ROME – Khi Vatican chuẩn bị gia hạn thỏa thuận lịch sử với Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục vào cuối tháng này, một trong những chuyên gia hàng đầu của Giáo hội Công giáo về các vấn đề Trung Quốc đã lập luận rằng mặc dù mong muốn đối thoại là điều dễ hiểu, tuy nhiên, hiện vẫn chưa có gì được thể hiện đối với thỏa thuận hai năm sau đó.
“Tôi hiểu được sự tích cực và sự cám dỗ để có được mối quan hệ này với Trung Quốc, nhưng tôi cần phải nói rằng nó đã mang lại những thành quả không đáng kể”, Cha Bernardo Cervellera nói, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng “Vatican, trong việc gia hạn thỏa thuận, thay vì vẫn tiếp tục chịu đựng nhiều hơn các yêu cầu của Trung Quốc, phải cứng rắn hơn” trước các yêu cầu của họ.
Là người đứng đầu hãng tin Asia News và trước đây từng là một nhà truyền giáo ở Trung Quốc, Linh mục Cervellera đã phát biểu trong cuộc thảo luận trực tuyến vào ngày 4 tháng 9 được tổ chức bởi ‘Acton Institute’, một tổ chức Công giáo thị trường tự do, đưa ra đánh giá của mình về tình hình của lục địa Châu Á trong bối cảnh đại dịch coronavirus và luật an ninh quốc gia mới ở Hồng Kông.
Phát biểu về thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục mà Vatican đã ký với Trung Quốc vào năm 2018, sắp được gia hạn trong tháng này, Linh mục Cervellera lưu ý rằng nhiều quan chức về phía Vatican đã ca ngợi thỏa thuận này là một điều gì đó vừa tích cực vừa có hiệu quả, trong khi “Trung Quốc đã chẳng bao giờ nói gì cả”.
Linh mục Cervellera đã đề cập đến một bài báo được in trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một tờ báo Trung Quốc có quan hệ với Đảng Cộng sản, trong đó trích dẫn việc các quan chức Vatican ca ngợi thỏa thuận, nhưng không có đề cập đến các quan chức hoặc ý kiến từ các thành viên của chính phủ Trung Quốc.
Việc Trung Quốc giữ im lặng về thỏa thuận, Linh mục Cervellera nói, để lại cho ngài hai ấn tượng: hoặc là Đảng Cộng sản Trung Quốc coi thỏa thuận này là một điều gì đó tích cực, hoặc theo quan điểm của họ, “quyền lợi của họ ngày càng gia tăng đến mức họ yêu cầu Vatican về tất cả mọi thứ”.
Tất cả mọi thứ, theo nghĩa này, Linh mục Cervellera nói, có nghĩa là “Vatican phải cho phép mọi thứ mà Trung Quốc thực hiện, và chắc chắn họ phải làm gián đoạn cuộc đối thoại của họ với Đài Loan”.
“Đây chắc chắn là động cơ nền tảng khiến Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc rất quan tâm đến mối quan hệ với Vatican”, Linh mục Cervellera nói, “bởi vì bằng cách này, họ lấy đi của Đài Loan điểm duy nhất, đại sứ quán duy nhất mà họ có thể có ở châu Âu”.
Hiện nay Đài Loan có quan hệ ngoại giao với chỉ 15 quốc gia, và Tòa Thánh hiện là mối quan hệ ngoại giao duy nhất của họ ở châu Âu.
Linh mục Cervellera thừa nhận rằng ngài hiểu lý do tại sao việc theo đuổi đối thoại với Trung Quốc lại hấp dẫn, vì kể từ khi Mao Trạch Đông lên cầm quyền Đảng Cộng sản vào năm 1949, cánh cửa đã đóng chặt, bất chấp mọi nỗ lực của các vị Giáo hoàng trước đó, bao gồm cả Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và Đức Nguyên Giáo hoàng Benedict XVI.
“Trung Quốc không bao giờ muốn có một mối quan hệ; họ luôn đóng cửa. Họ không bao giờ muốn đối thoại. Giờ đây, Vatican đã có được sợi chỉ mong manh này của cuộc đối thoại, tôi hiểu rằng họ muốn giữ nó”, Linh mục Cervellera nói, nhưng đồng thời cũng cho biết thêm rằng theo quan điểm của ngài, cho đến khi thỏa thuận được xúc tiến, có rất ít dấu hiệu được thể hiện trong hai năm đã trôi qua kể từ khi nó được ký kết.
“Bản thân thỏa thuận này là về việc bổ nhiệm các Giám mục mới, nhưng kể từ khi thỏa thuận đã đạt được, không một tân Giám mục mới được bổ nhiệm”, Linh mục Cervellera nói, đồng thời lưu ý rằng trong số hai Giám mục đã được bổ nhiệm và ba vị khác đã được được chính phủ công nhận trong 2 năm qua, tất cả đều đã được lựa chọn nhiều năm trước thỏa thuận năm 2018.
“Vì vậy, bạn không thể nói rằng nhờ có thỏa thuận mà tất cả các cuộc bổ nhiệm này đã xảy ra”, Linh mục Cervellera nói, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng trong tương lai, sẽ có nhiều dấu hiệu tốt đẹp hơn.
