Thái Hà (03.03.2016) – Vậy là Cha đã ra đi !
Giống như cây nến tan đi để đốt lên ngọn lửa, như que diêm tự cháy mình để tỏa sáng màn đêm, Cha đã ra đi để lại ngọn lửa của công lý và trí tuệ mãi soi đường chúng con. Con – người con nhỏ bé của Cha – xin nghiêng mình bày tỏ lòng đau buồn và tiếc thương vô vạn đối với Cha.
Cha ơi ! tin Chúa gọi Cha về đến với con đột ngột vì chỉ mấy tiếng trước đó con còn được bên Cha, nhìn thấy cha nheo mắt cười và bàn tay nắm chặt. Con buồn, con nhớ và con bị câu thúc bởi những kỷ niệm đầy lý trí nhưng cũng rất duy tình với Cha. Giờ đêm đã khuya con ngồi đây, bùi ngùi ghi những dòng này xin vĩnh biệt một nhân cách, một tài năng mà con may mắn được biết và làm con suốt hơn 20 năm trên cuộc đời này.
Cha ạ, bài giảng đầu tiên con nghe Ngài là vào năm 1992 khi còn là một sinh viên nhưng bài giảng mà con nhớ nhất là vào năm 2002 khi nhà nước khai quật Hoàng Thành Thăng Long. Hôm đó Cha đã nói về sự sống, về thăng trầm của lịch sử và suy tàn của các triều đại qua các di vật được tìm thấy. Cha đọc bài thơ “Ông Đồ” của cụ Vũ Đình Liên và hỏi “Những người muôn năm cũ/Hồn ở đâu bây giờ ?”. Hôm nay, Cha đã trở thành người “thiên cổ” và hồn của Cha chắc đã lên Thiên Đàng nhưng – như Cha đã nói trong bài giảng đó – “Người chết đang kéo xe cỗ xe sự sống”. Vâng, theo một nghiên cứu khoa học hiện đại thì Cha vẫn còn sống đâu đây. Sóng vật chất Cha vẫn còn vương vấn trong vũ trụ này. Qủa thật, nếu chúng ta trống rỗng thì dù phổi đang căng, tim đang đập, chân tay đang múa may nhưng chúng ta cũng đã chết. Nhưng nếu trong chúng ta chứa đầy giá trị thì dù thân xác đã ra đi, con người vẫn sống. Sự sống đó tồn tại trong công trình Lọng Đức Bà Cha xây, trong bản nhạc Cha soạn, trong giọng ca ấm cúng Cha cất lên, trong lời Cha giảng và trong tình yêu Cha gieo trồng nơi từng anh chị em chúng con…. Gía trị Cha vẫn còn cài cắm đầy rẫy quanh đây trong tim óc người khác và trong tâm hồn con. Hay nói cách khác một ổ cứng “sống” vì nó có dữ liệu. Cha là một ổ cứng tinh thần đầy đủ và nồng nàn truyền dẫn dữ liệu cho tha nhân !
Cha ơi, con nhớ lại vào tháng 5 năm 1990, Bác Quốc Anh của con từ Nghệ An ghi mấy dòng chữ giới thiệu cho con về một người bạn tù. Con lần tìm đến số nhà 36 để đưa thư và gặp mặt cụ cố Vũ Thế Hùng. Từ khi con được nhận “Á Phụ” – như cách nói của Cụ – con đã thường xuyên được đến căn phòng nhỏ bé nằm trong ngôi nhà biệt thự để nghe Cụ nói về nhân tình thế thái, về luật pháp của Phương tây, về “Tinh thần Pháp luật” của Montesquieu và “Khế ước xã hội” của J.J Rousseau… Nhờ những lần trao đổi đó mà con hiểu biết thêm được về luật pháp quốc tế và lịch sử thăng trầm của giáo hội và xã hội Việt Nam. Con biết được mặc dù cụ Ông sinh ra ở Bùi Chu, Cụ bà người Huế nhưng Cha Mathew lại sinh ra ở Thanh Hóa là vì khi đó cụ Ông đã được sắc phong của triều đình nhà Nguyễn về làm Tri Phủ huyện Tĩnh Gia – Thanh Hóa. Con đã được trực tiếp gặp nhân chứng sống là những nhà hoạt động tôn giáo trong thời kỳ 1945-1954 ngay trong ngôi nhà 36 Trần Hưng Đạo. Cũng thông qua cụ cố mà con được biết thêm về Bác Phùng Cung, về Cụ Tiến, Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện, Bác Kiều Duy Vĩnh…. con thấy được hàng loạt sự oan ức và ngang trái. Dần dần, ý thức về pháp luật về lòng yêu mến công lý và khát khao đấu tranh cho công lý được cụ cố giác ngộ trong con. May mắn thay, qua đó con được biết Ông Bà có một người con làm linh mục là Cha Mathew. Không bao lâu sau, con được thấy người Cha cao lớn lần đầu lúc Cha xách cặp mạnh mẽ bước “Về nhà 36 thăm Bố Mẹ” khi ra Thái Hà dâng lễ. Chủ nhật hôm đó cũng là lần đầu tiên con được Nghe Bài giảng của Cha. Sau đó những lần Cha ra Hà Nội ông bà Cố đều nhờ con đưa đến nhà thờ đi lễ hoặc nhắc con phải đi dự lễ, nghe giảng lễ rồi về kể lại cho Ông Bà.
Vợ chồng luật sư Lê Quốc Quân bênh linh cữu cha Matthêu Vũ Khởi Phụng.
Cha ơi, Năm tháng trôi qua với bao nhiêu khó khăn cho cả giáo xứ Thái Hà chúng ta, cho Giáo Hội Việt Nam và cả cá nhân con. Vượt lên trên những đau khổ tột cùng, mãi khắc ghi trong tim con là vòng tay của Cha vào ngày 11 tháng 4 năm 2011 khi con vừa được anh em đón về từ nhà tù Hỏa Lò. Hôm đó mặc dù đã khuya, Cha Gioan Lưu Ngọc Quỳnh đề nghị Gia đình Xa quê nán lại đón con. Con thấy xấu hổ và choáng ngợp trước tiếng chào đón của những người anh em, và từ bên cánh cửa phải của Nhà thờ, Cha bước đến dang một vòng tay thật rộng ôm con vào lòng. Nước mắt con cứ thế chảy dài. Con đã từng được nhiều người yêu thương ôm chặt nhưng chưa bao giờ con thấy một vòng tay dang rộng và sau đó ôm chặt mình như vậy. Nó diễn ra trong một khoảng khắc thật đặc biệt và tràn đầy xúc động. Lúc đó ký ức tuổi thơ trỗi dậy, ở tuổi 40 con tự thấy mình như đứa trẻ của nhiều chục năm trước, không chỉ nhỏ bé về hình thể, con còn nhỏ bé về tình yêu thương, về trí tuệ để trọn vẹn nhỏ bé trong vòng tay của Ngài.
Cha ơi, lần cách xa cha gần đây nhất trong vòng 30 tháng, vợ con con thấy thật sự ấm lòng mỗi khi được về Thái Hà, nơi đó có nhiều cha, nhưng đặc biệt là Cha luôn ân cần trao đổi, động viên vợ con và các em của con. Mặc dù con bị cách ly xa xôi nhưng mỗi khi được thăm gặp, Hiền luôn nhắc đến Cha, đến Cha Phong, Cha Quỳnh và các linh mục khác trong nhà thờ đã cầu nguyện cho con, ủi an gia đình con trong những thời khắc khó khăn. Là người tân tòng, vợ con đã thực sự học hỏi được rất nhiều từ những giáo huấn về đức tin của Ngài qua biến cố của gia đình con. Chúng con còn nhớ ngày đứa con thứ 3 ra đời, Cha đã đến tận bệnh viện phụ sản chúc lành cho cháu và đặt tên Thánh của cháu là Clara Assisi. Từ đó gia đình con gọi cháu là Asi. Hôm qua con nói Cha đã được Chúa gọi về. Asi đã bảo “Cha về Thiên đàng”. Asi đòi xem lại ảnh và chúng con cùng đọc kinh cầu nguyện cho ông. Cha ạ, quanh quất đâu đây trong gia đình con vẫn còn trĩu nặng hình bóng Cha. Chúng con hy vọng đó chính là những viên gạch xây dựng nên ngôi nhà đầy tình thương yêu Kito giáo. Chúng con tri ân sâu nặng và xin tạ ơn Cha về tất cả những điều đó
Cha ơi, có một điều đã giúp đức tin con trưởng thành hơn mà đã thông báo với Cha trong bức thư cuối năm 2014, con đã đấu tranh suốt 2 tháng để được gửi ra cho Cha từ nhà tù An Điềm. Bức thư đó ban đầu có 8 trang nhưng sau 2 tháng tranh cãi, cuối cùng họ gọt đi và chỉ còn 4 trang gửi về cho Cha. Con rất vui khi biết rằng bản gốc đã đến được được cha Giuse Nguyễn Văn Phượng và một bản copy cũng đã được gửi cho Cha vì khi đó Cha đang chữa bệnh bên Mỹ. Trong thư, ngoài những kỷ niệm sâu nặng với Cha và Ông bà Cố, điều con vui mừng thông báo với Cha là mình đã được giải phóng khỏi sự vướng mắc về đức tin khi đọc Kinh thánh phần Cựu ước và triết học. Con bối rối về sự phát triển của tinh thần và vật chất, về sự tiến hóa “sinh quyển” của Charles Darwin và Kinh Thánh. Có những lúc con hoang mang, lo lắng. Thế nhưng nhờ vào cuốn sách “Hiện tượng con người” của cha Teihard De Chardin do Cha giới thiệu mà con đã thực