Mùa Chay hàng năm, không chỉ chăm chú vào chuyện ăn chay, kìm hãm sự nuông chiều những đòi hỏi vô độ của thân xác, thắng những cám dỗ của bản năng tự nhiên, của cái tôi hèn hạ và ích kỷ, được khêu gợi từ những ý tưởng của quỷ dữ và những kẻ theo nó, mà cần phải thấm nhuần tinh thần chay tịnh của Đức Giêsu và sống theo lời Người dạy, để canh tân bản thân, từ trong tinh thần, trong tâm hồn đến cuộc sống.
Xã hội đang ở trong tình trạng ảm đạm với nhiều biến cố đau thương, tội ác lan tràn, sự dữ đang thống trị và chưa có dấu hiệu suy yếu, những tiên tri giả xuất hiện lường gạt nhiều người, với chủ ý là hủy diệt đức tin vào Đức Giêsu, tương đối hóa chân lý Tin mừng, tương đối hóa tính nghiêm minh của Giáo luật, biến bí tích Giải tội, thay vì là cơ may của ân sủng để thay đổi hướng đi của cuộc đời, trở thành phương tiện “hóa giải” những tội ác, phủi bỏ cách vô trách nhiệm những hệ lụy của những lầm lỗi, đưa đến việc dập tắt lòng mến, và những đòi buộc của lòng mến trong tâm hồn người tín hữu, mà lòng mến là trung tâm của toàn thể Tin Mừng.
Mùa chay bắt đầu từ Lễ tro. Việc xức tro là hành vi thống hối công khai biểu lộ sự đau khổ, xấu hổ và hối hận vì đã phạm tội. Việc xức tro còn mang ý nghĩa khi chân thành nhìn vào thân phận làm người mong manh của mình, chỉ là bụi đất, và nếu Chúa không cứu chuộc, nếu không giữ được Ơn Cứu Chuộc của Chúa, thì vĩnh viễn trở về với bụi đất.
Mùa Chay 40 ngày là thời gian hoán cải, cho một hành trình tiến về Thiên Chúa. Một con đường gian nan với đầy thử thách nguy hiểm, với những cuộc chiến đấu với những cám dỗ, những tội lỗi và những phản kháng trong đời sống, để loại trừ những giải pháp nửa vời và mang tính xoa dịu, giảm nhẹ và lẫn lộn.
Mùa chay bắt mỗi người phải đối diện với chính mình, với đời sống mình để trả lời cho các câu hỏi: Cuộc sống này đưa ta đến đâu? Ai sẽ đưa ta đến? Ta đến một mình hay cùng với những người khác? Ba điều này gắn bó mật thiết với nhau, đến độ chỉ thiếu một, hai điều kia sẽ không trọn vẹn.
Đức Giêsu chỉ ra ba việc quan trọng của hành trình Mùa Chay, là cầu nguyện, bố thí, ăn chay, để từ bỏ những cái cũ, xấu và đổi mới bản thân cho tốt lành hơn, cho đúng với phẩm giá của người tín hữu.
1. Cầu nguyện, là tìm về và thiết lập mối tương quan thân thiết với Thiên Chúa, nguồn sống và đích điềm của cuộc đời, như Đức Giêsu đã thực hành hằng ngày, để tìm kiếm, để đối thoại và thi hành thánh ý.
2. Ăn chay, để tập tung tinh thần bước vào những trận chiến chống lại thế lực sự dữ trong những đam mê vui thú, sự tham lam vô độ và quyền lực, là ba ngẫu tượng luôn thống trị người ta. Việc ăn chay, là bước đầu của việc tự chủ và tiết chế trong việc ăn uống, nhờ đó chúng ta có sức mạnh để từ bỏ tính ích kỷ, cứng lòng, tham lam và các nết xấu khác. Khi giảm thiểu những nhu cầu, chỉ giữ lại những gì thiết yếu, chúng ta trở nên những người nghèo khó trong tâm hồn, cần đến Thiên Chúa và Lòng thương xót của Người.
3. Chia sẻ, nói lên tình yêu thương và sự liên đới qua việc chia sẻ của cải cho những người thiếu thốn, cũng để nói lên những giá trị thật của chúng: được ban cho, không sở hữu mãi, phó thác, diễn tả lòng biết ơn và tình yêu Chúa, đầu tư vào Nước Trời, tinh luyện mình khỏi sức mạnh của tiền bạc, và cơ hội nhận ra Đức Kitô cần trợ giúp, nơi những người anh em hèn mọn nhất.
Giáo Hội sống thời điểm ân phúc của 40 ngày chay thánh, như một cơ hội mới, theo sứ điệp mùa chay của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Vì sự ác lan tràn, tình yêu của nhiều người bị nguội lạnh” (Mt 24,12), để người tín hữu có thể tái khởi sự lòng yêu thương, để ”Ánh sáng Chúa Kitô phục sinh vinh hiển phá tan đóng đêm của tâm trí”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT