Không bình yên, Pháp
Sáng ngày 29/10, tôi thức dậy với vài thông báo tin tức tại Pháp. Ít nhất ba người bị chết, nhiều người bị thương trong vụ tấn công tại nhà thờ Đức Bà Nice. Một trong ba nạn nhân đã qua đời bị cắt cổ ngay bên trong nhà thờ.
Sau những dòng tin, ảnh đại diện của các trang báo chí Công giáo, trang giáo phận tại Pháp lần lượt rủ một màu đen tang. 15h cùng ngày, tất cả các nhà thờ nước Pháp đồng loạt kéo chuông để tưởng niệm và cầu nguyện cho nạn nhân trong vụ khủng bố. Hội đồng Giám mục Pháp đã lên án, đây là hành động “không thể gọi tên được”.
Năm 2015 được gọi là năm “đẫm màu khủng bố” tại Pháp. Hàng loạt vụ tấn công từ nhóm Hồi giáo cực đoan được cho là chết chóc nhất tại Pháp sau Thế chiến thứ II. Năm đó, mạng xã hội tại Việt Nam cũng tràn ngập màu cờ xanh-trắng-đỏ của Pháp với lời “Pray for France” – Cầu nguyện cho nước Pháp.
Những cú đánh trong xã hội Pháp dấy lên lời thức tỉnh của Giáo hội Pháp – trưởng nữ Giáo hội. Một Giáo hội Pháp cội rễ đang ở đâu?
Tháng 5 năm 2016, một đêm canh thức với lời cầu nguyện của thầy Marcel Văn đã được tổ chức tại nhà thờ Thánh Tâm trên đồi Montmartre ở Paris. Sau đó, hàng trăm nghìn bản in giấy nhỏ đã được phân phát cho các tín hữu.
Nhiều nhạc sĩ và ban nhạc như Martin Szersnovicz, Elisabeth Boglio-Charon đã phổ nhạc cho lời cầu nguyện này. Năm 2017, có tới 400 ca viên do Martin Szersnovicz, Dei Amoris Cantores chỉ huy đã hát lên lời cầu nguyện này tại nhà thờ Saint-Sulpice, Paris.
Mọi người có thể nghe lời cầu nguyện ở đường link youtube bên dưới:
Sao thầy Văn lại cầu nguyện cho nước Pháp?
Tuy nhiên, đọc đến đây sẽ có nhiều người thắc mắc: Vậy Marcel là ai và liên quan gì đến Pháp.
Có lẽ, người Pháp lại biết nhiều về thầy Marcel Văn hơn là người Việt chúng ta. Cho dù, thầy Marcel là người con đất Việt, chưa từng đặt chân đi nước ngoài. Thầy Marcel Văn tên thật là Nguyễn Tân văn, sinh năm 1928 tại Ngăm Giáo, Bắc Ninh.
Thầy có ước ao được dâng mình cho Chúa từ khi còn nhỏ và được cha mẹ cho vào nhà xứ từ rất sớm. Trong hành trình tu trì ấy, thầy đã có đời sống thiêng liêng sâu sắc với Chúa và nhiều lần được diện kiến, đối thoại với chị Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu. Thầy còn được gọi với cái tên thân thương là “Em trai chị Têrêsa”.
Đây cũng có thể là một lý do vì sao người tín hữu Pháp, đặc biệt là các bạn trẻ rất yêu mến thầy Văn.
Thầy xin nhập tu tại Dòng Chúa Cứu Thế năm 16 tuổi và từng sinh sống tại nhà thờ Thái Hà. Sau 1954, thầy đang học tại Sài Gòn nhưng xin ra Hà Nội. Và thầy đã chết trong trại cải tạo năm 1959 ở tuổi 31.
Tháng 11 năm 1945, Giêsu đã nói với thầy Văn rằng: “Này con nhỏ yếu dấu của ta, nghe này, ta sẽ đọc cho con một lời cầu nguyện. Lời cầu nguyện này, Ta muốn người Pháp sẽ đọc lên vì Ta”. Và đây là bản văn của lời cầu nguyện tuyệt vời đó, tờ báo Aleteia viết lại:
« Seigneur Jésus, aie compassion de la France,
daigne l’étreindre dans ton Amour
et lui en montrer toute la tendresse.
Fais que, remplie d’Amour pour toi,
elle contribue à te faire aimer
de toutes les nations de la terre.
Ô Amour de Jésus, nous prenons ici
l’engagement de te rester fidèles
et de travailler d’un cœur ardent
à répandre ton Règne dans tout l’univers.
Amen ».
Lời nguyện của thầy Văn đã được Giáo hội Pháp đưa vào trong sách cầu nguyện cho quốc gia. Và lời nguyện này lại được đọc lên nhiều hơn sau hàng loạt vụ khủng bố năm 2015, sau đúng 70 thầy Văn đặt bút viết lại lời nguyện này.
Giáo hội Pháp còn được coi là mẹ của Giáo hội Việt Nam, theo lời của Đức Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nói. Và Pháp cũng là một dân tộc cội rễ của nền Ki-tô giáo.
Cuộc tấn công khủng bố hôm qua như một phát súng ‘gây hấn’ không chỉ vào nhóm tín hữu thành Nice mà của cả Pháp, của cả chúng ta.
Cùng với Marcel Văn, chúng ta cầu nguyện cho Việt Nam và nước Pháp: «Xin hãy ban cho nước Pháp một nền hòa bình vững chắc…»
An Duyên