Cuộc điều tra của AsiaNews về tình hình của Giáo hội tại Trung Quốc gần 2 năm sau khi thỏa thuận giữa Trung Quốc và Tòa Thánh tiếp tục. Những lời chứng mà chúng tôi trình bày hôm nay, nói về các nhà thờ bị đóng cửa, các Thánh lễ bị cản trở, các khóa Giáo lý bị hủy bỏ, các Thánh giá bị tháo dỡ, các ấn phẩm cho các cộng đồng hầm trú và chính thức bị kiểm duyệt. Sự đàn áp của chính phủ không chỉ ảnh hưởng đến người Công giáo, mà tất cả các tôn giáo.
Sau Thỏa thuận Trung-Vatican, được ký kết cách đây 2 năm trước, tình hình của Giáo hội hầm trú “ngày càng nghiêm trọng”: các nhà thờ đã bị đóng cửa, các Thánh lễ bị cản trở tại các nhà riêng, các khóa học Giáo lý đã bị hủy bỏ. Nhưng thậm chí ngay cả đối với Giáo hội chính thức, Giáo hội được chính phủ công nhận, các giới hạn bị áp đặt và các biện pháp kiểm soát được áp dụng: các Thánh giá bị tháo dỡ, các ấn phẩm bị kiểm duyệt, các khóa Giáo lý bị hủy bỏ. Trên đây là những chia sẻ trong hai lời chứng mà chúng tôi trình bày hôm nay, từ một giáo dân tên Paul, ở miền nam Trung Quốc, và Linh mục Giovanni, đến từ phía bắc. Những lời chứng hôm nay (phần ba trong một loạt các cuộc điều tra: Phần I, Phần II), có một đặc điểm đặc biệt: chúng thể thể hiện sự quan tâm đối với cả hai nhánh của Giáo hội, chính thức và không chính thức, do đó, đáp lại thông điệp của Đức Giáo hoàng Phanxicô trên đà tiến tới sự hòa hợp của các cộng đồng Kitô giáo. Linh mục Giovanni cũng cho thấy sự đàn áp không chỉ liên quan đến các Kitô hữu, mà tất cả các cộng đồng của tất cả các tôn giáo ở Trung Quốc, đồng thời khẳng định rằng tự do tôn giáo là điều tốt đẹp đối với toàn xã hội và nó không thể là vấn đề “thuộc về tôn giáo” chỉ quan tâm đến nhóm của bạn. Những lời chứng này cũng cho thấy chính sách đàn áp của chính phủ Trung Quốc khác nhau như thế nào ở một số khu vực. Paul, chẳng hạn, chia sẻ rằng trong Giáo phận của anh, không hề có sự cấm đoán nào đối với trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi đi tham dự Thánh lễ; Cha Giovanni khẳng định rằng trong các nghi lễ bổ nhiệm Giám mục không còn bất cứ sự đề cập nào đến “Giáo hội độc lập”. Nhưng cũng đúng là trong nhiều Giáo phận, việc công nhận Giám mục và Linh mục chỉ diễn ra thông qua việc tham gia “Giáo hội độc lập“.
Paul, miền nam Trung Quốc
Sau khi ký kết Thỏa thuận Trung-Vatican, tình hình của Giáo hội hầm trú ngày càng trở nên nghiêm trọng, các địa điểm cầu nguyện của Giáo xứ đều đã bị đóng cửa, việc cử hành Thánh lễ công khai không còn được phép, các Linh mục không thể làm gì ngoài việc cử hành Thánh lễ riêng tư tại tư gia của một số tín hữu, mà không thông báo cho quá nhiều tín hữu tham dự. Mặc dù vậy, ngay cả các Thánh lễ bí mật cũng thường bị các quan chức địa phương cản trở, chưa kể các khóa học Giáo lý.
Và tình hình không khác gì với Giáo hội chính thức mà tôi là một thành viên. Các Giám mục và Linh mục hiếm khi thảo luận về mối quan hệ Trung-Vatican trước công chúng vì họ tin rằng nó không liên quan gì đến anh chị em tín hữu. Ý kiến của họ đối với Thỏa thuận là khá tích cực, ngay cả khi, trong thâm tâm, họ biết rõ rằng bằng cách này hay cách khác, chính phủ đang nhắm mục tiêu vào vấn đề tự do tôn giáo, nhưng họ không thể nói rõ ràng. Ở đây, trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi có thể vào nhà thờ, thậm chí không bắt buộc phải treo các khẩu hiệu thể hiện “lòng yêu mến đối với quê hương đất nước và đảng”.
Linh mục Giovanni, Bắc Trung Quốc
Thỏa thuận có những mặt tích cực, nhưng chắc chắn không thể giải quyết tất cả các vấn đề chúng tôi đang gặp phải. Giấy chứng nhận nhân viên tôn giáo được các cơ quan hành chính công nhận, nhắc đến các Linh mục. Nó được kiểm tra bởi Văn phòng các vấn đề tôn giáo, bên trên có dấu của Ủy ban các vấn đề tôn giáo của tỉnh và của Giáo phận đó. Điều này không liên quan gì đến Hiệp hội Yêu nước.
Tuy nhiên, những hạn chế của các chính sách tôn giáo hiện tại mang tính khách quan.
Những hạn chế không chỉ liên quan đến Giáo hội Công giáo, mà tất cả các tôn giáo. Chẳng hạn, có 40 nhà thờ Hồi giáo trong Giáo phận của chúng tôi, mà từ đó biểu tượng trăng lưỡi liềm và mái vòm đã bị dỡ bỏ. Tất cả các Thánh giá từ các nhà thờ Tin lành của một quận đã bị tháo dỡ, trong khi chỉ có Thánh giá của một nhà thờ Công giáo mới được xây dựng đã bị gỡ bỏ.
Giáo hội hầm trú ở nhiều nơi đã trở thành chính thức: chỉ cần đăng ký đơn giản với các cơ quan hành chính, thừa nhận rằng bạn là một người thuộc tôn giáo.
Việc hạn chế tự do tôn giáo là một xu hướng chung: các khóa học Giáo lý của Giáo phận của chúng tôi cũng đã bị đình chỉ. Tất cả các cuốn sách phải có số sê-ri, nếu không chúng không thể được xuất bản và việc bán các vật phẩm thánh trong các nhà sách Giáo xứ không được phép.
Cái gọi là “sự biến đổi của Giáo hội hầm trú” luôn là chính sách của các cơ quan hành chính, nó không liên quan gì đến việc ký kết Thỏa thuận. Nói chung, mọi người đều cảm thấy áp lực, không chỉ riêng Giáo hội hầm trú.
Theo tôi, những mặt tích cực của Thỏa thuận như sau: trước hết, với việc ký kết Thỏa thuận, sứ vụ của một số Giám mục không chính thức đã được công nhận. Gần 2 năm sau khi thỏa thuận được ký kết, không bên nào mong muốn các Giám mục bất hợp pháp, vì vậy cả hai bên đang tích cực giải quyết vấn đề này. Khía cạnh thứ hai: trong lễ tấn phong Giám mục và trong tuyên bố bổ nhiệm Giám mục, thuật ngữ “Giáo hội Trung Quốc độc lập” đã được xóa bỏ.
Minh Tuệ (theo Asia News)