Hình ảnh một nữ tu cao niên người Miến Điện lao ra đường với nét mặt đau khổ đầm đìa nước mắt, đang giơ hai tay như cố ngăn chặn một cuộc xung đột đẫm máu có thể xảy ra ngay trước mắt giữa hai bên, một bên là nhóm cảnh sát vũ trang và bên kia là những người dân đang hừng hực khí thế trong cuộc biểu tình bất tuân dân sự, phản đối việc các tướng lĩnh đảo chánh chính quyền dân sự vào ngày đầu tháng 2/ 2021 do bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo, sau cuộc bầu cử ở Miến Điện hồi tháng 11/ 2020, vì họ cho rằng đã có gian lận trong cuộc bầu cử đó.
Một tấm hình khác, vị nữ tu đó đang quỳ trước hàng cảnh sát được trang bị bằng đủ loại vũ khí chống bạo động, hai tay bà chắp lại như cố van xin những người này nghĩ lại, khoan nhượng để máu đừng chảy, để mạng sống không bị giết chết, để cái ác không lan rộng và sản sinh ra sự thù hận trong lòng con người.
Những ai nhìn thấy hai bức hình này đều xúc động và ngưỡng mộ sự can đảm và tấm lòng vị tha của vị nữ tu ấy. Nhưng có không ít người đàm tiếu, gièm pha hành vi của vị nữ tu ấy là dại dột, là liều lĩnh vô ích khi lao mình vào hiểm nguy, giữa cảnh sát vũ trang và đám đông phản kháng đang có nguy cơ xung đột, có thể dẫn đến bạo động, đổ máu và chết chóc. Há chẳng phải Đức Giêsu đã dạy: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa” ?
Ai cũng có kinh nghiệm để ngăn chặn sự dữ, việc dừng lại ở hành vi, là điều có thể nhìn thấy thì chưa đủ, bởi nguồn gốc của hành vi thì ở trong cõi lòng con người. Trước khi giết ai đó, người ta đã loại trừ kẻ ấy ở trong lòng mình rồi.
Đàng khác, khi ứng dụng luật công bằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, luật này tuy không phải là luật báo thù như vẫn thường được nghĩ, mà là luật ngăn cản khuynh hướng báo thù, bắt kẻ gây hại phải trả nhiều hơn những gì nó đã làm, nhưng vẫn không thể loại bỏ sự hận thù và ý muốn báo thù vốn có ở trong lòng con người.
Như vậy câu: “Đừng chống lại kẻ dữ” không bao hàm ý nghĩa tiêu cực là nhu nhược, cam chịu, hèn kém, mà phải hướng suy nghĩ và hành vi vào một luật khác, đúng với ý Thiên Chúa hơn là Sự Thiện, để cho Sự Thiện chi phối, hướng dẫn.
Đó là cách Đức Giêsu vừa hoàn tất lề luật Cựu ước, vừa tiêu trừ sự dữ trong cuộc sống con người và xoá bỏ sự hận thù trong cõi lòng người ta. Đó là “sự điên rồ của lòng mến”. Vì chỉ có lòng yêu mến mới có khả năng ngăn chặn sức mạnh huỷ diệt của sự dữ, hoá giải cường bạo, điều mà lề luật không thể thực hiện.
Vị nữ tu kia đã chứng minh những lời của Đức Giêsu, thoạt nhìn thấy khó hiểu và khó áp dụng, nhưng đó chính là nguồn sức mạnh đã giúp cho bà làm được những điều mọi người không thể làm, đã giúp cho mọi người thấy được điều họ cố làm ngơ, đã giúp cho mọi người hiểu được giá trị cao cả của hành vi “xông ra” giữa cuộc đối đầu với nguy cơ đẫm máu chết chóc, đã khiến cho mọi người phải cúi nhìn vào tư thế “quỳ” – khiêm tốn như một “bông lúa biết cúi đầu.”
Thánh Phao lô có dạy: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác.” (Rm 12,21)
Lm, Giuse Ngô Văn Kha, DCCT
(Ảnh: đài truyền hình Kachin)