Lời nhắc nhở Mùa Vọng

Con đường chúng ta đi không là đích đến. Mùa Vọng là thời gian để suy nghĩ về hành trình của chúng ta: “Anh em thân mến, một điều duy nhất, xin anh em đừng quên: đối với Chúa, một ngày ví thể ngàn năm, ngàn năm cũng tựa một ngày.” (2 Pr 3:8)

THIÊN ĐÀNG SẼ NHƯ THẾ NÀO?

Thiên Đàng sẽ rất hấp dẫn gợi lên những hình ảnh như tàu du lịch hoặc các khu nghỉ dưỡng trọn gói. Chúng ta muốn tin rằng Thiên Đàng sẽ đáp ứng mọi ước muốn của chúng ta, ở đây và bây giờ hầu hết các ước muốn của chúng ta đều do thể xác của chúng ta thúc đẩy, thậm chí là ham muốn xác thịt. Chúng ta muốn ăn uống thỏa thích, muốn cười đùa, muốn vui mừng và nhảy múa. Tất cả điều này và hơn thế nữa, chúng ta muốn mà không có phiền muộn nào, không có đau đớn hoặc khổ sở nào.

QUAN ĐIỂM KINH THÁNH

Trên Thiên Đàng sẽ không có đau khổ. Sách Khải Huyền cho biết: “Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.” (Kh 21:4) Đây không chỉ là ước muốn của chúng ta, mà là lời hứa Thiên Chúa thực hiện: sống đời đời với Ngài.

Chúa Giêsu so sánh Thiên Đàng là nơi đãi tiệc, như Ngài đã giảng dạy trong Tân Ước. Trong một dụ ngôn, Ngài so sánh Thiên Đàng với một bữa tiệc lớn do chủ chuẩn bị, ông chủ sai tôi tớ của mình đi đón những người khách được mời. (Lc 14:16) Ở một nơi khác, Chúa Giêsu nói: “Ở giữa quảng trường của thành, giữa hai nhánh sông, có cây Sự Sống sinh trái mười hai lần, mỗi tháng một lần; lá cây dùng làm thuốc chữa lành các dân ngoại.” (Mt 22:2) Cuối cùng, sách Khải Huyền mô tả thành Giêrusalem trên trời là “tiệc cưới của Con Chiên.” (Kh 19:9)

THỎA MÃN MONG MUỐN

Một trở ngại đối với việc suy nghĩ nghiêm túc về Thiên Đàng là sự thỏa mãn về cảm giác trần thế của chúng ta là điều khó nói, khó hình thành khái niệm. Về phương diện này của cõi vĩnh hằng, kinh nghiệm sống của chúng ta chứa đầy ước muốn và giới hạn. Mỗi chúng ta đều có thể nghĩ về những khoảnh khắc mà chúng ta đã phải bỏ qua. Đáng chú ý hơn nữa là nỗi khổ lớn của nhiều người còn thiếu các nguồn lực cơ bản hằng ngày. Để tin rằng sẽ có lúc và có nơi không còn ước muốn thì có thể là điều khó, dựa trên những gì chúng ta thấy ở đây và bây giờ.

Một khó khăn khác là trải nghiệm khoái lạc của chính chúng ta khiến chúng ta không muốn. Chúng ta không thể có đầy đủ. Cho dù đó là đồ ăn hay thức uống, đồng hồ, xe hơi, tiền bạc hay quyền lực,… Quá dễ dàng dành cả đời để theo đuổi những thứ đó. Đề cập ước muốn không ngừng của chúng ta nhiều hơn nữa, Thánh Thomas Aquino nói: “Không thể có bất kỳ điều tốt nào được tạo ra để tạo nên hạnh phúc của con người. Vì hạnh phúc là điều tốt đẹp hoàn hảo, nó sẽ ru ngủ hoàn toàn sự khao khát.”

