Làm sao biết một người có ơn gọi tu hành?

LÀM SAO BIẾT MỘT NGƯỜI CÓ ƠN GỌI TU HÀNH?

(Viết nhân ngày đời sống thánh hiến)

Thiên Chúa dựng nên con người là nam và là nữ và Ngài muốn nam nữ kết hợp với nhau thành vợ chồng. Ơn gọi hôn nhân-gia đình là ơn gọi phổ biến đối với phần lớn nhân loại trên thế gian.

Thiên Chúa cũng muốn có một số người tu hành, đó là những người tự ý chọn lối sống độc thân-khiết tịnh để làm chứng cho Chúa và phục vụ ơn cứu độ của Chúa. Theo lời Chúa Giêsu nói đó là những người tự trở thành hoạn nhân vì Nước Trời.

Thực tế cho thấy lập gia đình và tu hành là hai lối sống đã và đang tồn tại trong các nền văn minh và cả hai bổ túc cho nhau và cùng nhau mang lại hạnh phúc cho các cá nhân và đóng góp cho sự tồn tại và phát triển của cả nhân loại.

Đối với người Công giáo, để biết Thiên Chúa muốn một người đi tu hay không, mỗi người liên quan, đặc biệt là mỗi ứng viên và các vị hữu trách cần phải tìm hiểu, suy nghĩ, bàn hỏi, cầu nguyện, chịu thử thách, nhậy bén nhận biết và đáp lại ơn Chúa trong suốt cuộc đời.

Mỗi ơn gọi tu hành là một cuộc phiêu lưu tình yêu độc đáo giữa Thiên Chúa và từng con người. Ơn gọi của mỗi cá nhân không ai giống ai, tuy nhiên, một cách tổng quát, có thể căn cứ vào một số dấu hiệu sau đây để nhận biết một người có ơn gọi tu hành hay không.

1. Có thể lý, giới tính và sức khoẻ bình thường. Nghĩa là có thân xác là nam hoặc là nữ với tất cả những dấu hiệu đặc trưng về thể lý và giới tính của một người nam hoặc một người nữ, đồng thời có một sức khoẻ ở mức độ tối thiểu nào đó để có thể tu hành và phục vụ.

2. Có tâm lý quân bình. Người nam có nữ tính hoặc nam tính quá mạnh, người nữ có nam tính hoặc nữ tính quá mạnh, người bối rối về giới tính và không xác định được rõ giới tính của mình, tất cả đều không thích hợp cho đời sống tu hành, vì với tâm lý kia, một khi đi tu, chẳng những đương sự sẽ khó có hạnh phúc mà còn có nguy cơ gây khó khăn cho bạn tu và gây nên thảm hoạ cho những người mà đương sự phục vụ.

3. Có lý trí bình thường và trình độ học vấn tối thiểu. Lý trí là năng lực nhận biết và học hỏi; trình độ học vấn là khả năng hiểu biết ở mức độ nào đó về con người và thế giới. Nếu không có lý trí bình thường và trình độ học vấn căn bản, đương sự sẽ không thể học hỏi để trau dồi tri thức, tu đức và nghề nghiệp, cũng như không thể hiểu mình, hiểu người và hiểu ý Chúa Trời để có thể phục vụ và hướng dẫn tha thân, etc.

4. Có ý chí bình thường, nghĩa là có khả năng ước muốn và chọn lựa trong tự do những điều tốt đẹp và quyết tâm kiên trì hành động để những điều tốt đẹp ấy thành hiện thực mà không chịu sự tác động của những người xung quanh. Người đi tu phải có ý chí đủ mạnh mẽ để sống bản lĩnh theo sự chọn lựa ngược dòng đời của mình mà không dao động trước cám dỗ hoặc bỏ cuộc khi gặp khó khăn thử thách.

5. Có khả năng suy xét và phán đoán chính xác và quân bình. Người tu phải sống chung và phải hướng dẫn những người khác và vì vậy họ cần phải có phán đoán quân bình, tức là có khả năng suy xét kỹ lưỡng và nhận định chính xác, theo lẽ phải chăng của cuộc sống và theo nhãn quan Kitô giáo như sự việc và con người liên quan đòi hỏi. Thói suy xét hời hợt và phán đoán lệch lạc sẽ gây rối loạn và tổn thất nghiêm trọng cho đương sự và cho những người được đương sự phục vụ.

6. Có đức tin và ham thích thực hành đức tin và sống đức hạnh. Đi tu là dấn thân vào cuộc phiêu lưu tâm linh để tìm cứu độ cho mình và cho tha nhân, vì vậy cần phải có đức tin và phải là người thực hành đức tin. Cụ thể là tin vào các tín điều và các bí tích của Giáo Hội, đồng thời đã và đang thực hành đức tin của mình, cụ thể là tham dự Thánh Lễ, xưng tội, rước Lễ, cầu nguyện, sống thinh lặng, tuân giữ các điều răn của Chúa và làm việc bác ái, etc. Ai ham thích làm những việc này là một dấu chứng tỏ mình có đức tin và có ơn gọi tu hành.

