Thái Hà (08.12.2015) –
“Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế…”
(Hàn Mặc Tử)
Thánh Gioan Vianney, cha sở họ Ars đã có một câu nói về Mẹ Maria. Có lẽ lời ấy ít khi được nhắc đến. Ngài nói: “Kẻ nào đọc kinh Tin Kính cũng như kẻ nào muốn tìm hiểu về Maria, kẻ ấy phải nhớ rằng mình đụng đến lửa”. Mà lửa thì bào giờ cũng nguy hiểm.
Thật vậy, người tín hữu Chúa không thể nào hát kinh Credo như ca vãn những điều viễn vông, theo lối phường chèo. Bởi vì những chân lý, những thực tại mà người tín hữu công bố, ăn sâu vào đời sống và liên hệ tất yếu với phần rỗi của mình. Khi tuyên xưng như thế, người tín hữu chỉ nói lên những xác tín về tình thương lớn lao của Chúa: Ngài đã ban cho chúng ta nhận biết Ngài, đã cứu rỗi chúng ta, đã cho chúng ta sự sống mới, và mai này Ngài sẽ đến phán xét mỗi người. Như thế thì làm sao có thể phây phây hát kinh Credo, khi đó là vấn đề sống chết cho chính mình!
Chúng ta còn ngạc nhiên khi thấy thánh Gioan-Maria Vianney đặt trên cùng một tầm quan trọng mầu nhiệm Maria với Kinh Tin Kính. Nhưng thật ra, nếu đọc lại và suy nghĩ nghiêm chỉnh những gì Phúc Âm đã viết về Mẹ, chúng ta sẽ nhận ra tất yếu này: Chúng ta không thể rêu rao yêu mến Mẹ, tôn sùng Mẹ mà không thay đổi trọn vẹn cuộc sống. Chúng ta thử lấy một điểm đã bàn đến trước đây: Đó là Kinh Magnificat. Kinh này vạch cho tín hữu cả một đường hướng hoạt động mới lạ, chân thật, trong sinh hoạt trần thế. Một đường hướng duy nhất phù hợp với lối nhìn, và dự định của Thiên Chúa về con người. Kinh Magnificat đòi buộc người tín hữu không những không thể làm ngơ trước những cảnh bóc lột tàn bạo, hay những bất công xã hội, mà còn hơn nữa, phải tránh những hành vi phản luân lý, phản nhân đạo, phản Thiên Chúa làm người. Chẳng hạn, người tín hữu không thể khư khư bảo về quyền tư hữu của mình như quyền bất khả xâm phạm, khi bên cạnh mình có người sống đói rách áo ôm! Có thái độ như thế thì làm sao dám hát: “Chúa cho kẻ đói khó dư đầy và xua đuổi người giàu sang trở về tay không”. Đụng đến lửa là thế đó.
Cho nên, chúng ta chỉ có thể “run như run hơi thở chạm tơ vàng”, khi suy niệm về “Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Vì mầu nhiệm này có năng lực lột mặt nạ mỗi một người chúng ta. Trong ánh sáng của Đấng chẳng vương tì ố, mỗi người sẽ thấy cái cảnh nửa sáng nửa tối, chẳng nóng chẳng lạnh nơi chính mình. Và hơn nữa sẽ thấy, như chính Chúa Giêsu đã nói, con tim mình có khi chỉ là một nồi sân si ngun ngút khói: “vì chính tự bên trong, tự lòng người ta, thì xuất phát mọi suy tính xấu xa: dâm bôn, trộm cắp, giết người, ngoại tình, tham lam, độc ác, xảo quyệt, phóng đãng, phân bì, dèm pha, kiêu hãnh, tán tận lương tri” (Marcô 7:21).
