Khi vào tu viện của Dòng hoặc nhà thờ do các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế coi sóc, chúng ta dễ dàng đọc được câu Lời Chúa: “Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa”. Lời ấy, trích từ Thánh Vịnh 130, câu 7b. Thánh Vịnh 130 có nội dung thế này:
“Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy CHÚA,
2 muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu.
3 Ôi lạy CHÚA, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?
4 Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài.
5 Mong đợi CHÚA, tôi hết lòng mong đợi, cậy trông ở lời Người.
6 Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông,
7 trông cậy CHÚA đi, Ít-ra-en hỡi, bởi CHÚA luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa.
8 Chính Người sẽ cứu chuộc Ít-ra-en cho thoát khỏi tội khiên muôn vàn.
Thánh Vịnh 130 là Thánh Vịnh lên Đền. Thánh Vịnh diễn tả lời cầu nguyện của Dân Chúa khi xưa đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa: Thiên Chúa “rộng lòng tha thứ”; Thiên Chúa “luôn từ ái một niềm”; và “ơn cứu chuộc nơi Người, chan chứa”.
Giáo Hội áp dụng Thánh Vịnh 130 nơi chính Đức Giêsu Kitô. Do vậy, nhiều nơi, thay vì trích nguyên bản: “Ơn cứu chuộc nơi Người chan chứa” thì được chuyển thành: “Ơn cứu chuộc nơi Đức Kitô chan chứa”. Hoặc “Ơn cứu chuộc chứa chan nơi Đức Kitô”.
Trong Tông Sắc về Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha Phanxicô viết câu đầu tiên như sau: “Chúa Giêsu Kitô là dung nhan Lòng Thương Xót của Thiên Chúa Cha”. Nói cách khác, lòng thương xót của Thiên Chúa được thể hiện đầy đủ, trọn vẹn nơi Đức Giêsu Kitô.
Bài Tin Mừng trong Lễ Chúa Cứu Thế, Thánh Gioan thuật lại lời của Chúa Giêsu nói với ông Nicôđêmô: “Thiên Chúa yêu Thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống đời đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến Thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ” (Ga3,16-17).
Để thế gian, tất cả con người trong nhân loại, không phân biệt chủng tộc, giai cấp ở mọi thời mọi nơi được sống đời đời, được cứu độ, Thiên Chúa đã ban con Một của Người, đó chính là Đức Giêsu Kitô. Đức Giêsu Kitô qua cuộc sống của Ngài, qua lời rao giảng, những việc Ngài làm, nhất là qua cái chết và sự phục sinh của Ngài, Ngài cứu độ nhân loại, cứu độ mỗi người chúng ta. Ngài là Chúa Cứu Thế. Ngài cứu tất cả mọi người.
Bài đọc thứ hai trong Lễ Chúa Cứu Thế, Thánh Phaolô khẳng định, khi nói với các tín hữu Corintô: “Nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại. Quả thế, như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết, thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống.” (1Cr15,19).
Thánh Anphongsô thành lập Dòng Chúa Cứu Thế vào năm 1732, khởi đi từ chính xác tín của Hội Thánh. Ơn Cứu Độ nơi Đức Giêsu dành cho hết mọi người. Tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi Đức Giêsu không tập trung, giới hạn vào một nhóm người, nhưng cho tất cả mọi người. Do vậy, Thánh Anphong khi nhìn thấy những người nghèo chăn cừu tại Scala, Napoli không được ai hướng dẫn, dạy dỗ về Đạo Thánh Chúa, ngài đau lòng và tự thấy rằng, cần phải có người lo cho những con người nghèo bị bỏ rơi hơn cả này. Ngài luôn khao khát cho nhiều người biết Chúa. Ngài ao ước đến nhiều nơi loan báo Tin Mừng. Có lúc ngài đã gia nhập nhóm thừa sai hướng đến Trung Hoa truyền giáo. Thánh Anphongsô mang lấy tâm tình của chính Thầy Giêsu,“Đức Giêsu trông thấy một đoàn người đông đảo thì chạnh lòng thương, và chữa lành các bệnh nhân của họ.” (Mt 14,14). Do vậy, Dòng Chúa Cứu Thế được Thánh Anphongsô thành lập không ngoài mục đích “theo gương Chúa Giêsu Kitô Cứu Thế” bằng cách rao giảng Lời Chúa cho người nghèo, như chính Ngài đã tuyên bố về mình: “Người đã sai tôi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó”. (HP số 1).
Cùng với các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế mừng lễ Chúa Cứu Thế hôm nay, chúng ta được mời gọi có những thái độ nào?
Trước tiên, chúng ta không được thất vọng về ơn cứu độ nơi mỗi người chúng ta và nơi anh chị em chúng ta.
Đức Giêsu là Chúa Cứu Thế. Ơn cứu độ ngài mang lại qua cái chết và sự phục sinh của Ngài là ơn cứu độ toàn diện và phổ quát. Ngài đến “không phải để lên án thế gian, nhưng để thế gian nhờ Ngài mà được sống”. Mỗi lần chúng ta tham dự Thánh lễ, chúng ta xác tín và thưa lên với Chúa Giêsu. “Lạy Chúa Kitô, Chúa đến để cứu những người tội lỗi, xin Chúa Kitô thương xót chúng con.”. Bạn hãy đến với Chúa Giêsu Kitô, Ngài đã đổ máu mình ra để cứu chuộc bạn và cứu chuộc toàn thể nhân loại. Nên trong xác tín ấy, chúng ta có thể thưa lên với Chúa Cha trong giờ Kinh Lòng Thương Xót: “Vì cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới.”
Từ xác tín vào ơn cứu độ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu dành cho chính chúng ta và dành cho toàn thể thế giới. Chúng ta được mời gọi có thái độ tiếp theo, đó là loan báo Tin Mừng ơn cứu độ.
Trước khi về Trời, Chúa Giêsu truyền cho các môn đệ đi “khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo” (Mt16,15). Đây không phải là chỉ thị để thu thập cho nhiều môn đệ, để Hội Thánh lớn mạnh như một tổ chức xã hội; nhưng đó là tình yêu và lòng thương xót Chúa Giêsu Kitô thể hiện trên nhân loại chúng ta. Ngài muốn tất cả mọi người đều được hưởng ơn cứu độ Ngài ban: “Thầy đã đến ném lửa vào mặt đất, và Thầy những ước mong lửa ấy đã bùng lên” (Lc 12,49).
Mỗi lần Lễ Chúa Cứu Thế, chúng ta ca lên bài Lạy Vua Cứu Thế với những lời sau: “Lạy Vua Cứu Thế là Hoàng Đế chiến thắng vinh quang. Nguyện xin nung đốt sáng lòng mến yêu. Hầu con nên xứng vị thần sứ trung kiên qua muôn nguy biến truyền Tin Mừng”.
Xin Chúa nung đốt lòng mến nơi mỗi người chúng ta, để chúng ta quý trọng và yêu mến ơn cứu độ Chúa ban nơi Đức Giêsu Kitô và chúng ta, trong bổn phận ơn gọi của mình, biết loan truyền Tin Mừng đó cho mọi người. Vì Chúa Giêsu Kitô, Ngài là Chúa Cứu Thế.
Lm. Giuse Nguyễn Văn Toản, C.Ss.R