sự tha thứ, thứ lỗi cho hoạt động mang tính chất diệt chủng này. Ví dụ, tôi cũng lên án điều này: mang các trẻ em đi khỏi gia đình, thay đổi văn hóa, thay đổi não trạng, thay đổi truyền thống, thay đổi một chủng tộc, hãy nói theo cách đó, cả một nền văn hóa. Vâng, diệt chủng là một từ chuyên môn. Tôi không sử dụng nó vì nó không xuất hiện trong đầu tôi, nhưng tôi đã mô tả nó… Nó đúng, vâng, đó là diệt chủng. Tất cả quý vị có thể an tâm về điều này. Quý vị có thể thuật lại rằng tôi đã nói rằng đó là diệt chủng.

** Maria Valentina ALAZRAKI CRASTICH (TELEVISA)

Thưa Đức Giáo hoàng Phanxicô, chúng con giả định rằng chuyến đi Canada này cũng là một bài kiểm tra, một bài kiểm tra về sức khỏe của ngài, cho điều mà ngài đã gọi sáng nay là “những giới hạn về thể lý.” Vì vậy, chúng con muốn biết – sau tuần này, ngài có thể cho chúng con biết gì về những chuyến đi trong tương lai của ngài, ngài có muốn tiếp tục đi như thế này không, có chuyến đi nào mà ngài không thể thực hiện vì những giới hạn này hoặc ngài có nghĩ rằng phẫu thuật đầu gối có thể giải quyết tình trạng nhiều hơn và cho phép ngài đi tông du như trước đây không?

– Tôi không biết nữa, tôi không nghĩ mình có thể tiếp tục với tốc độ của những chuyến đi như trước. Tôi nghĩ rằng ở độ tuổi của tôi và với giới hạn này, tôi phải bớt cho mình một chút để có thể phục vụ Giáo hội. Nhưng, mặt khác, tôi cũng có thể nghĩ đến khả năng từ nhiệm. Với tất cả sự chân thành, đây không phải là một thảm họa, có thể thay đổi Giáo hoàng, có thể thay đổi, không có vấn đề gì! Nhưng tôi nghĩ mình phải hạn chế bản thân một chút với những gắng sức này. Phẫu thuật đầu gối đối với tôi không phải là một lựa chọn trong trường hợp của tôi. Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho biết là có, nhưng có toàn bộ vấn đề là gây mê. Mười tháng trước, tôi đã trải qua hơn sáu giờ gây mê, và vẫn còn ảnh hưởng. Đừng đùa, đừng giỡn với việc gây mê. Và đó là lý do tại sao tôi nghĩ rằng nó không hoàn toàn phù hợp. Tôi sẽ tiếp tục thực hiện các chuyến đi và gần gũi với mọi người, bởi vì tôi nghĩ rằng gần gũi là cách để phục vụ. Ngoài ra, tôi không có bất cứ điều gì khác để nói. Hãy hy vọng. Ở Mexico, không có chuyến thăm nào được dự đoán trước, phải không?

** Không, không … Con biết điều đó, vậy còn Kazakhstan thì sao? Và nếu ngài đến Kazakhstan, ngài không đến Ucraina luôn sao?

– Tôi đã nói rằng tôi muốn đến Ucraina. Bây giờ chúng ta hãy xem những gì tôi thấy khi tôi về nhà. Hiện tại, tôi muốn đến Kazakhstan. Đó là một cuộc hành trình nhẹ nhàng. Sẽ không có nhiều di chuyển. Có đại hội của các tôn giáo. Nhưng hiện tại, mọi thứ vẫn như vậy. Tôi cũng cần đến Nam Sudan, cũng như Congo, vì đó là chuyến đi với Đức Tổng Giám mục Canterbury và Giám mục của Giáo hội Scotland, vì ba chúng tôi đã tham gia ngày tĩnh tâm cách đây hai năm … Đi Congo, nhưng đó sẽ phải là năm sau, bởi vì mùa mưa. Chúng ta sẽ phải xem … Tôi có tất cả thiện ý, nhưng hãy xem chân của tôi nói gì.

** Severina Elisabeth Bartonitschek (CIC)

Hôm qua, ngài cũng đã nói về tình huynh đệ của Giáo hội, một cộng đồng biết cách lắng nghe và tham gia đối thoại, thăng tiến chất lượng tốt của các mối quan hệ. Nhưng cách đây vài ngày, Tòa Thánh đã đưa ra một tuyên bố về Con đường Công nghị của Đức, một văn bản không có chữ ký. Thưa Đức Thánh Cha, ngài có nghĩ rằng cách giao tiếp này góp phần hay là một trở ngại cho cuộc đối thoại?

– Trước hết, tuyên bố đó được đưa ra bởi Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh … nó là một sai lỗi khi không nói điều đó … Tôi nghĩ nó nói [đó là] tuyên bố của Phủ Quốc vụ khanh Toà Thánh nhưng tôi không chắc. Đó là một sai lỗi khi không ký tên Phủ Quốc vụ khanh, nhưng là một lỗi hành chính, không phải do ý xấu. Và liên quan đến Con đường Công nghị, tôi đã viết một lá thư. Chính tôi đã làm điều đó: một tháng cầu nguyện, suy tư, tham khảo ý kiến. Và tôi đã nói tất cả những gì tôi phải nói về Con đường Công nghị. Tôi sẽ không nói nhiều hơn thế, bức thư mà tôi đã viết cách đây hai năm là Giáo huấn của Giáo Hoàng về Con đường Công nghị. Tôi đã bỏ qua Curia, vì tôi không tiến hành tham vấn [ở Curia], không có gì cả. Tôi đã thực hiện nó như một cuộc hành trình của chính mình, với tư cách là một mục tử [nhân danh] một Giáo hội đang tìm kiếm con đường, như một người anh em, một người cha và một tín đồ. Và đó là thông điệp của tôi. Tôi biết rằng nó không dễ dàng, nhưng mọi thứ đều nằm trong lá thư đó. Cảm ơn chị.

** Claire Giangrave (RELIGION NEWS SERVICE)

Thưa Đức Thánh Cha, nhiều người Công giáo, nhưng cũng có nhiều nhà thần học, cho rằng cần có sự phát triển trong học thuyết của Giáo hội về việc ngừa thai. Có vẻ như ngay cả người tiền nhiệm của ngài, Đức Gioan Phaolô I, cũng nghĩ rằng có lẽ cần phải xem xét lại một lệnh cấm hoàn toàn. Ngài nghĩ gì về điều này, theo nghĩa: Ngài có cởi mở để đánh giá lại về vấn đề này không? Hoặc có tồn tại khả năng cho một cặp vợ chồng xem xét các biện pháp tránh thai không?

– Đây là một điều rất hợp thời. Nhưng quý vị nên biết rằng tín lý, luân lý, luôn luôn trên con đường phát triển, nhưng luôn luôn phát triển cùng một hướng. Để sử dụng điều gì đó rõ ràng, tôi nghĩ rằng tôi đã nói điều đó nhiều lần khác ở đây: đối với sự phát triển thần học của một vấn đề luân lý hoặc tín lý, có một quy tắc rất rõ ràng và sáng tỏ. Đó là điều thánh Vinh-sơn của Lerins đã làm trong thế kỷ X. Ngài nói rằng học thuyết chân chính, để tiến lên, phát triển, không được yên lặng, nó phát triển ut annis consolidetur, dilatetur tempore, sublimetur aetate. Có nghĩa là, nó được củng cố theo thời gian, nó mở rộng và củng cố, và luôn trở nên vững chắc hơn, nhưng luôn luôn tiến triển. Đó là lý do tại sao nhiệm vụ của thần học gia là nghiên cứu, suy tư thần học, bạn không thể làm thần học với chữ “không” trước mặt. Rồi chính Huấn quyền nói không, bạn đã đi quá xa rồi, hãy quay lại, nhưng sự phát triển thần học phải cởi mở, đó là điều mà các nhà thần học hướng tới. Và Huấn Quyền phải giúp hiểu rõ các giới hạn.

Về vấn đề ngừa thai, tôi biết có một công bố về vấn đề này và các vấn đề hôn nhân khác: Đây là những Quyết định của một đại hội, và trong một đại hội, có những giả thuyết, sau đó họ thảo luận với nhau và đưa ra đề xuất. Chúng ta phải hiểu rõ ràng: những người tham gia đại hội này đã làm đúng bổn phận của họ, bởi vì họ đã tìm cách phát triển trong giáo lý, nhưng theo nghĩa Giáo hội, chứ không phải ra khỏi nó, như tôi đã nói với quy tắc đó của Thánh Vinh-sơn của Lerins. Sau đó, Huấn quyền sẽ nói, nó tốt hoặc không tốt. Nhiều điều theo quy tắc này. Ví dụ, hãy nghĩ về vũ khí nguyên tử: gần đây tôi chính thức tuyên bố rằng việc sử dụng và sở hữu vũ khí nguyên tử là trái đạo đức. Hãy suy nghĩ về án tử hình: ngày nay, tôi có thể nói rằng chúng ta đã gần đến sự vô luân ở đó, bởi vì lương tâm đạo đức chưa được phát triển tốt. Nói rõ hơn: nó không có vấn đề khi tín lý hoặc luân lý phát triển, nhưng theo hướng đó, với ba quy tắc của Thánh Vinh-sơn Lerins.