Nói như thế không có nghĩa là tỏ ra bi quan một cách cực đoan về thân phận con người. Nhưng chỉ để nói rằng: “Maria tính tuyền thánh vẹn” hằng thúc bách mỗi người cải thiện bản thân và cuộc sống. Một đằng, người tín hữu phải nỗ lực chu toàn trách nhiệm của một con người giữa lòng xã hội, trên cương vị tập thể, gia đình cũng như cá nhân. Đàng khác, tuy phải bôn chôn, tranh đua sinh sống, có khi đến mức độ căng thẳng, điên loạn, người tín hữu cần phải cố gằng nắm giữ tinh thần vô tư, đại lượng, siêu thoát, thanh trong mà phúc âm đòi hỏi.
Ở Lộ Đức, nơi mà Mẹ Maria tự xưng danh là “Đấng Vô Nhiềm Trinh Thai”, Mẹ đã để lại những mệnh lệnh nào nếu không phải là ăn năn đền tội và cầu nguyện. Người ta không đến Lộ Đức để tìm hứng làm thơ hay sáng tác nhạc. Hoặc để chút ít xúc động nuôi dưỡng lòng sốt sắng chóng qua. Nếu chỉ có thế, thì vẫn chưa đụng đến lửa, vẫm chưa hội ngộ thật sự với Mẹ, vẫn chưa hành trình cùng với Mẹ trên con đường tuyệt đối. Có những yêu sách mà một bà mẹ tinh tuyền không thể không nhắc nhở với những đứa con đã đến với mình, khi những đữa con ấy còn sông tròn cảnh lâm lụy dưới thế.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn….
Tín điều Mẹ vô nhiễm, cũng như tín điều Mẹ hồn xác về trời, không có nền tảng rõ rệt, minh bạch trong sách Thánh. Đó có lẽ là lý do tại sao hai tín điều này chỉ được công bố vào cuối thế kỷ XIX và vào giữa thế kỷ XX. Và người ta cũng dễ hiểu tại sao một nhà thần học lỗi lạc, như Thánh Tôma Aquino, sống vào thời Trung cổ, đã chẳng sốt sắng, nếu không phải là nghi kỵ, khi nói đến “giả thuyết” Maria Vô Nhiễm trinh thai!
Nhưng ý tưởng về Mẹ Vô Nhiễm đã khởi phát trong Hội Thánh ngay từ thế kỷ thứ 5. Và các tài liệu lịch sử còn cho biết Lễ Mẹ vô nhiễm đã được cử hành từ thế kỷ thứ 7 trong Giáo hội Đông phương và từ thế kỷ thứ 9 trong Giáo hội Tây phương. Hội Thánh đã sống mầu nhiệm này, đã chiêm ngắm lâu dài qua thời gian, trong phụng vụ cũng như trong lời kinh trước khi công bố.
Muốn hiểu phần nào “Mẹ Vô Nhiễm trinh thai”, chúng ta cần phải nhớ ít điều chính yếu sau đây. Các tín điều về Mẹ Maria chỉ là một, không thể tách rời riêng rẽ. Và những tước hiệu Hội Thánh thường ca tụng trong kinh cầu Mẹ, ăn kết với nhau chặt chẽ. Nhín khác đi thì chỉ đưa đến ngộ nhận và mịt mù. Đàng khác, nền tảng cho các tín điều đó là việc Nhập thể của Con Thiên Chúa. Các tín hữu tiên khởi chỉ biết đón nhận tin mừng độc nhất và lạ lùng này: Thiên Chúa đã làm người và đã ở giữa chúng ta, tên Ngài là Giêsu. Họ không quan tâm đặt vấn đề về Maria, hoặc tìm hiêt người. Họ cũng ít nói đến người. Và nếu có nói đến thì cũng chỉ để nhấn mạnh đến thực chất của việc Nhập thể Con Thiên Chúa. Ngay chính Thánh Phaolô hình như cũng không biết gì hết về Maria. Nhưng chính trong ánh sáng của Tin Mừng Thiên Chúa làm người, mà Hội thánh từ từ nhận ra và xác tín rằng: “Mẹ của Đấng Cứu Thế không thể nào vương vấn tì ố của tội nguyên tổ. Hơn thế nữa, Mẹ có sự tinh trong sáng ngời ấy từ giây phút khởi đầu thụ thai. Tuy nhiên không phải tự tay mà Maria Vô Nhiễm trinh thai như thế, mà nhờ bởi ơn cứu rỗi do Chúa Giêsu mang đến. Phải, chính đấng sống lại đã chiếu sáng bản thân Maria từ nguyên khởi hiện hữu.
