Thái Hà (04.02.2016) – GNsP – Tòa án Long An hoãn phiên tòa phúc thẩm trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn có thể được xem là một bước thắng lợi của các Luật sư tham gia bảo vệ quyền lợi cho Tuấn, bởi lẽ, Tòa buộc phải chấp nhận quan điểm của các Luật sư: không triệu tập những người có quyền và nghĩa vụ liên quan trong vụ án như nhân chứng, người bị hại, cha mẹ Tuấn, không có chứng cứ kết tội… đặc biệt Tòa vi phạm Luật khi phân công chủ tọa phiên tòa có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng đến ‘tính công minh’ và xâm phạm ‘nguyên tắc vô tội’ của trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn chưa bị Tòa án kết tội bằng bản án có hiệu lực, nhưng ông thẩm phán này lại có những lời phát biểu trên báo chí rằng trẻ em Tuấn có tội.
Tòa cấp phúc thẩm vi phạm nghiêm trọng đến ‘tính công minh’ và xâm phạm ‘nguyên tắc vô tội’
Ông Thẩm phán, Phó Chánh án Tòa tỉnh Long An Lê Quang Hùng được chỉ định làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm (ngày 01.02.2016) của trẻ em Tuấn. Thế nhưng, sau khi phiên tòa sơ thẩm (24.11.2015) của trẻ em Tuấn kết thúc, ông Hùng đã phát biểu trên báo Pháp Luật rằng, phiên tòa sơ thẩm ‘xử đúng người, đúng tội’. Nguyên tắc: “không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9 BLTTHS) đã bị ông Hùng xâm phạm trắng trợn.
Bởi vì, trẻ em Tuấn đang kháng cáo bản án sơ thẩm vì tòa sơ thẩm xử không ‘trung thực, chính xác, khách quan, vô tư’, có dấu hiệu vi phạm thủ tục tố tụng hình sự như LS Nguyễn Văn Miếng, một trong những LS tham gia bào chữa cho trẻ em Tuấn từng khẳng định với GNsP: Bản Giám định pháp y không tuân thủ ‘trình tự, thủ tục’ Bộ luật TTHS, Luật Giám định Tư pháp, vi phạm những nguyên tắc ‘thực hiện giám định tư pháp; Tòa cấp sơ thẩm không triệu tập người bị hại; Tòa từ chối triệu tập hai giám định viên là hai nhân chứng quan trọng trong vụ án… Vậy nhưng, Tòa cấp phúc thẩm chưa xem xét theo luật định ông chủ tọa phiên tòa là thẩm phán Lê Quang Hùng đã định kiến trẻ em Tuấn đã ‘cố ý gây thương tích’ cho người bị hại –công an viên Nguyễn Văn Thủy.
Trong khi đó, ‘xác định sự thật của vụ án’ thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng được quy định tại Điều 10 BLTTHS: “Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.”
Phó Chánh án Tòa tỉnh Long An, Thẩm phán Lê Quang Hùng ngồi ở giữa
Tòa cấp phúc thẩm ‘vô trách nhiệm’
Không những thế, ông Phó Chánh án Tòa tỉnh Long An Lê Quang Hùng ‘vô trách nhiệm’, ông phải có nhiệm vụ ‘nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa’ (Điều 39 BLTTHS) nhưng ông lại trả lời vớiVTC về những lý do hoãn phiên tòa phúc thẩm trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn một cách thờ ơ rằng: “Thể theo ý kiến của các luật sư đưa ra đề nghị triệu tập thêm người như bị hại và cha mẹ bị cáo, kể cả những người trong hội đồng giám định thương tích, tôi thấy điều này cũng xác đáng, cần thiết nên HĐXX đã họp bàn và thống nhất tạm hoãn phiên tòa.” Ông Hùng nói tiếp: “Ngày 26/11/2015 tôi có phát biểu ý kiến trên báo Pháp luật TPHCM. Tuy nhiên, khi đó tôi với vai trò phát ngôn viên của cơ quan pháp luật. Tôi chỉ phát biểu theo trình tự thủ tục tố tụng, có đúng hay sai thôi, còn nội dung xử bao nhiêu tháng, bao nhiêu năm thì khi đó HĐXX vận dụng theo pháp luật. Luật sư lo rằng tôi có phát biểu trên mặt báo đã nêu quan điểm rồi nên tôi xét xử không khách quan. Nếu nói vậy thì không đúng, hồ sơ cấp dưới xét xử sơ thẩm, tôi đâu có liên quan gì đâu.” Ông Hùng nói rằng “…hồ sơ cấp dưới xét xử sơ thẩm, tôi đâu có liên quan gì đâu”, vậy thì ông lấy căn cứ nào để ông phán rằng tòa cấp sơ thẩm ‘xử đúng người, đúng tội’?
