Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT
Thái Hà (2.9.20150Tình cảm gia đình là điều gì đó vô cùng thiêng liêng cao quý. Vì thế ông bà ta dạy rằng: “Anh em như chân với tay. Rách lành đùm bọc dở hay đỡ đần”. Cách riêng trong truyền thống gia đình Do thái, tình cảm ruột thịt không chỉ làm cho anh chị em gắn bó với nhau mà còn phải biết mang lấy gánh nặng cho nhau, gánh lấy trách nhiệm của nhau. Chẳng hạn, người anh trong gia đình xấu số mất đi, chẳng có đứa con thừa tự nào cả, thì người em phải có nhiệm vụ gánh lấy trách nhiệm là làm sao đó để anh mình không bị tuyệt nòi tuyệt giống, nghĩa là đứa con người em sinh ra không thuộc về người em, mà thuộc về người anh của mình.
Tình cảm gia đình thiêng liêng là thế, vậy mà trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa phán một câu có vẻ khiến cho những người họ hàng ruột thịt của Ngài cảm thấy chạnh lòng. Khi Ngài đang giảng dạy dân chúng, có người nhắc cho Ngài biết mẹ và những người họ hàng thân thiết muốn gặp Ngài, Ngài phán một câu có vẻ nghe rất lạnh lùng: “Mẹ tôi và anh em tôi chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành!” Câu nói của Ngài có thể bị suy diễn: Ừ, Ngài bây giờ giỏi quá rồi, nổi tiếng quá rồi, nên chẳng cần nhìn mặt mẹ và những người họ hàng thân thích nữa!
Thực ra, Chúa không bao giờ lãng quên tình cảm ruột thịt; trái lại, Ngài còn mở rộng gia đình ấy tới một tầm mức cao quý hơn và thiêng liêng hơn. Nói cách khác, Ngài không bao giờ ích kỷ, hẹp hòi, chỉ biết khép mình vào khuôn khổ của gia đinh ruột thịt nhỏ bé, nhưng Ngài muốn hướng đến một gia đình lớn hơn, gia đình của tất cả những ai lắng nghe và thực hành Lời Chúa, một gia đình mà ở đó có những con người dù chẳng có liên hệ huyết thống, máu mủ với nhau, nhưng biết lo lắng đùm bọc cho nhau còn hơn cả tình cảm ruột thịt nữa.
Xã hội ngày nay, có thể nói, bị chi phối khá nặng nề về vật chất khiến cho những tương quan giữa con người với nhau nhiều khi cũng bị đo bằng mức thang giá trị là tiền tài, vật chất. Chẳng thế, người ta thường nói: “Còn tiền chán vạn người mời, hết tiền anh đứng trông trời thở than!”
Sống trong xã hội mà tương quan con người bị chi phối nặng nề bởi vật chất và trở nên mong manh, hời hợt như vậy, bạn và tôi được Lời Chúa hôm nay nhắc nhở rằng chúng ta thuộc về một gia đình thiêng liêng của Thiên Chúa nên gánh nặng của anh chị em xung quanh mình cũng phải là gánh nặng của chính mình. Chỉ khi mang lấy gánh nặng của cuộc sống cho nhau, thì ta mới có diễm phúc như thánh Phaxicô nhắc đến:
Chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời!
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT