Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT
Thái Hà (24.9.20150 – Tò mò là một trong những đặc tính gắn liền với bản chất con người. Sự tò mò xuất phát từ một tâm hồn đầy nhiệt huyết và chân thành tìm kiếm sự thiện thì có tác dụng làm thăng hoa đời sống con người. Cụ thể như thiên tài Albert Einstein đã từng thú nhận: “Tôi không có tài năng đặc biệt nào, tôi chỉ có sự tò mò đầy nhiệt huyết”.
Trái lại, sự tò mò khởi phát từ một tâm hồn gian manh, mưu mẹo thì chỉ có hại cho bản thân người đó và có hại cho đời mà thôi.
Bài Tin mừng hôm nay thuật lại rằng vua Hêrôđê muốn gặp Đức Giêsu vì ông muốn thỏa mãn trí tò mò, chứ không phải tìm kiếm chân lý. Ông muốn tận mắt chứng kiến một vài phép lạ Ngài làm như người ta đồn thổi về Ngài.
Dĩ nhiên, Chúa Giêsu không bao giờ chiều ý một con người vừa có lòng hiếu kỳ vừa gian manh, quỷ quyệt như Hêrôđê. Kể cả sau này ông ta có dịp gặp Chúa trong cuộc thương khó, thì mãi mãi cuộc gặp của ông ta với Chúa có mà như không có, vì với một hồn chất chứa sự lưu manh, tính toán như ông dù có gặp Chúa thì đời ông ta chẳng bao giờ được biến đổi.
Cũng có tính tò mò như Hêrôđê, và có thể nói bàn tay cũng dính dáng đến sự tội, nhưng ông Giakêu, một người thu thuế, đã có dịp gặp được Chúa và được đổi đời bởi nơi cõi thẳm sâu tâm hồn Giakêu có một niềm khát khao mãnh liệt hướng về sự thiện.
Qua việc suy niệm bài Tin mừng hôm nay, bạn và tôi tự hỏi chính mình xem chúng ta đang tìm kiếm Chúa với một tâm hồn hướng thiện hay với một tâm hồn chất chứa đủ thứ mưu mô, tính toán? Biết đâu đấy, bạn và tôi đang tìm gặp Chúa để cầu mong Chúa làm một vài phép lạ cho đời ta no thỏa tiền tài, vật chất thế gian? Nếu ta tìm kiếm Chúa với một tâm hồn mưu mô tính toán như thế, thì chẳng bao giờ ta gặp được Ngài. Ngược lại, ta muốn gặp Chúa mỗi ngày để cho lòng ta được thanh thoát hướng về trời cao trước những khốn khó tư bề của cuộc sống trần gian, thì chắc chắn Chúa sẽ cho ta gặp Ngài và đời ta sẽ được biến đổi.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng, DCCT