Những ‘án oan’ trong tương lai
Một chi tiết khác ngoài vụ án này nhưng cũng khá quan trọng cho thấy Tòa án Long An đã xem thường công luận, khi phân công thẩm phán Lê Quang Hùng làm chủ tọa phiên tòa phúc thẩm trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn. Bởi vì ông thẩm phán Hùng là người đã trực tiếp xét xử sơ thẩm tuyên án tử hình anh Hồ Duy Hải, sống ở Long An. Và, ông Hùng cũng là người buộc phải ký giấy ‘tạm hoãn thi hành án tử hình’ đối với anh Hồ Duy Hải bởi vì nghi vấn ‘án oan’. Hiện nay, gia đình tử tù Hồ Duy Hải vẫn đang kêu oan. Tuy nhiên, ông Hùng vẫn khẳng định Hải không oan, ông Phó Chánh án Tòa tỉnh Long An Hùng nói với báo chí: “…với chức trách, nhiệm vụ của mình đối với vụ án Bưu điện Cầu Voi, khi ông tuyên án tử hình Hồ Duy Hải ở cấp sơ thẩm, ông thấy mình đã làm đúng lương tâm, trách nhiệm… Đến nay thì bản án này vẫn đúng theo trình tự pháp luật”. Bất chấp những căn cứ của các LS và của Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội khẳng định vụ án anh Hồ Duy Hải “có đủ căn cứ kháng nghị giám đốc thẩm vụ án”.
Những dẫn chứng trên cho thấy, ông Phó Chánh án Tòa tỉnh Long An Lê Quang Hùng không ‘làm rõ sự thật khách quan của vụ án’, không ‘nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi mở phiên tòa’, kết tội công dân một cách hồ đồ khi Tòa chưa kết án, cũng như không thực sự lắng nghe các kiến nghị của 9 Luật sư (LS) tham gia bảo vệ pháp Luật cho trẻ em Tuấn đã gửi đến Tòa trước khi phiên tòa phúc thẩm diễn ra. Tuy nhiên không hiểu vì lý do gì mà Tòa án Long An vẫn phân công ông Hùng tham gia phiên tòa phúc thẩm xét xử trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn, để rồi phải hoãn phiên tòa theo như yêu cầu của các Luật sư. Tòa án Long An đã vi phạm nghiêm trọng BLTTHS khi ‘tổ chức công tác xét xử” được quy định tại Điều 38 BLTTHS. Điều này nói lên tính bất cập của nền tư pháp ở VN, khiến những người tham gia tố tụng và những người có liên quan vừa mất thời gian vừa tốn các chi phí không đáng có.
Có nên giam cầm một trẻ em?
Ngay sau khi hoãn phiên tòa phúc thẩm một ngày, 9 LS bảo vệ pháp luật cho trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn đã cấp tốc gửi đơn kiến nghị cho em Tuấn được tại ngoại về nhà ăn Tết. Đơn kiến nghị lần thứ ba này được gửi đến Tòa án Nhân dân tỉnh Long An, VKS Nhân dân tỉnh Long An.