Tôi nghĩ điều này rất rõ ràng: một Giáo hội không phát triển tư duy của mình theo nghĩa giáo hội, là một Giáo hội đang đi lùi. Đây là vấn đề ngày nay, và của nhiều người tự cho mình là truyền thống. Không, không, họ không phải là truyền thống, họ là những người hướng về quá khứ, đi lùi, không có cội nguồn – nó luôn được thực hiện theo cách đó, đó là cách nó đã được thực hiện vào thế kỷ trước. Và nhìn lại phía sau là một tội lỗi vì nó không tiến bộ với Giáo hội. Truyền thống, thay vào đó, ai đó đã nói (tôi nghĩ tôi đã nói điều đó trong một trong những bài phát biểu), truyền thống là đức tin sống của những người đã chết. Ngược lại, đối với những người đang ngoái lại phía sau, những người tự gọi mình là người theo chủ nghĩa truyền thống, đó là đức tin chết của người sống. Truyền thống thực sự là gốc rễ, là nguồn cảm hứng để tiến lên trong Giáo hội, và điều này luôn luôn theo chiều dọc. Và nhìn về phía sau là đi lùi, nó luôn luôn đóng cửa. Cần hiểu rõ vai trò của truyền thống, điều luôn cởi mở, như gốc rễ của cây, và cây lớn lên… Một nhạc sĩ đã dùng một câu rất hay. Gustav Mahler đã từng nói rằng truyền thống theo nghĩa này, là sự đảm bảo cho tương lai, nó không phải là một tác phẩm bảo tàng. Nếu bạn quan niệm truyền thống là khép kín, đó không phải là truyền thống Kitô giáo … luôn luôn là nhựa của gốc rễ đưa bạn tiến lên phía trước, tiến lên phía trước. Vì vậy, vì lý do đó, liên quan đến những gì bạn đang nói, suy nghĩ và đưa đức tin và luân lý tiến bước, miễn là nó đi theo hướng của gốc rễ, của nhựa cây, thì được. Với ba quy tắc này của Thánh Vinh-sơn Lerins mà tôi đã đề cập.

** Eva Fernandez (Cadena Cope)

Thưa Đức Thánh Cha, vào cuối tháng 8, có một Công nghị. Mới đây, nhiều người hỏi ngài rằng ngài đã nghĩ đến việc từ chức chưa. Đừng lo lắng, chúng con sẽ không hỏi ngài điều đó lần này. Nhưng chúng con rất tò mò, ngài đã bao giờ nghĩ xem ngài muốn người kế nhiệm của mình có những đặc điểm gì chưa?

– Đây là công việc của Chúa Thánh Thần, chị biết không? Tôi sẽ không bao giờ dám nghĩ [về điều đó] … Chúa Thánh Thần biết cách làm điều này tốt hơn tôi, tốt hơn tất cả chúng ta. Bởi vì Người truyền cảm hứng cho các quyết định của Đức Giáo Hoàng, Người luôn truyền cảm hứng. Bởi vì Người đang sống trong Giáo hội. Giáo hội không thể được hình thành nếu không có Chúa Thánh Thần, Người là Đấng tạo ra sự khác biệt, Người cũng tạo ra tiếng ồn ào – hãy nghĩ đến buổi sáng của Lễ Ngũ tuần – và sau đó, Người tạo ra sự hòa hợp. Điều quan trọng là phải nói về “sự hòa hợp”, chứ không phải là “sự thống nhất.” Thống nhất, được, nhưng hài hòa, không phải là một thứ cố định. Chúa Thánh Linh ban cho bạn một sự hòa hợp tiến bộ, tiến bước. Tôi thích những gì Thánh Basiliô nói về Chúa Thánh Thần: Người là sự hòa hợp. Vì vậy, chúng ta hãy để công việc này cho Chúa Thánh Thần.

Về việc từ chức của tôi, tôi muốn nói rằng tôi biết ơn về bài báo hay mà một người trong số quý vị đã viết [bao gồm] tất cả các dấu hiệu có thể dẫn đến từ chức, và tất cả những dấu hiệu đang xuất hiện. Đây là công việc được thực hiện tốt bởi một nhà báo, người cuối cùng đưa ra ý kiến, nhưng [người đồng thời] đi tìm kiếm tất cả các tín hiệu, không chỉ các tuyên bố, với ngôn ngữ tinh tế mà [tuy nhiên] cũng đưa ra các dấu hiệu. Biết cách đọc các dấu hiệu hoặc ít nhất là cố gắng giải thích một dấu hiệu này từ dấu hiệu khác, đó là một công việc được thực hiện tốt và tôi cảm ơn quý vị vì điều đó.

Vatican News