Vào ngày 23 tháng 4, Tòa Thánh Vatican đã gửi một bức điện tín cho người dân quốc đảo St. Vincent và Grenadines khi đất nước này đối diện với hậu quả của vụ phun trào núi lửa La Soufrière vào ngày 9 tháng 4.
“Đức Thánh Cha Phanxicô gửi lời bảo đảm về sự gần gũi thiêng liêng của ngài tới tất cả những người bị ảnh hưởng bởi vụ phun trào gần đây của núi lửa La Soufrière và bày tỏ tình đoàn kết chân thành với nhiều người dân buộc phải sơ tán khỏi căn nhà của họ và tìm nơi trú ẩn do ảnh hưởng của thảm họa này,” Đức Hồng y Pietro Parolin, Quốc vụ Khanh Tòa Thánh, viết trong bức điện tín.
“Cầu nguyện theo cách đặc biệt cho các nhân viên cứu hộ và tình nguyện viên hỗ trợ cứu trợ, Đức Thánh Cha giao phó người dân ở quốc đảo St. Vincent và Grenadines cho sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa toàn năng.”
Khi núi lửa La Soufrière phun trào, đó không hẳn là một điều bất ngờ
Các nhà khoa học đã cảnh báo về một vụ phun trào sắp xảy ra của núi lửa trên đảo St. Vincent ngay sau lễ Giáng sinh và cư dân nơi đây bắt đầu cảm thấy các rung chấn vào ngày 25 tháng 3, ngày lễ Truyền tin. Cha Kevin Murray của Dòng Chúa Cứu Thế cho biết lệnh sơ tán đã được ban hành vào ngày 8 tháng 4, một ngày trước khi đỉnh núi phun trào trong một đám mây khí nóng, tro bụi và các mảnh vỡ.
“Cho đến nay tất cả chúng tôi đều an toàn”, Cha Murray, người đang mục vụ ở cực bắc của hòn đảo, nơi Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Baltimore, có trụ sở tại Bờ Đông Hoa Kỳ, điều hành ba nhà thờ, cho biết. “Cảnh báo sơ tán đã được công bố rộng rãi, trên đài phát thanh và ở khắp mọi nơi.”
Có đến 20.000 người đã phải di dời, theo các người có chức trách của Giáo phận Kingstown ở St. Vincent và Grenadines. Một số ở trong các khu tạm trú của chính phủ ở phần phía nam của hòn đảo và những người khác di tản đến các hòn đảo khác ở Caribe hoặc tới quốc đảo khác như St. Lucia, cách xa khoảng 50 dặm. Cha Murray cho biết việc di tản cũng rất phức tạp bởi phải tuân thủ các biện pháp phòng ngừa COVID-19
Có lẽ hầu hết mọi người nương nhờ nơi nhà bạn bè và họ hàng trong gia đình của họ, Cha Murray nói. Phần cha thì đang ở tại nhà của Đức giám mục quận Gerard ở thủ đô Kingstown, nằm trên bờ biển phía nam của quốc đảo St. Vincent.
Vẫn chưa rõ mọi người sẽ phải di tản trong bao lâu, vì núi lửa tiếp tục phun trào liên tục vào tuần thứ ba của tháng Tư. Các nhà địa chất cho biết các vụ phun trào đã phá hủy mái vòm của ngọn núi, và còn có thể tiếp tục phun trào trong một khoảng thời gian nữa
‘Một thảm họa nhân đạo’
Đã có tro bụi rơi ngay cả ở cuối phía nam của quốc đảo St. Vincent trong khu vực xung quanh Vịnh Sandy, tro bụi có nơi sâu đến vài inch. Những thảm thực vật tươi tốt, xanh tươi và làn nước xanh lấp lánh giờ chuyển hết sang màu xám xịt.
“Đó thực sự là một thảm họa nhân đạo đối với chúng tôi,” Cha Murray nói. “Nhiều ngôi nhà đã bị hư hại. Một lượng tro bụi đáng kể đã rơi xuống và nhiều mái nhà đã bị sập. Mọi người mất nhà, mất công ăn việc làm ”.
Theo báo cáo và các bức ảnh cung cấp bởi những người tìm đường vào vùng nguy hiểm hoặc nhưng người còn nán lại, mái nhà của Nhà thờ Đức Mẹ Sao Biển gần Vịnh Sandy cũng đã bị sập.
Cha Murray cho biết, người dân trong các trại tạm trú có nhu cầu rất lớn về thức ăn và nước uống, đặc biệt là tro núi lửa đã làm ô nhiễm các con sông và suối vốn là nguồn cung cấp nước ngọt cho người dân trên đảo. Họ cũng cần quần áo, vì họ không thể mang theo được nhiều thứ khi di tản.
