Họ là đội quân tuân hành phán quyết của quan Philato, điệu Đức Giêsu, Đấng vô tội, đi hành quyết cho thoả lòng người Do thái trong chiêu bài chính trị?
Họ là người lính đứng kề bên cây thập giá, lạnh lùng hướng mũi giáo của mình đâm thâu Trái Tim Chúa, để bảo đảm rằng Người đã chết hẳn?
Họ là những cha thầy Israel dưới dáng vẻ đạo mạo, mực thước, đang âm thầm tận hưởng cái khoái lạc đã tiêu diệt được “kẻ cuồng ngông” đã vạch trần bộ mặt đạo đức giả của họ, tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa, và vì cuối cùng, đã dẹp được chướng ngại cho những tham vọng quyền bính và địa vị của họ về tôn giáo?
Họ là đám đông ngu dốt để mình bị léo lái, dẫn dắt bởi những bậc vị vọng nhân danh đền thờ và lề luật đang reo hò trong cơn cuồng nộ trước việc đổ máu Người, mà trước đó, họ đã đặt tất cả hy vọng vào việc giải phóng dân tộc?
Họ là những môn đệ còn sót lại, can trường nhưng bất lực nhìn lên thập gía, đau đớn chứng kiến hành vi tàn ác cuối cùng người ta làm cho vị Thầy kính yêu, là đâm thấu Trái Tim Người?
Họ là những môn đệ được Người quy tụ trong ngày phục sinh, được cho thấy những vết thương trên thân thể, cả cạnh sườn đã mở ra bởi mũi giáo, và trở nên những chứng nhân anh dũng bất khuất của một Tình Yêu mạnh hơn sự chết – một hy tế Tình Yêu có sức tẩy sạch tội lỗi thế gian, ban ơn cứu độ và sự sống trường sinh cho nhân loại – Tình Yêu có tên là Giêsu.
Họ là những người nhờ lời chứng của các môn đệ mà tin Đức Kitô là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian, đã nhìn lên “Đấng Họ Đã Đâm Thâu” – Đấng là Đền thờ mới đích thật, mà từ bên phải Đền thờ ấy phát sinh giòng nước sự sống trường sinh, là nguồn ân huệ thiêng liêng của Thánh Thần trong các bí tích, và là giòng nước sinh ra Giáo hội. Họ sẽ còn nhìn mãi lên Đấng, mà chính họ luôn đâm thâu bởi những tội lỗi của họ (x.Dt 10,26-29)
“Họ sẽ nhìn lên Đấng họ đã đâm thâu”.
Đó là mời gọi mọi người thuộc mọi thời, trong mọi hoàn cảnh đời sống ngước nhìn lên Đấng chịu treo trên thập giá để chiêm ngắm Mầu Nhiệm Tình Yêu của Đấng là Vua Tình Yêu đã trao ban Tình yêu và luôn muốn Tình yêu ấy được lãnh nhận, đáp trả.
Chính dấu thương nơi Trái Tim Chúa Giêsu làm phát sinh trong tâm hồn chúng ta lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu. Hãy chiêm ngắm tình yêu của vị Vua không thống trị bằng sức mạnh, nhưng bằng tình yêu và sự tha thứ đến tận cùng, để trong tình yêu thương ấy, Chúa sẽ biến đổi chúng ta.
Đừng thờ ơ với ngày lễ Thánh Tâm cao trọng này mà chẳng bận tâm về việc suy gẫm, “Họ là ai hay chẳng là ai cả?”
Lm. Giuse Ngô Văn Kha, DCCT