Bất cứ điều gì chúng ta muốn, dù đó là ước muốn của trái tim trong ý chí hoặc sự tìm kiếm chân lý trong tâm trí, những khao khát sâu xa nhất của con người chỉ có thể tìm thấy sự thỏa mãn nơi Thiên Chúa. Chính Thiên Chúa là sự tốt lành theo ý muốn của chúng ta và là chân lý được tâm trí chúng ta tìm kiếm. Thánh Augustinô nhận định: “Ngài đã tạo ra chúng con cho Ngài, và trái tim của chúng con còn bồn chồn cho đến khi tìm thấy sự yên nghỉ trong Ngài.”

SỐNG CHỜ NƯỚC TRỜI

Mùa Vọng này, mùa của niềm khao khát và chờ đợi, nói lên tâm tình của đời sống Kitô hữu. Chúng ta là những người lữ hành và hải hành. Thế gian này không phải là nhà của chúng ta. Trên hành trình này, chúng ta trải qua vô số nỗi buồn và sự khó chịu. Đó là các dấu hiệu của con tim bồn chồn. Nếu chúng ta đang đấu tranh với tội về tình dục, thường xuyên trở thành con mồi của cơn cám dỗ, thất vọng về bóng tối ẩn náu trong lòng, chúng ta cũng đừng tuyệt vọng!

Con đường chúng ta đi không là đích đến. Leon Bloy – nhà tư tưởng Công giáo vĩ đại người Pháp – bật mí về bí ẩn của những đau khổ: “Có những chỗ trong trái tim chưa tồn tại, đau khổ phải nhập vào để chúng hiện hữu.” Có thể chúng ta đã mở rộng trái tim mình, tình yêu của chúng ta được thử thách và thanh lọc, tình bạn được hun đúc, và niềm tin được đổi mới khi chúng ta coi nỗi đau của mình là một phần của cuộc hành trình.

Công việc của Mùa Vọng là kiểm tra hành trình và điều chỉnh tâm hồn. Chúng ta phải chắc chắn mình đi đúng đường. Chúng ta đang mang gánh nặng không cần thiết? Chúng ta có tìm kiếm sự bổ dưỡng và sự nghỉ ngơi mà lữ khách cần chăng? Chúng ta đang theo tiếng gọi của Chúa hay tiếng gọi nào khác?

MỘT NGÀY NHƯ NGÀN NĂM

Các Kitô hữu được tạo nên cho sự vinh quang. Lễ hội Thiên Đàng là sự vui mừng của Thiên Chúa toàn năng và vô cùng nhân từ.

Trên Thiên Đàng, các nỗi buồn thầm kín của tâm hồn chúng ta sẽ được tiết lộ. Các cuộc đấu tranh của chuyến đi dài mệt mỏi sẽ được biến đổi. Trên Thiên Đàng, Đức Kitô mang các vết thương của Ngài, nhưng các vết thương vẫn lộng lẫy. Những đau khổ của cuộc đời chúng ta cũng vậy, một ngày nào đó sẽ được Ngài biến đổi.

Trong cuộc sống mai sau, chúng ta sẽ không còn mệt mỏi, mặc dù các thú vui hiện ra trước mắt. Chúng ta sẽ không bao giờ chán bữa tiệc. Thánh Phaolô bảo đảm với chúng ta: “Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người.” (1 Cr 2:9)

Việc tán dương sự khôn ngoan và tình yêu của Thiên Chúa sẽ thu phục chúng ta, và sẽ tìm thấy sự yên nghỉ. Chúng ta sẽ sống mãi mãi với Thiên Chúa. Ngày sẽ không trôi qua, sẽ không có đêm. Mãi mãi chúng ta sẽ cùng tỏa sáng với Ngài.

Sống không phải để vui thú về cuộc hành trình. Hãy bảo vệ con tim của bạn cho Thiên Đàng. Hãy để cho Mùa Vọng này là lời nhắc nhở về những điều tốt đẹp sẽ đến.

PATRICK BRISCOE, OP

TRẦM THIÊN THU (chuyển ngữ từ Aleteia.org)

Lễ Mẹ Vô Nhiễm – 2020