Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT
Thái Hà (28.03.2016) – Nhân dịp nhận được những lời chúc mừng lễ Phục Sinh và trứng Phục Sinh của cả người bên Đạo và lẫn bên Đời, xin lạm bàn ở đây mấy lời về ý nghĩa của trái trứng trong Đạo ngoài Đời.
Với người có Đạo như chúng tôi, mỗi dịp lễ Phục Sinh, chúng tôi thường tặng nhau trái trứng, bởi vì trái trứng tượng trưng sự phục sinh của Chúa Giêsu. Trái trứng tưởng chừng bất động, không có sự sống gì cả. Nhưng không phải thế, trong trái trứng có mầm sống, nếu được ấp ủ thì sẽ bung nở ra một sự sống vô cùng mới mẻ, khác lạ. Cũng vậy, tưởng rằng Đức Giêsu chịu treo thập giá và bị chôn trong mồ và ở mãi trong sự chết, nhưng không phải vậy, Ngài đã phục sinh vinh hiển và bước vào một đời sống hoàn toàn vi diệu, khác xa với đời sống trần thế này.
Không chỉ người có Đạo Thiên Chúa mới tin vào Chúa Phục Sinh, tin vào sự sống mới sau cái chết, mà có lẽ bất cứ ai sinh ra trên đời này cũng đều có niềm tin ấy cả. Chẳng hạn như ngay trong văn hóa – tín ngưỡng của người Việt Nam chúng ta cũng đều có niềm tin ấy và diễn tả niềm tin ấy qua hình ảnh trái trứng đặt trên bát cơm và để ở trước thi hài người quá cố.
Người Á Đông chúng ta quan niệm rằng trời thì tròn, đất thì vuông. Người quá cố về với đất, nhưng đồng thời cũng sẽ về với trời. Bởi vậy, người còn sống đơm bát cơm thật đầy để tự nhắc nhớ với lòng mình rằng người thân của mình tuy thân xác chết nằm đây, nhưng chắc chắn người thân của mình sẽ được về với trời (Bát cơm được đơm đầy tròn để tượng trưng cho trời).
Quả trứng bất động, nhưng trong quả trứng có ấp ủ một sự sống. Người qúa cố thân xác bất động, nhưng trong thân xác đó có ấp ủ sự sống mới. Đôi đũa cắm sát cạnh quả trứng tượng trưng cho mạch nối âm dương để tạo sự sống. Đôi đũa ấy phải vót sao cho có tua đâm tua tủa để cho thấy giữa những hỗn mang sẽ có mạch nối âm dương để làm bừng lên sự sống.
Trứng Đạo, trứng Đời có ý nghĩa là vậy. Tất cả chỉ để diễn tả một niềm tin duy nhất rằng con người ta chết không hết. Khi chết, người ta sẽ bước vào một đời sống hoàn toàn mới lạ.