Nhằm có được đường hướng mục vụ cụ thể dành cho các tín hữu trong thời đại dịch, các Giám mục Bỉ đã lập một bảng các câu hỏi gửi đến các tín hữu. Kết quả đa số các tín hữu cho rằng cuộc khủng hoảng này tỏ lộ những điểm mạnh và điểm yếu không chỉ của Giáo hội mà còn của xã hội.
Các Giám mục viết cho các tín hữu: “Chúng tôi mời gọi các tín hữu và cộng đoàn tiếp tục hy vọng vào lời cầu nguyện, sự phân định và sáng tạo. Đồng thời rút ra những bài học từ trải nghiệm đại dịch, để mọi nỗ lực đã thực hiện không trở nên vô ích, nhưng truyền cảm hứng cho những cách sống mới của người tín hữu”.
Hội đồng Giám mục cũng đã công bố tài liệu “Chúng ta hãy cố gắng trở thành những kháng thể chống lại virus thờ ơ”, để chia sẻ những suy tư của những người đã tham gia cuộc khảo sát và để khuyến khích các tín hữu đối diện với đại dịch và hậu quả của nó.
Nghiên cứu cho thấy nhiều tín hữu coi cuộc khủng hoảng này như “một kairos-một thời điểm của sự thật” tỏ lộ những điểm mạnh và điểm yếu không chỉ của Giáo hội mà còn của xã hội. Từ các câu trả lời, các Giám mục thấy rõ được những thảm kịch về cá nhân, xã hội, kinh tế và tinh thần của các tín hữu đã trải qua trong những tháng gần đây. Các tín hữu nhận thức rằng hàng ngàn người trên khắp thế giới cũng đang phải trải qua những thời khắc khó khăn như họ, đồng thời họ cũng thấy được lòng can đảm của những người đã đặt mình phục vụ người khác, chứng kiến vô số các sáng kiến cụ thể, những nhu cầu của đời sống tinh thần, tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông và mạng xã hội, đối với các cuộc tiếp xúc giữa các cá nhân và các cử hành, nhưng cũng có nguy cơ phân mảnh.
Các câu trả lời cho thấy nhiều cách nhìn khác nhau: có người cho rằng ưu tiên của Giáo hội là phải khôi phục tất cả các cử hành phụng vụ, nhưng có người lại coi sự liên đới là điều cần thiết hướng tới những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi đại dịch; hoặc có người người cho rằng Giáo hội làm “quá ít”, nhưng có người thấy chứng tá hoa trái của sự sáng tạo của các tín hữu, cộng đoàn và tổ chức. Với thực trạng này, các Giám mục cho rằng “những chiều kích khác nhau của đời sống Kitô hữu, khác xa đối lập nhau, lại củng cố lẫn nhau”.
Các Giám mục cũng nhắc lại lời của Đức Thánh Cha trong cuốn sách “Chúng ta hãy quay trở lại với giấc mơ”: Nếu chúng ta muốn bớt ích kỷ hơn khỏi cuộc khủng hoảng này, chúng ta phải để mình rung cảm trước nỗi đau khổ của người khác. (CSR_858_2021)
Ngọc Yến – Vatican News