Trung tâm điểm của Linh đạo theo thánh An-phong chính là tình yêu: Tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại và tình yêu của con người dành cho Thiên Chúa. Tâm trí thánh An-phong ngập tràn tình yêu của Thiên Chúa. Với An-phong, tình yêu ấy được nhìn thấy tường tận nơi Đức Giê-su. Do đó, Linh đạo của An-phong tập trung vào tình yêu của Thiên Chúa bày tỏ nơi Đức Giê-su, Đấng Cứu Độ chúng ta- Đấng đã chia sẻ phận người trong thế gian này; Đấng đã chịu đau khổ, đã chết và đã sống lại; Đấng ấy vẫn tiếp tục hiện diện và đồng hành với nhân loại.
Theo truyền thống, các tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế tóm tắt Linh đạo An-phong trong ba hình ảnh biểu tượng, ấy là: Máng cỏ, Thập giá, Bàn thờ. Thật vậy, Đức Giê-su chính là Thiên Chúa nhập thể làm người. Đấng ấy sinh ra nơi máng cỏ một cách khiêm hạ. Ngài cứu độ chúng ta bằng cách hủy mình ra không, trở nên một người phục vụ, và chấp nhận mang lấy phận người bấp bênh- bao gồm cả cái chết tủi nhục trên thập giá. Không dừng lại ở đó, Đức Giê-su còn tiếp tục trao ban tình yêu và ân sủng dư tràn của Ngài cho chúng ta qua bí tích Thánh Thể trên bàn thờ.
Ba biểu tượng: Máng cỏ, Thập giá, Bàn thờ diễn tả ba mầu nhiệm căn cốt của cuộc đời Đức Giê-su: Nhập thể, Khổ nạn -vượt qua và Thánh Thể. Ba mầu nhiệm này là bằng chứng hiển nhiên, đầy thuyết phục cho tình yêu của Thiên Chúa trao ban cho chúng ta nơi Đức Giê-su. Nhờ vậy, mà chúng ta biết chắc chắn Thiên Chúa hằng yêu thương con người và chẳng hề bỏ rơi ta.
Nguồn gốc và ý nghĩa
Có lẽ Thánh An-phong lần đầu tiên nhắc đến những hình ảnh này này trong những tác phẩm đầu tiên của ngài, như cuốn “Viếng Thánh Thể” chẳng hạn. Cuộc viếng Thánh Thể ngày thứ sáu có đoạn: “Xin cho những hình ảnh của máng cỏ, thập giá và bàn thờ làm bừng cháy lên lửa yêu mến, khát khao làm những sự lớn lao cho Thiên Chúa nơi mỗi linh hồn.” Rõ ràng, Thánh An-phong không dừng lại ở việc giới thiệu cho ta những hình ảnh để chiêm ngắm mà thôi, ngài lại còn bày tỏ hi vọng rằng nhờ việc chiêm nghiệm đó, lửa nhiệt thành tông đồ sẽ được bùng cháy trong tâm hồn chúng ta.
Lòng yêu mến dành cho máng cỏ, thập giá và bàn thờ trở nên tâm điểm của đời sống tâm linh của thánh An-phong. Từ nguồn mạch này, ngài được kéo gần lại với tình yêu của Đức Giê-su, nhờ việc năng suy ngẫm mầu nhiệm Chúa yêu thương con người. Toàn bộ đời sống nội tâm của An-phong được nuôi dưỡng bởi ba hình ảnh ấy. Ngài viết rất nhiều sách tu đức, những bài suy niệm và cầu nguyện dựa trên ba hình ảnh này.
Truyền thống đạo đức của Dòng Chúa Cứu Thế
Hội Dòng luôn cố gắng bày tỏ ba lòng sùng kính đạo đức này trong đời sống cộng đoàn. Theo truyền thống, ngày 25 hàng tháng, đề tài của giờ suy niệm chung luôn là mầu nhiệm Nhập thể. Nơi tập viện, ngày này được cử hành trọng thể hơn để giúp các tập sinh noi gương hài nhi Giê-su đơn sơ và đầy phó thác. Mỗi cộng đoàn trang trí một máng cỏ đẹp đẽ và đặt trước bàn thờ của cộng đoàn.
Trong suốt năm, giờ suy ngẫm chung bào ban chiều sẽ luôn nhắm đến cuộc khổ nạn, cái chết và sự vượt qua của Đức Giê-su. Mỗi buổi chiều có ba giờ yên lặng, gọi là tiểu tĩnh, để kính nhớ ba giờ khổ hình của Chúa trên thập giá. Vào các ngày thứ sáu, sau giờ kinh sáng sẽ cử hành đi “Đàng thánh giá.”
Hằng ngày, mỗi tu sĩ có bổn phận viếng thăm Đức Ki-tô phục sinh nơi bí tích Thánh thể và trước khi rời khỏi nhà hoặc sau khi đi ra ngoài trở về.
Áp dụng cho công việc mục vụ
Hiến pháp số 6 của hội Dòng khẳng định nội dung sứ điệp mà tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế loan báo được tóm gọn lại trong “tình yêu của Chúa Cha, Đấng yêu thương ta trước và đã sai Con một của Người làm giá chuộc cho tội lỗi chúng ta.” Do đó, các tu sĩ là những nhà giảng thuyết về tình yêu của Thiên Chúa được bày tỏ nơi Đức Giê-su. Máng cỏ, thập giá và bàn thờ là những chủ đề chính yếu của sứ vụ Dòng Chúa Cứu Thế, bất kể sứ vụ được thực hiện dưới hình thức nào đi chăng nữa. Máng cỏ, thập giá và bàn thờ luôn là dấu chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta. Con cái thánh An-phong luôn phải coi đây là những chủ đề cốt yếu của việc giảng dạy.
Bối cảnh ngày nay
Trong khi đời lòng sùng kính dành cho máng cỏ, thập giá và bàn thờ có khác đôi chút với tập tục ngày xưa ở một số điểm, nhưng khi thi hành sứ vụ, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế vẫn luôn bày tỏ những biểu tượng trên trong việc liên lỉ nhắc đến tình yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại nơi cuộc đời Đức Giê-su. Đức Giê-su đến với nhân loại trong hình hài một trẻ sơ sinh; Đức Giê-su chịu những đớn đau vô cùng trong cuộc khổ nạn và ngài đã sống lại đầy vinh thắng và sự hiện diện của Chúa phục sinh nơi Thánh thể vẫn luôn là ba đề tài được nhắc lại nhiều lần trong lời giảng dạy, trong việc hướng dẫn tâm linh, và trong toàn bộ sứ vụ của Dòng. Các tu sĩ Chúa Cứu Thế chia sẻ với mọi người Tin mừng của máng cỏ, thập giá và bàn thờ; đặc biệt là cho những ai đang lâm hoạn nan, những người cần đến sợ trợ giúp nhất và những người bị bỏ rơi nhất.
Duc Trung Vu, CSsR