Nguyên tắc giam cầm đối với người chưa thành niên phạm tội (nếu có) được quy định tại Điều 69 BLHS: “…chủ yếu nhằm giáo dục, giúp đỡ họ sửa chữa sai lầm, phát triển lành mạnh và trở thành công dân có ích cho xã hội. Trong mọi trường hợp điều tra, truy tố, xét xử hành vi phạm tội của người chưa thành niên, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải xác định khả năng nhận thức của họ về tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nguyên nhân và điều kiện gây ra tội phạm.”
Do đó, trong đơn kiến nghị lần ba, 9 LS nêu rõ: “Kiến nghị (lần 3) thay đổi biện pháp ngăn chặn, cho tại ngoại đối với bị cáo Nguyễn Mai Trung Tuấn vì lý do nhân đạo, việc tạm giam không cần thiết. Đặc biệt quá trình điều tra, truy tố và xét xử vừa qua có nhiều dấu hiệu vi phạm tố tụng nghiêm trọng, thể hiện trong việc áp dụng hình phạt không đúng quy định và kết luận tỷ lệ thương tật của nạn nhân sai quy định, không phù hợp với dấu hiệu thương tật, có thể dẫn đến oan sai.”
Cái tết xa nhà cho cả một gia đình
Phẫn nộ chính sách thu hồi đất và bồi thường một cách rẻ mạt của nhà cầm quyền, gia đình bà Mai Thị Kim Hương [mẹ của Nguyễn Mai Trung Tuấn] và bà Phùng Thị Ly đã đi khiếu kiện ròng rã bắt đầu từ năm 2009 đến các cấp có thẩm quyền, nhưng không có một hồi đáp thỏa đáng nào dành cho họ. Đỉnh điểm của vụ việc xảy ra vào ngày 14.04.2015, khi nhà cầm quyền huyện Thạnh Hóa đem lực lượng công quyền đến cưỡng chế đất của hai gia đình này (cưỡng chế đất lần thứ ba). Thấy sự bất công, oan khiên mà cả hai gia đình bà Hương và bà Ly gánh chịu, nên họ hàng đã đồng hành ‘bảo vệ’ mảnh đất của hai gia đình. Còn Tuấn cũng tham gia phản kháng lại chuyện bất công này. Nhiều người đã bị bắt trong đó có Tuấn, sau đó Tuấn được bà ngoại và cậu bảo lãnh về nhà. Tuấn sống tại Bình Thuận và kiếm sống bằng nghề chăn vịt. Đến tháng 8.2015, Tuấn bị bắt lại theo lệnh truy nã.
Trong phiên tòa sơ thẩm vào ngày 24.11.2015 vừa qua, Tòa án Long An tuyên trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn 4 năm 6 tháng tù giam với tội danh ‘cố ý gây thương tích’. Trong một vụ án khác cùng liên quan đến vụ việc của gia đình, mẹ Tuấn là bà Mai Thị Kim Hương bị tòa tuyên 3 năm 6 tháng tù giam, bố Tuấn là ông Nguyễn Trung Can bị tòa tuyên 3 năm tù giam. Cả hai ông bà đều bị quy kết vào tội danh ‘chống người thi hành công vụ’ và ‘cố ý gây thương tích’.
“Trong khi đó, những người chủ mưu trong vụ án này –cứ cho là bố mẹ của Tuấn- thì người cao nhất là 3 năm 6 tháng tù giam, nhưng một đứa bé như Tuấn lại bị kết án 4 năm 6 tháng tù giam. Điều này vi phạm pháp luật vì pháp luật quy định chỉ tuyên án nặng đối với người chủ mưu.Riêng em Tuấn còn được pháp luật bảo vệ là người chưa vị thành niên nên được pháp luật xem xét ở mức án thấp nhất và chỉ bắt buộc vào tù khi không còn biện pháp nào khác.” LS Miếng bình luận.