Linh mục Cervellera cũng đưa ra đánh giá của mình về lục địa châu Á dưới góc độ của đại dịch coronavirus, đồng thời nhấn mạnh ba yếu tố mà ngài cho biết là nổi bật đối với ngài trong vài năm qua, một số trong số đó đã được chú trọng rõ ràng hơn giữa bối cảnh đại dịch coronavirus và các cuộc biểu tình ở Hồng Kông.
Không chỉ các nền kinh tế của châu Á, bao gồm cả Trung Quốc, bị “ngã quỵ” bởi đại dịch coronavirus, các nhà lãnh đạo ngày càng “ngạo mạn”, Linh mục Cervellera nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng đối với ngài, điều này có nghĩa là “nó không còn quan trọng [đối với họ] để duy trì hình ảnh của một người cởi mở”.
“Tất cả họ đều đang biến đổi thành những nhà độc tài cá nhân vốn sẽ còn tồn tại trong nhiều thập kỷ”, Linh mục Cervellera nói, đồng thời nêu tên các quốc gia như Trung Quốc, Pakistan, Thái Lan và Myanmar như là những nạn nhân của xu hướng mới này, điều mà ngài cho biết rằng thường dẫn đến việc các nhà lãnh đạo này “bóp nghẹt nhân quyền một cách dễ dàng”, đặc biệt là các nhóm thiểu số, không bị phản đối bởi cộng đồng toàn cầu.
Cùng với điều này là sự thao thức ngày càng tăng ở những người trẻ tuổi, những người muốn “tìm kiếm ý nghĩa nào đó cho cuộc sống và công việc của họ”. Trong khi phần lớn nền văn hóa châu Á theo truyền thống tập trung vào tính cộng đồng, những người trẻ tuổi trên lục địa này ngày càng chú trọng đến ý nghĩa của một tình huống nhất định đối với cá nhân họ.
“Đây là một điều gì đó rất mới mẻ, đây là một điều gì đó đang tạo ra sự xáo trộn ở nhiều nơi ở châu Á”, Linh mục Cervellera nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng đây là điều đã xảy ra đặc biệt ở Hồng Kông, nơi mà các cuộc biểu tình quy mô lớn hầu hết do giới trẻ thống trị, nhiều bạn trẻ trong số họ chỉ mới 13 hoặc 14 tuổi.
Kể từ tháng 6 năm ngoái, Hồng Kông đã bị ảnh hưởng bởi các cuộc biểu tình lớn, đầu tiên là phản đối dự luật cho phép dẫn độ sang Trung Quốc đại lục, mặc dù dự luật đó cuối cùng đã bị rút lại, và giờ đây là một biện pháp an ninh quốc gia mới do Bắc Kinh soạn thảo nhằm ngăn chặn những gì họ định nghĩa là “chủ nghĩa khủng bố”, “sự lật đổ” và sự can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề nội bộ.
“Điều đáng nói ở những người trẻ ở Hồng Kông, đó là họ mạo hiểm tất cả những điều này để phản đối Trung Quốc, chống lại chính phủ và họ có nguy cơ không tìm được việc làm. Họ có nguy cơ không được đến trường hoặc không thể học đại học, bởi vì Trung Quốc đang thực hiện luật rất một cách rất nghiêm ngặt”, Linh mục Cervellera nói. “Vì vậy, những người trẻ tuổi này thực sự đang mạo hiểm mọi thứ, nhưng để làm gì? Vì sự tự do của họ”.
Đây là những người trẻ tuổi “muốn vượt qua trào lưu chính thống tôn giáo, và các ý thức hệ”, Linh mục Cervellera nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng ở Trung Quốc, “chẳng ai tin vào chủ nghĩa cộng sản. Chẳng ai cả. Nhiều người đặt mình dưới bóng cây của Cộng sản” không quá tin tưởng vì những lợi ích xã hội.
“Ở Trung Quốc, bạn luôn có tội và phải chứng minh mình vô tội. Không phải là bạn vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội, nhưng là ngược lại”, Linh mục Cervellera nói, và đồng thời cũng cho biết thêm rằng “tất cả mọi thứ đều phục vụ đảng”.
Linh mục Cervellera cũng chỉ ra sự phát triển nhanh chóng của Giáo hội Công giáo trên lục địa Châu Á, đồng thời lưu ý rằng trong khi Châu Á chỉ chứa hơn một nửa dân số toàn cầu, với khoảng 3-4 tỷ người, thì có khoảng 120-130 triệu người Công giáo, điều mà ngài cho biết là một con số “ấn tượng” bởi vì Kitô giáo là một thiểu số thường bị bắt bớ.
“Ít nhất 60% các quốc gia châu Á đều gặp vấn đề về tự do tôn giáo. Vì vậy, Giáo hội bị đàn áp này, có những giới hạn về tự do tôn giáo, vẫn đang gia tăng 5% mỗi năm”, Linh mục Cervellera nói, và đồng thời lưu ý rằng ở châu Âu, số lượng các Kitô hữu phần lớn vẫn giữ nguyên, nhờ vào dòng người di cư Kitô giáo.
Những người di cư theo Kitô giáo có con cái ở châu Âu đang cân bằng số người đã qua đời, Linh mục Cervellera nói, nhưng đồng thời cũng lưu ý rằng so với các khu vực khác trên thế giới chẳng hạn như châu Á và châu Phi, thì ở châu Âu “có rất ít động lực cho việc truyền giáo”.
Minh Tuệ (theo Crux)