Chúng ta phải nhớ điểm chính yếu này, để tránh sự hiểu lầm của các anh em trong Giáo hội Tin Lành. Mẹ Maria cũng đã được rỗi như mỗi một người trong chúng ta. Nhưng chỉ có Mẹ là người được cứu rỗi một cách thành toàn. Nghĩa là không một giây phút nào trong sự hiện hữu của Mẹ, tội lỗi và những gì tội lỗi gây nên đã đạt đến bản thân Mẹ. Nhờ bởi máu Đấng Cứu Thế sẽ đổ ra sau này, Thiên Chúa đã gìn giữ Maria trọn đời tinh tuyền thánh vẹn.
Với xác tín đó, Hội Thánh đã đọc lại những trang Thánh Kinh gián tiếp loan báo hay tiềm tàng mạc khải mầu nhiệm này. Trong Tin Mừng theo Thánh Luca, khi sứ thần Gabriel đến truyền tin cho Maria, lời đầu tiên của sứ thần là một lời chào chan chứa ý nghĩa “Hãy vui lên, hỡi bà được tràn đầy ơn phúc”. Lời chào ấy cho chúng ta thấy rằng, trươc khi Maria làm Mẹ của Đấng Cứu Thế, Maria đã được Thiên Chúa sủng ái một cách lạ thường. Từ muôn thủa, Ngài đoái nhìn đến Maria, chọn Maria, yêu mến Maria, như một Thien Chúa có thể yêu mến một bà mẹ, nghĩa là vô bờ bến, sâu thẳm, trong sáng.
Và lời tán dương của người họ hàng, Elisabét, cũng còn hàm ẩn ý tưởng súc tích đó: “Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ”.
Hội thánh cũng nhận ra Mẹ Vô Nhiễm nơi người nữ chiến thắng con mãng xà nói trong sách khải huyền. Con mãng xã đã cám dỗ hai ông bà nguyên tổ phạm tội trong vườn đĩa đàng, nay bị Maria đạp dập đầu. Như thế, lời hứa cứu rỗi của Thiên Chúa từ nguyên thủy loài người nay được thực hiện cách diệu kỳ.
Trong sách Cựu ước, chúng ta có thể tìm thấy một truyền thông rất phong phú, nói về dân Israel như hôn thê của Đấng tối cao. Dĩ nhiên, dân Israel chỉ là hôn thê bất xứng, vì thường hay bội tình bạc nghĩa. Nhưng Thiên Chúa đã hứa sẽ tái tạo cho Ngài một hôn thê tín trung và ngàn vạn lần tốt đẹp hơn:
“Hỡi bạn tình, bàn đẹp tuyệt vời
và không có một tì ố nào nới bạn…”
(Sách Diệu ca 4:7-8)
Còn vần thơ nào tuyệt tác hơn để ca tụng Đấng Vô Nhiễm trinh thai!!!
Trên đường hành trình cùng Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta phải luôn nhớ lời Thánh Gioan-Maria Vianney: “Tìm hiểu Maria là đụng đến lửa”. Một người tín hữu đúng danh phải luôn mãi hủy diệt nơi bản thân mình những hắc ám, đen tối, vẩn đục để ơn Chúa biến hóa nến trong sáng. Hơn thế nữa, người tín hữu còn phải dấn thân, loại bỏ tất cả những gì đồng lõa với tội lụy giữa lòng xã hội. Để tình Chúa và tình người ngày càng tươi sáng như mặt trời.