Hiện nay, gia đình ông bà chỉ còn đứa con gái nhỏ 14 tuổi sống bơ vơ một mình, cũng không còn nhà để ở mà phải sống nương nhờ người dì ruột. Bé Thảo Vy, 14 tuổi, em gái Tuấn, chia sẻ: “Tết năm nay ở nhà không có bố mẹ và anh hai buồn lắm nên năm nay em dự định không đón tết vì nhà em không có ai hết. Em hy vọng anh hai sẽ được về đón tết với em vì anh hai không có tội, còn bố mẹ thì khó lắm vì bố mẹ có khung hình phạt rõ ràng rồi. Nếu anh hai không được về nhà thì em nghĩ anh hai đón tết một mình trong trại giam sẽ buồn lắm vì nhiều người lạ và thiếu thốn tình cảm nữa. Em mong muốn bố mẹ và anh hai em được thả tự do, chính quyền thực hiện nhân quyền và thả hết các Tù nhân lương tâm.”
Tết của một gia đình dân oan khi cả cha lẫn mẹ và anh hai đang ở trong tù. Bé Thảo Vy ước mong anh hai –trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn- được tại ngoại về ăn tết với em.
Tết nào dành cho trẻ em Nguyễn Mai Trung Tuấn và em gái nhỏ của Tuấn?
LS Nguyễn Văn Miếng đã từng nói với GNsP “bào chữa cho em Tuấn không phạm tội là hướng bào chữa của các LS trước tòa”. Các LS luôn khẳng định trẻ em Tuấn vô tội, không phạm tội ‘cố ý gây thương tích’, nhưng Giám định pháp y với tỷ lệ thương tích 35% cho người bị hại đã cố ý ‘đẩy’ em Tuấn vào tù. Tòa hoãn phiên tòa thì chắc chắn sau tết phiên tòa phúc thẩm mới được mở lại bởi vì chưa đầy 3 ngày nữa các cơ quan bảo vệ pháp luật nghỉ tết. Thêm một cái tết của một trẻ em phải xa gia đình ở trong trại giam ‘đón’ tết không được đầy đủ, trọn vẹn trong một mái ấm gia đình, họ hàng như các bạn đồng trang lứa. Khi phóng viên VTC đặt câu hỏi với ông Phó Chánh án Tòa tỉnh Long An Lê Quang Hùng rằng: “đứng góc độ nhân văn, bị cáo Tuấn có được cho tại ngoại, ăn Tết và đi học trở lại?”, ông Hùng lạnh lùng trả lời: “Bị cáo Tuấn đang bị giam giữ, muốn gì phải thẩm tra lại, mức độ nào, có tội hay không, đặc biệt là tuổi vị thành niên, quy định thế nào đều căn cứ vào luật pháp.”
LS Miếng chua xót: “Nếu như trẻ em Tuấn không được tại ngoại về quê ăn tết cùng với em gái, còn cha mẹ Tuấn đang bị giam cầm thì điều này sẽ vi phạm đến quyền của trẻ em và quyền con người nói chung”.
Cũng một trường hợp tương tự khác mà GNsP đã thông tin ‘thêm một cái Tết xa mẹ của cô bé dân oan 12 tuổi’, trẻ em Ngô Thị Cẩm Hiếu cũng phải đón tết một mình khi mẹ em đang bị giam tù, còn cha me vì mưu sinh và miếng cơm manh áo mà phải xa nhà!
Chắc chắn các nhân viên công quyền đều có con thậm chí có những người có con đi học xa nhà hoặc lập gia đình ở nơi xa, nếu như con của các vị không về quê quây quần, sum vầy đón tết bên ông bà cha mẹ bởi vì một lý do nào đó thì tết ấy còn ý nghĩa gì khi ‘con vắng nhà’?
Huyền Trang, GNsP. Nguồn tinmungchonguoingheo.com