Trong cuộc họp báo ngày 20/6/2023, ông Sam Brownback, cựu đại sứ lưu động về tự do tôn giáo quốc tế, và các nhà lãnh đạo Kitô giáo khác đã cảnh báo rằng cuộc chiến đang diễn ra giữa Azerbaijan và Armenia đe dọa sự tồn tại của các cộng đồng Kitô giáo ở vùng cận đông.
Mối đe doạ đối với Kitô hữu ở khu vực Nagorno-Karabakh
Ông Brownback, một người Công giáo, đã đưa ra lời cảnh báo trên sau khi trở về từ chuyến đi tìm hiểu thực tế tới Armenia cùng với Dự án Philos của nhóm nhân quyền Kitô giáo. Ông đã gọi cuộc xâm lược Armenia của người Hồi giáo Azerbaijan và sự phong tỏa liên tục của nước này đối với khu vực Nagorno-Karabakh là nỗ lực mới nhất nhằm “thanh lọc tôn giáo” của quốc gia Kitô giáo.
Ông nói: “Azerbaijan, với sự hậu thuẫn của Thổ Nhĩ Kỳ, đang thực sự dần bóp nghẹt Nagorno-Karabakh. Họ đang hành động để khiến nơi này thành nơi không thể ở được để cộng đồng Kitô giáo Armenia trong khu vực buộc phải rời đi, đó là những gì đang xảy ra.”
Armenia là quốc gia có nguồn gốc Kitô giáo từ thời đầu Kitô giáo, nằm giữa các quốc gia Hồi giáo Thổ Nhĩ Kỳ và Azerbaijan ở miền nam Kavkaz. Theo một báo cáo năm 2019 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ngày nay nước này có hơn 90% dân số theo Kitô giáo.
Xung đột tại khu vực Nagorno-Karabakh
Xung đột về khu vực Nagorno-Karabakh đã diễn ra kể từ khi Armenia và Azerbaijan, cả hai nước đều thuộc Liên Xô cũ. Sau Chiến tranh Nagorno-Karabakh lần thứ nhất năm 1994, Armenia đã giành được quyền kiểm soát chính đối với vùng Nagorno-Karabakh.
Căng thẳng giữa hai quốc gia một lần nữa bùng phát thành xung đột quân sự hoàn toàn vào tháng 9/2020 khi quân đội Azerbaijan tiến tới giành quyền kiểm soát khu vực tranh chấp. Cuộc xung đột kéo dài khoảng hai tháng, với việc Nga làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình vào tháng 11.
Xung đột dẫn đến việc Azerbaijan giành quyền kiểm soát các vùng đất rộng lớn trong khu vực. Điều này khiến điểm tiếp cận duy nhất của Armenia tới Nagorno-Karabakh là một dải đất mỏng được gọi là “hành lang Lachin.”
Cuộc xung đột mang tính ý thức hệ và tôn giáo nhiều hơn
Ngày nay, một cuộc phong tỏa của người Azerbaijan đối với hành lang Lachin, diễn ra từ tháng 12, đang làm tê liệt cơ sở hạ tầng của Armenia ở vùng Nagorno-Karabakh.
Theo Robert Nicholson, Chủ tịch Dự án Philos, “Tình hình vô cùng cấp bách và mang tính sống còn. Đây là quốc gia Kitô giáo lâu đời nhất đang phải đối mặt với khả năng bị diệt chủng lần thứ hai, chỉ sau khoảng một thế kỷ.” Ông cho biết thêm rằng có 500 tấn thiết bị nhân đạo “không thể vào được Nagorno-Karabakh vì sự phong tỏa của Azerbaijan ở khu vực đó.”
Theo ông Brownback và ông Nicholson, mặc dù phần lớn các phương tiện truyền thông đưa tin về cuộc chiến Armenia-Azerbaijan đã mô tả nó đơn giản là một cuộc tranh chấp lãnh thổ, nhưng cuộc xung đột này mang tính ý thức hệ và tôn giáo nhiều hơn. Ông Nicholson nói: “Thực tế đây không chỉ là tranh chấp lãnh thổ. Mặc dù có những vấn đề về lãnh thổ, nhưng tôi hoàn toàn coi tranh chấp này hoàn toàn như là một trong những tranh chấp về giá trị.” (CNA 21/06/2023)
Hồng Thủy – Vatican News