Hàng chục ngàn người dự lễ tại Trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, Bình Thuận

Thái Hà (14.10.2015) – Sáng thứ Ba 13/10 vừa qua, đã có hàng chục ngàn người đổ về trung tâm hành hương Tàpao (Bình Thuận), để tham dự thánh lễ kỷ niệm ngày Đức Mẹ hiện ra lần cuối ở Fatima, Bồ Đào Nha. Thông tin do trang mạng Giáo phận Phan Thiết cung cấp.

Chia sẻ trong thánh lễ, Đức cha chủ tế Giuse Vũ Duy Thống đã cầu nguyện cho mỗi gia đình biết sống lời “Xin Vâng” như Đức Maria. Lời “Xin Vâng” chân thành, khiêm tốn và hiến dâng.

Đồng tế trong thánh lễ còn có 90 linh mục trong và ngoài giáo phận.

21510472453_7dc6771c62_z

21944552749_f5f6762353_z

Trước đó hôm thứ Hai 12/10, có đêm diễn nguyện Kinh Mân Côi, nhằm giúp các khách hành hương sốt sắng lần chuỗi. Kết hợp với đó là giờ Chầu Thánh Thể có sự tham gia của Đức cha Giuse.

Mở đầu trong thánh lễ hôm 13/10, Đức Cha Giuse ngỏ lời: “Hôm nay kỷ niệm 98 năm Đức Mẹ hiện ra lần cuối tại Fatima với ba huấn lệnh nổi tiếng: canh tân đời sống, siêng năng lần hạt và tôn sùng yêu mến trái tim Mẹ.”

“Mỗi dịp hành hương 13/10, chúng ta lập lại những huấn lệnh ấy và đồng thời cũng khấn xin Đức Mẹ bảo trợ cho đời sống mỗi người gặp được nhiều điều bình an khi thực hiện những huấn lệnh này.”

Tiếp đến trong phần giảng lễ, Đức cha Giuse suy niệm lời “Xin Vâng” của Đức Mẹ qua ba ý nghĩa.

Bài Phúc Âm “Sứ Thần Truyền Tin” kể lại một điệp khúc sâu lắng và quan trọng trong lịch sử cứu rỗi, đó cũng là ca khúc mà cộng đoàn hành hương vẫn thường hát lên “Này tôi là tôi tớ Chúa tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền”.

Lời “Xin Vâng” là lời chân thành. Khi nói lời xin vâng Đức Maria xuất hiện như một thiếu nữ Sion hoàn toàn tự do trước ý định của Thiên Chúa. Danh xưng Gabriel có nghĩa là “sức mạnh của Thiên Chúa” chẳng những không gây áp lực, không tác động đến sự tự do của Đức Maria, mà còn làm tăng tinh thần về sự tự do của Mẹ được phát huy và nâng đỡ. Sứ thần chào Mẹ: “Mừng vui lên, hỡi Đấng được sủng ái, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Lời này gợi lại những sấm ngôn xa xưa của Sôphônia hay Giacaria. Sứ điệp truyền tin với các động từ: thụ thai, sinh hạ con trai và đặt tên con trẻ là như vọng lại sấm ngôn Isaia chương 7 về Đấng Mêsia càng làm cho sự tự do của Đức Maria được minh bạch hơn nữa. Chính vì tôn trọng sự tự do của thiếu nữ Sion này mà Thiên Chúa mới cử Sứ thần từ trời xuống đối thoại. Và cuộc truyền tin đã diễn ra như một cuộc điều đình để chỉ khi nhận được sự ưng thuận của Đức Maria, Sứ thần mới cáo biệt ra đi. Trên hết qua lời xin vâng, ta thấy sáng tỏ lên thái độ chân thành thể hiện qua sự sẵn sàng đáp ứng, sẵn sàng mở lòng đón nhận tình thương Thiên Chúa, để quyền năng Thiên Chúa hoạt động. Thiếu đi thái độ này, chắc sẽ không có lời xin vâng, và chắc mầu nhiệm Nhập Thể sẽ không nên giống như đức tin của Giáo Hội Công Giáo chúng ta hôm nay.

21508594624_482a5d9fe2_z

22131853215_a205deafe4_z

21508940184_fa9d30d48b_z

Lời “Xin Vâng” là lời khiêm tốn. Nếu như với sự sẵn sàng, chân thành đáp lời thì khi nhận mình là tôi tớ, Đức Mẹ khiêm tốn xác định thân phận mình chỉ là nữ tỳ thấp hèn trong tương quan với Thiên Chúa. Khi Đức Maria nhận mình là nữ tỳ của Chúa, là lập lại một niềm tin truyền thống là mọi người mọi vật đều thuộc quyền sở hữu của Chúa. Tôi tớ tùy thuộc vào chủ, tôi tớ phục vụ ý muốn của chủ. Chính khi Đức Maria nhận mình là tôi tớ thì lạ lùng làm sao, Thiên Chúa lại biểu tỏ Ngài là Đấng giàu lòng thương xót luôn cúi xuống với người bé mọn và sẵn sàng tuyển chọn chính người bé mọn ấy lên làm Mẹ của Con Ngài. Làm Mẹ sinh ra Đấng cứu đời.

Lời “Xin Vâng” là lời hiến dâng. Lời xin vâng âm vang suốt cuộc đời Mẹ. Đức Maria trung thành đảm nhận trọn vẹn lời ấy trong suốt quá trình cuộc sống. Từ lúc vui mừng nhất của đêm Giáng sinh cho đến phút giây sầu buồn nhất của chiều tử nạn. Chính với lời xin vâng này mà Đức Mẹ được gọi là Trinh nữ hiến dâng.

Hôm nay thành tâm quy tụ về trung tâm Thánh Mẫu Tàpao, mọi người ai cũng muốn theo gương và cậy trông vào Đức Maria sống lời xin vâng.

Đức cha cũng nhắc đến đề tài gia đình đang được Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới lần thứ 14 tại Rôma thảo luận trong tuần thứ hai. Cầu nguyện cho mỗi gia đình biết sống lời “Xin Vâng” như Đức Maria. Ngài xướng điệp khúc bài ca “Xin Vâng, Mẹ dạy con hai tiếng xin vâng” cộng đoàn hòa chung lời ca với trọn tâm tình muốn sống “Xin Vâng’ như Mẹ.

Cuối thánh lễ, Đức cha Giuse làm phép nước và ảnh tượng.

Tổng hợp từ bài viết của Linh mục Giuse Nguyễn Hữu An, trên trang mạng của Giáo phận Phan Thiết. Ảnh: Truyền thông Giáo phận Phan Thiết.

22119176512_a00a0a03c8_z

22131235625_64cb66eb99_z

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.