Xem mấy phim dạng cổ trang của Trung Quốc, tôi để ý thấy có cái mô típ thế này: Thường thường, khi các nhân vật chính bị dồn vào bước đường cùng, tứ phía địch thù vây hãm thì đột nhiên sẽ có quân tiếp viện đến ứng cứu kịp thời.
Đạo diễn phải viết kịch bản như thế để bộ phim được tiếp tục, chứ nếu khai tử nhân vật chính sớm quá thì còn gì là phim.
Hành trình Dân Thiên Chúa bước đi trong nhân loại dĩ nhiên không phải là phim hay tiểu thuyết, nhưng tôi thấy cũng có những nét hao hao mà lại khác biệt so với những bộ phim kia.
Gọi là hao hao là vì đoàn dân ấy cũng bao lần lên bờ xuống ruộng, tưởng tan rã rồi lại hồi sinh, tưởng sẽ bị diệt tiêu nhưng rồi lại trỗi dậy vươn lên. Còn nói là khác biệt là vì đoàn dân ấy không phải được cứu thoát bởi ‘số đông’ quân tiếp viện, nhưng lại là ‘số ít’ những người bé nhỏ, yếu ớt, tưởng chừng như chẳng làm nên cơm cháo gì.
Đọc Kinh Thánh tôi thấy mô típ ấy hiển hiện rất rõ rệt, chẳng hạn:
Giữa một thế hệ tà ác, chỉ có ông Noah và gia đình ông vâng lời Chúa. Nhưng chính nhờ những con người ít ỏi này, nhân loại còn tiếp tục được tồn tại.
Ông Ê-li-a là vị ngôn sứ còn lại duy nhất của Đức Chúa nhưng một mình ông đánh bại 450 ngôn sứ của thần Baal. Nhờ ông, dân được quay trở lại với đức tin tinh tuyền.
Đối diện với đạo quân hùng hậu lại có sự hậu thuẫn của Gô-li-át khổng lồ, Dân Chúa tưởng chừng thua trận tới nơi nhưng họ lại được cứu không phải bởi những trang anh hùng hào kiệt nhưng được cứu bởi chàng trai Đa-vít bé nhỏ với 5 hòn cuội trong tay.
Kịch tính nhất trong lịch sử cứu độ ấy là cả nhân loại này được cứu bởi một mình và duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô. Dưới con mắt người đời, Giê-su chết treo trên thập giá là con người thất bại hoàn toàn, nhưng đúng như lời Kinh Thánh nói: Vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống ( Rm 5:17-19)
Bước vào con đường nhỏ bé của Đức Tin là đi vào mầu nhiệm trái ngược với tư duy của người đời: Ta được cứu không phải số đông, nhưng là số ít những người công chính.
Chỉ cần tiếng nói của người công chính còn được cất lên, còn được lắng nghe là ta biết Chúa còn ở cùng Dân Ngài. Tiếng nói ấy thấu hiểu và ấp ủ nỗi lòng của dân, khẩn cầu cho dân và mang lại lời hi vọng cho dân.
Điều đáng lo sợ không phải là ba thù đông đúc vây hãm nhưng chỉ đáng lo sợ khi tiếng nói ngôn sứ không còn ở với dân Thiên Chúa nữa mà thôi.
Để đọc các bài khác, xin vui lòng ấn vào đây: #Ly_cà_phê_chiều