Cha Murray viết trong một bài phản ánh được đăng trên trang web của tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế: “Người dân với đồ đạc lỉnh kỉnh xếp hàng trên các con đường để chờ những chuyến xe rời khỏi vùng nguy hiểm để đến vùng đất an toàn hơn. “Họ tranh nhau đến những nơi trú ẩn tạm bợ, nương nhờ nơi những người họ hàng và bạn bè. Gần 20.000 người dân đã di chuyển từ những ngôi nhà thân yêu của họ để chuyển sang các tị nạn chỉ trong một đêm, bao gồm cả các thành viên của cộng đoàn Dòng Chúa Cứu Thế ”.
Cần sự trợ giúp
Cha Paul Borowski, Bề trên tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế cho biết tỉnh đang cố gắng giúp đỡ bằng cách quyên góp tiền, gửi vật dụng và khuyến khích mọi người đồng hành với người dân quốc đảo St. Vincent trong việc cầu nguyện.
Cha Borowski cho biết, sứ mệnh của Dòng Chúa Cứu Thế trên đảo St. Vincent là khá mới, chỉ có từ năm 2019, mặc dù cộng đoàn này đã hiện diện ở vùng Caribe hơn 100 năm. Tỉnh Baltimore, có trụ sở tại Washington, D.C., bao gồm hầu hết vùng Đông Bắc Hoa Kỳ cũng như một số vùng của Caribê, và các thành viên đang tìm cách mở rộng sứ vụ ở đó, Cha Borowski nói.
“Chúng tôi rất ấn tượng với công việc mục vụ ở khu vực Vịnh Georgetown-Sandy (ở vùng cận bắc của St. Vincent),” Cha Borowski nói. “Và nó phù hợp với đặc sủng của chúng tôi, đó là tiếp cận với những người bị bỏ rơi nhất, đặc biệt là những người nghèo về kinh tế. Có một nhu cầu rất lớn cho công tác truyền giáo nơi đây. Phần lớn đất nước không theo đạo Công giáo và phần đông bắc của hòn đảo hầu như không có giáo dân. Điều kiện này cung cấp một cơ hội tuyệt vời để thực hiện việc truyền giáo. “
Tỉnh Dòng đã giúp quyên góp tiền để mở rộng một tiệm bánh mì thuộc sở hữu của giáo phận Kingstown gần Vịnh Sandy, cộng thêm một cửa hàng thực phẩm và đồ gia dụng cũng như một địa điểm bán bánh pizza cho người dân địa phương đến giao lưu. Một gian hàng ngoài trời được xây dựng và phục vụ như một điểm cho người dân địa phương bán hàng hóa.
Cha Borowski cho biết cả tiệm bánh và gian hàng đều bị hư hại hoặc phá hủy do tro bụi rơi trên mái của họ, mặc dù việc tiếp cận vẫn bị hạn chế nên chưa thể đánh giá tổng mức thiệt hại. Trong khi mái nhà của nhà thờ Đức Mẹ Sao Biển bị hư hại, chưa có báo cáo về thiệt hại tại các nhà thờ khác, nhà thờ Thánh Benedict ở Georgetown và St. Giuse ở Bellevue.
Cha Borowski cũng cho biết cuộc khủng hoảng nhân đạo có thể sẽ kéo dài trong nhiều tháng tới đây. Sau đó sẽ cần một khoảng thời gian để phục hồi. Vào ngày 20 tháng 4, Liên Hợp Quốc đã đưa ra lời kêu gọi gần 30 triệu đô la cứu trợ thiên tai để cung cấp viện trợ khẩn cấp cho người dân và giúp tài trợ cho việc dọn dẹp tro bụi.
‘Xin đừng quên chúng tôi’
Cha Borowski cho biết Dòng Chúa Cứu Thế ở St. Vincent, trong đó có Cha Murray, cũng như những tu sĩ của Dòng ở Hoa Kỳ, đang làm việc với các tổ chức viện trợ quốc tế như Caritas Antilles và Food for the Poor để tìm cách giúp đỡ người dân.
Cha Murray cho biết, sự giúp đỡ cũng đến từ những người Công giáo ở các quốc đảo lân cận, những người này đã cung cấp chỗ ở và nhu yếu phẩm.
Nhưng để có thể trở lại sinh hoạt bình thường, bất cứ khi nào có thể, người dân sẽ cần nhiều sự giúp đỡ hơn nữa, Cha Murray nói.
“Tôi nghĩ rằng phần lớn người dân sẽ muốn quay lại và cố gắng tái thiết, miễn là khả thi,” Murray nói.
Thứ gì là cần thiết để biến điều đó thành hiện thực?
“Trước hết, hãy nhớ đến chúng tôi trong lời cầu nguyện,” Cha Murray nói. “Hãy nhớ tới những nhu cầu khẩn thiết của chúng tôi.”
Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế đã công khai các nỗ lực cứu trợ trên trang Facebook của mình, và văn phòng phát triển của tỉnh đã tạo ra một quỹ khẩn cấp để mọi người quyên góp. Để biết thêm thông tin, hãy truy cập redmptoists.net.
Michelle Martin (osvnews.com)
Chuyển ngữ: Duc Trung Vu, CSsR