Giáo hội Công giáo tại các nước Đông Nam Á: Indonesia, Singapore, Đông Timor và Papua New Guinea

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu chuyến tông du đến các nước Đông Nam Á là Indonesia, Papua New Guinea, Đông Timor và Singapore.

Chuyến đi kéo dài 11 ngày từ ngày 2 đến ngày 13 tháng 9. Đây sẽ là chuyến công du quốc tế dài nhất trong triều đại Giáo Hoàng của ngài.

Sau đây là một số thông tin về Giáo hội Công giáo tại các quốc gia trong chuyến tông du lần này của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

INDONESIA

Điểm dừng chân đầu tiên của Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ là Indonesia, nơi có cộng đồng người Hồi giáo đông nhất thế giới. 229 triệu người Hồi giáo của đất nước này chiếm hơn 12% dân số người Hồi giáo trên toàn cầu. Hầu như tất cả người Hồi giáo ở Indonesia đều theo dòng Sunni.

Đức Hồng y Ignatius Suharyo của Jakarta cho biết, Đức Giáo Hoàng sẽ đến thăm Indonesia từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9.

“Từng người Công giáo trên khắp Indonesia muốn bắt tay Đức Giáo Hoàng, nhưng chúng ta đều biết điều đó là không thể”, Đức Hồng Y Suharyo nói trong một video thông báo về chuyến thăm.

Hơn 29 triệu Kitô hữu đang sinh sống tại Indonesia, trong đó có 7 triệu người Công giáo. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã đến thăm đất nước này vào năm 1970 và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến Indonesia vào năm 1989.

“Hy vọng với chuyến thăm này, người Công giáo Indonesia sẽ can đảm hơn trong việc lên tiếng cho sự thật và trở thành tấm gương cho những người theo các tôn giáo khác về đời sống tôn giáo thực sự, cụ thể là tình yêu thương trên hết, như Đức Giáo Hoàng luôn nhấn mạnh”, Đức Hồng y người Indonesia nói với UCA News.

PAPUA NEW GUINEA

Đức Giáo Hoàng Phanxicô là vị Giáo Hoàng thứ hai đến thăm Singapore, Đông Timor và Papua New Guinea sau Đức Gioan Phaolô II.

Đức Phanxicô sẽ thăm các thành phố Port Moresby và Vanimo ở Papua New Guinea từ ngày 6 đến ngày 9 tháng 9.

Papua New Guinea là một quốc gia có gần 9 triệu người ở nửa phía đông của đảo New Guinea. Phía còn lại của hòn đảo là hai tỉnh của Indonesia. Papua New Guinea là một quốc gia có sự đa dạng văn hóa đáng kể, bao gồm hàng trăm nhóm dân tộc bản địa trên đảo với 851 ngôn ngữ bản địa được nói ở quốc gia này.

Hầu hết công dân Papua New Guinea đều là Kitô hữu, trong đó có 26% dân số thuộc Giáo hội Công giáo.

ĐÔNG TIMOR

Điểm dừng chân tiếp theo của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong chuyến công du Đông Nam Á sẽ là Dili, Thủ đô của Đông Timor, từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 9.

Đông Timor là một quốc gia nhỏ trên đảo Timor. Quốc gia này giành được độc lập từ Indonesia vào năm 1999, sau nhiều thập kỷ xung đột đẫm máu khi khu vực này đấu tranh giành chủ quyền quốc gia.

Hơn 97% dân số 1 triệu người của Đông Timor là Công giáo. Đây là một trong số ít quốc gia có đa số người theo Công giáo ở Đông Nam Á.

Vào năm 1996, một giám mục Công giáo của Đông Timor, Giám mục Carlos Filipe Ximenes Belo, đã nhận Giải Nobel Hòa bình cùng với Tổng thống thứ hai của đất nước, Jose Manuel Ramos-Horta vì những nỗ lực của ngài nhằm đạt được một kết thúc hòa bình và công bằng cho cuộc chiến ở đất nước này.

SINGAPORE

Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ kết thúc chuyến tông du bằng chuyến thăm đảo quốc Singapore từ ngày 11 đến 13 tháng 9.

Singapore có GDP bình quân đầu người cao nhất Châu Á và mật độ dân số cao thứ hai trên thế giới. Tổng Giáo phận Singapore có khoảng 395.000 tín hữu. Cử hành  Thánh lễ chủ yếu bằng tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Tamil cũng như các ngôn ngữ khác từ Đông Nam Á.

Theo điều tra dân số năm 2020, gần 75% dân số Singapore là người Hoa, 13% dân số là người Mã Lai và 9% là người Ấn Độ.

Báo cáo Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ nêu, trong số người Ấn Độ ở Singapore, 57,3% theo đạo Hindu, 23,4% theo đạo Hồi và 12,6% là Kitô giáo. Dân số người Hoa bao gồm Phật tử (40,4%), Kitô giáo (21,6%), Đạo giáo (11,6%) và 25,7% không theo tôn giáo nào.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô từ lâu đã bày tỏ mong muốn đến thăm Indonesia và các quốc đảo lân cận khác ở Đông Nam Á. Một chuyến đi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến Indonesia, Papua New Guinea và Đông Timor đã bị hủy vào năm 2020 do đại dịch COVID-19.

 Courtney Mares, CNA