Ai trong đời hẳn cũng một lần cảm nghiệm được sự vô thường, nói theo ngôn ngữ nhà Phật. Vô thường (無常; sa. anitya; pi. anicca) nghĩa là “không chắc chắn”, “thay đổi”, “không trường tồn”. Thánh Anphongso cũng đã phải thốt lên: “Thế gian ơi ta biết mi rồi !”. Cuộc sống đầy rẫy những bất ổn, của cải nay còn mai mất, sức khỏe rồi cũng sẽ chóng suy tàn. Ngành bảo hiểm ngày một phát triển, người ta sẵn sàng bỏ tiền ra để mua lấy sự đảm bảo, sẵn sàng mất tiền để làm vơi đi sự sợ hãi. Cố nhạc sỹ Trịnh Công Sơn đã phải ngậm ngùi tuôn ra những câu chữ:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi”
Vậy tại sao chúng ta vẫn sống như thể không bao giờ phải chết? Tại sao chúng ta vẫn lao đầu miệt mài xây dựng những giá trị thiếu nền tảng vững chắc?
Ta cố gắng xây dựng danh hiệu cho bản thân, nỗ lực khẳng định mình.
Ta mải miết theo đuổi những cái đích tự đặt ra về sự giàu sang và hạnh phúc.
Người nào đặt nhu cầu càng cao, người đó càng đau khổ. Nói như 2 nhà kinh tế học tác giả cuốn “Tư duy như một kẻ lập dị”: “Chúng ta luôn là nô lệ cho những định kiến của chính bản thân mình”.
Thế nhưng có bao giờ bạn cảm thấy thỏa mãn khi theo đuổi những giá trị ấy không?
Con người xuất phát từ Thiên Chúa, và bản năng luôn đi kiếm tìm hạnh phúc. Bởi vốn dĩ ta không thuộc về thế gian này, ta thuộc về một thế giới khác, nơi đó có hạnh phúc viên mãn đời đời. Ai đó từng nói, “hễ con người khao khát điều gì, thì điều ấy có thật”. Phải, chúng ta đáng nhẽ ra đưởng hưởng nhiều hơn cuộc sống này, đáng nhẽ xứng đáng nhiều hơn như thế này. Nhưng hạnh phúc ấy tìm ở đâu? Tìm hoài không thấy?
Khi tạo dựng chúng ta, Thiên Chúa đã đặt vào đó một dấu ấn khiến chúng ta khắc khoải khôn nguôi, và lỗ trống trong tâm hồn ấy chỉ được lấp đầy cho tới khi ta trở về bên Ngài. Bạn được tạo dựng với những mục đích cao cả hơn là chỉ kiếm tiền, sinh con đẻ cái, hưởng thụ một cuộc sống an nhàn. Bạn được dựng nên “để nhận biết, phục vụ và yêu mến Thiên Chúa” (Toát Yếu Giáo Lý Công Giáo 358-359).
Thiên Chúa là đấng dịu ngọt, kỳ diệu và phi thường. Ngài sáng tạo vũ trụ, nhưng ngài chấp nhận được đẻ ra bởi một thụ tạo. Nếu hiểu đau khổ là khi nhu cầu vượt quá thực tế, nếu người đau khổ là người đã nếm trải hạnh phúc; và quả thực là như thế, khi ta nhìn vào các linh hồn sau khi đã chết và gặp Chúa Giê su dịu ngọt tuyệt vời mà phải chịu đày ải nơi luyện ngục nơi cách xa Ngài; thì Chúa Giê su phải là người đau khổ nhất thế gian. Màu nhiệm Giáng Sinh là một điều khó hiểu, và Cuộc Thương Khó cũng là một điều phi thường vượt quá trí khôn và logic của loài người. Khi ta nhìn nhận như thế, ta sẽ thấy yêu Chúa là một ơn phúc, là một điều kỳ diệu, và là điều duy nhất trên thế gian này có thể khiến cho ta hạnh phúc.
Lời Chúa hôm nay: “Những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.” (Ga 3, 14)
Chừng nào bạn chỉ biết bám vào các thành quả như cách duy nhất khẳng định chính mình, bạn sẽ trở nên ích kỷ và âu lo, và sẽ có khuynh hướng nhìn những người xung quanh như kẻ thù, chứ không phải là anh em bạn hữu.
Bạn không cần phải trở nên giàu có để khẳng định giá trị bản thân. Bạn không cần phải là người danh thơm tiếng nức, để có thể thấy mình đáng được trân trọng. Bởi giá trị của thân xác bạn được mua chuộc bằng Máu Thánh Chúa, làm đền thờ Chúa Ba Ngôi, và sẽ vinh hiển muôn đời. (Đường Hy Vọng, ĐHY Fx Nguyễn Văn Thuận). Hay như chính Chúa nói với thánh nữ Faustina: “Thà rằng trời đất này trời đất này biến ra không, nhưng Lòng Thương Xót của Cha hằng ấp ủ một linh hồn tín thác…”.
Việc bạn cần làm là “Tin ở Người”. Tin vào Người, dựa vào Người, chứ không phải vào bảo hiểm nhân thọ hay phi nhân thọ, hay vào bất cứ giá trị thế tục nào khác.
Mỗi khi thất vọng vào bản thân, mỗi khi thất bại trong cuộc sống, bạn hãy tâm niệm câu nói này của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII:
“Ngày hôm nay, tôi tin chắc rằng, dù thế nào đi nữa, thì Thiên Chúa vẫn yêu thương tôi như chỉ có mình tôi trên thế gian này.”
Từ bỏ của cải và các giá trị vật chất là điều không hề đơn giản, có khi chúng ta phải tập cả đời. Nhưng đó là cách duy nhất, là cách chắc chắn để có được hạnh phúc viên mãn đích thực, vĩnh hằng, và là con đường đảm bảo ta “sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời.”
Mùa Chay này, ước mong bạn và tôi, chúng ta cùng bớt vài phút mỗi ngày cầu nguyện, để Chúa có thể hiện diện và hoạt động trong đời sống chúng ta. Để cuộc sống của ta là sự thực thi kế hoạch của Chúa, chứ không phải là những mục tiêu và nỗ lực nối dài tới tiền bạc, danh vọng, dục vọng.
Bạn hãy yêu Chúa, và để Chúa yêu bạn. Rồi bạn sẽ không còn muốn đi tìm kiếm hạnh phúc ở bất cứ nơi đâu nữa.
Tặng bạn lời ca của cố nhạc sỹ Trịnh như một lần ta nhắc nhau nhớ lại về sự vô thường của cuộc sống:
Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày.
Thanh Hương