sự hiểu được một cách hài hòa về sự tiến hóa sinh của “sinh quyển” và “tuệ quyển” cùng với đích hướng đến của điểm Omega. Cuốn sách đã cho thấy một sự cộng hưởng và khả năng triển nở của “Tuệ quyển”. Cha ơi, đó thật sự là một biến cố trưởng thành về đức tin của con. Nó bắt đầu do em Quyết đọc được bài giới thiệu của Cha và mua cuốn sách gửi cho con đọc trong tù. Vì có thời gian nên con cũng nghiền ngẫm khá lâu. Con thấy đúng như lời giới thiệu của Cha về cuốn sách là “Tiến trình tư duy khoa học trong sách đã cho ta nhìn thấy một chiều kích mới của đức tin, giúp nhiều tâm hồn tìm ra những viễn cảnh mới mà Thần học cổ điển kinh viện thời Trung Cổ và Cận đại không thể cung cấp”. Con là một tâm hồn như vậy, dường như bị tắc tịt trong tư duy và đã tìm ra được viễn cảnh mới. Con đã được truyền một cảm hứng và lý luận cho đức tin thêm vững chắc và phong phú. Tóm lại là con được “sáng mắt, sáng lòng” qua cuốn “Hiện Tượng con người” do Cha viết giới thiệu.
Cha ạ, cách đây 20 ngày thôi khi đến thăm Cha, dù đang nằm trên giường bệnh và rất yếu, cha vẫn tha thiết hỏi về những vấn về xã hội, vẫn đau đáu trước tương lai của đất nước, dân tộc và giáo hội. Cha hỏi han chi tiết và rõ ràng từng vấn đề một. Khi vợ chồng con ra về, Cha vẫn giữ chặt tay níu lại, và nói thêm là Cha tin tưởng là nhiều thứ sẽ còn thay đổi và đất nước sẽ có được dân chủ tự do, nhân dân sẽ ấm no. Cha quan tâm đến tương lai của “Hiện tượng con người” và giá trị cuốn sách. Thế đó, cho đến tận những ngày cuối cùng, cha vẫn sống trọn vẹn, đầy đủ từng giây phút. Cha vẫn hết lòng hết sức cho người nghèo, cho công lý và sự thật, cho cả những vấn đề thần học hiện đại. Cha vẫn cố gắng chiến đấu dẻo dai và có một niềm tin bền bỉ nhằm chiến thắng bệnh tật.
Cha ơi, còn một điều mà khi đốt nén hương lòng này con cũng phải viết ra để khẳng định một lời nói và cũng là để minh oan cho Cha. Đó là trong bữa tiệc Xuân 2011, giữa 6 trí thức Hà Nội hơn 70 tuổi, con đã hỏi thẳng rằng: “Có phải vào năm 1971 Cha đã từng mặc áo dòng đi rải truyền đơn chống chế độ Việt Nam Cộng Hòa, làm lợi cho Cộng sản như một vị giám mục đã nói hay không ?”. Cha đã trả lời “Có ! nhưng không mặc áo dòng và truyền đơn đó là kêu gọi hòa bình”. Cha còn giải thích thêm là “Khi đó khát vọng hòa bình lớn lao chưa từng có, phủ lấp hết mọi chuyện”. Con tin là cho đến hôm nay, khi trút hơi thở cuối cùng về với Chúa – khát vọng đó vẫn mãi mãi bao trùm Cha. Trước khi ra đi chỉ mấy tiếng đồng hồ, Cha đã nắm chặt tay con, nhìn vào con một cái nhìn bình an sâu thẳm, chứa chan một khát vọng hòa bình. Như đã từng ghi thư cho Cha, giữa bốn bức tường giam lạnh giá và những vòng dây thép gai bao quanh, Con thấy được lòng yêu mến hòa bình và tinh thần bất bạo động của Cha. Cha là tấm gương để con hằng ngày sám hối, học hỏi và canh tân hầu xứng đáng với những lời huấn dạy của Cha.
Vĩnh biệt Cha khi một tác phẩm về Cha đang dang dở, Vĩnh biệt Cha – một người tu sỹ trí tuệ có một không hai mà con từng gặp – Vĩnh biệt thân xác Cha nhưng giá trị sống mà cha truyền dạy, sẽ mãi vẫn còn đây, sống mãi với con và gia đình mình.
Hà Nội đêm 2/3/2016
Ls. Lê Quốc Quân