Trên thế giới, hiện có hơn 6.000 nữ tu của gần 800 hội dòng, thuộc “Mạng lưới Talitha Kum” đang cộng tác trong các hoạt động phòng ngừa, giải cứu và đồng hành với các nạn nhân của nạn buôn người.
Các nữ tu hoạt động thông qua hơn 50 mạng lưới quốc gia được tạo thành từ các hội dòng hiện diện tại hơn 90 quốc gia trên năm lục địa. Chỉ riêng trong năm 2021 “Mạng lưới Talitha Kum” của các Nữ tu Công giáo đã đem lại những ích lợi cho gần 340.000 người. Trong số này, gần 260.000 người được hưởng những thiện ích từ các hoạt động phòng ngừa; khoảng 20.000 nạn nhân và người sống sót được hỗ trợ bởi “Mạng lưới Talitha Kum”; và khoảng 60.000 người tham gia vào các hoạt động kết nối, giáo dục và đào tạo của các nữ tu.
Riêng tại châu Á, trong năm 2021, “Talitha Kum châu Á” đã giải cứu 26.065 phụ nữ khỏi nạn buôn người. Nạn buôn người ở châu Á ngày càng trầm trọng hơn do tình hình kinh tế xã hội. Nhiều quốc gia châu Á phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế trầm trọng do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị, như Myanmar, Sri Lanka và Pakistan.
Theo Liên Hiệp Quốc, năm 2018 có gần 50.000 nạn nhân của nạn buôn người, một nửa trong số đó là nạn nhân của lạm dụng tình dục. 38% bị bóc lột lao động cưỡng bức. Đa số nạn nhân là phụ nữ, khoảng 46%, trong đó trẻ nữ gần 20%.
Năm nay, Liên Hiệp Quốc tập trung vào việc tố cáo đặc biệt việc lạm dụng công nghệ vì lợi ích của những kẻ buôn người và bóc lột, vốn ngày càng gia tăng do tình trạng xã hội bị cô lập bắt nguồn từ đại dịch.
Theo tổ chức quốc tế, “Internet và các nền tảng kỹ thuật số cung cấp cho những kẻ buôn người nhiều công cụ để tuyển dụng, khai thác và kiểm soát nạn nhân; tổ chức phương tiện đi lại và ăn ở; quảng cáo nạn nhân và tiếp cận khách hàng tiềm năng; cung cấp các con đường giao tiếp giữa các thủ phạm; và che giấu lợi nhuận phạm tội”.
Ngọc Yến – Vatican News