7. Thích đi tu hơn thích lấy vợ lấy chồng hoặc ở vậy giữa đời, hướng về Chúa nhiều hơn là hướng về một người nào đó, hướng về đời sống tâm linh nhiều hơn hướng về đời sống vật chất, thích cầu nguyện và làm việc bác ái hơn là thích giải trí và hưởng thụ, thích giúp đỡ người khác hơn là mưu tìm lợi ích cho bản thân, thích tìm kiếm những giá trị thiêng liêng vĩnh cữu hơn là những giá trị trần thế mau qua, sẵn lòng vác thập giá cùng Chúa hơn là chạy theo nếp sống dễ dãi và phù phiếm của thế gian, etc.

8. Không có bạn trai hoặc bạn gái. Một thanh niên là nam bình thường, một cô gái là nữ bình thường về thể lý và tâm lý mà vì việc học tập và phục vụ, không tìm kiếm bạn trai hay bạn gái, hoặc đã có và đã chia tay, trong khi vẫn thấy rằng không có bạn trai hoặc bạn gái thì mình cũng vẫn sống hạnh phúc và vẫn tìm được ý nghĩa cuộc đời bởi có Chúa thì đó là dấu đương sự có ơn gọi tu hành.

9. Đã bày tỏ ước muốn đi tu và đã tiếp cận đời tu. Thích đi tu và không có người yêu chưa đủ để nói mình có ơn gọi tu trì mà cần phải bày tỏ ý thích ấy ra với những người đạo đức, nhất là với cha linh hướng nếu có để được hướng dẫn và giúp đỡ. Hơn nữa, qua các kênh khác nhau, đương sự đã thử sống và làm việc trong một môi trường tu hành và cuối cùng đương sự đã được chấp nhận gia nhập dòng tu hoặc chủng viện thì bước đầu ta có thể nói đương sự có ơn gọi tu hành.

10. Những điều nói bên trên chỉ là những dấu hiệu ban đầu và những nguyên tắc chung chung; không nhất thiết một người tu phải có đủ những dấu hiệu cơ bản đó. Lý do là một đàng là Chúa dẫn đưa mỗi người mỗi cách độc đáo; đàng khác rất có thể một ứng viên, vì lý do và mục đích nào đó, đã lừa được các vị bề trên hữu trách, hoặc cũng có thể các vị hữu trách đã có sự thiên vị và sai lầm trong việc tuyển chọn và quyết định cho đương sự được khấn dòng hoặc chịu chức

Vì vậy, chỉ khi đương sự đã khấn trọn đời và/hoặc đã làm linh mục và đã đi phục vụ tại các cộng đoàn và giáo xứ một khoảng thời gian ngắn dài nào đó, người ta mới thực sự biết đương sự có ơn gọi tu hành thật hay giả.

Nếu một tu sĩ/linh mục/giám mục, ăn ở đức hạnh theo đòi hỏi của đời sống tu trì, đối xử tử tế với mọi người theo gương Chúa Giêsu và theo đòi buộc của Lời Chúa, chu toàn bổn phận tu đức và tông đồ, phục vụ mọi người như Chúa muốn, như Giáo Hội quy định và như giáo dân mong đợi, thì ta có thể nói người đó có ơn gọi tu hành thật và là nhà tu chân chính.

Trái lại, nếu một tu sĩ/linh mục/giám mục, chỉ lo tìm kiếm chức quyền, danh vọng và tiền tài, thay vì phục vụ thì cai trị giáo dân một cách độc đoán, sống thiếu tình thương và lễ độ, ăn ở buông tuồng mất nết, thậm chí còn phạm vào các tội ác, thì đó là dấu đương sự không có ơn gọi tu hành và đời tu mà đương sự theo đuổi chỉ là một con đường tìm danh lợi mà thôi.

Những người như vậy mà cố tiến thân vào con đường tu hành bằng mọi giá là một tai hoạ to lớn và lâu dài cho Giáo Hội và giáo dân. Giáo Hội cũng đã lường trước điều này và để giảm thiểu lạm dụng và tổn thất, Giáo Hội đã đặt ra các biện pháp chế tài khác nhau, kể cả việc loại bỏ khỏi hàng ngũ giáo sĩ. Trong những năm gần đây, Giáo Hội đã áp dụng các biện pháp này đối với rất nhiều trường hợp, trong số đó có cả một hồng y-tổng giám mục.

Nói một cách tổng quá ơn gọi tu hành là một hồng ân Chúa ban cho mỗi cá nhân và cũng là ban cho cả cộng đoàn, vì vậy việc nhận biết, nuôi dưỡng, nâng đỡ và bảo vệ ơn gọi tu hành là bổn phận và trách nhiệm của mọi người Công giáo. Ơn gọi tu hành phong phú hay nghèo nàn, đồng thời người tu có sống đúng theo ơn gọi và thi hành tốt sứ mạng của mình hay không, một phần rất lớn phụ thuộc vào sự trưởng thành và lối ứng xử của giáo dân.

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Khải DCCT